Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Theo chân vũ đoàn Apsaras

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Theo chân vũ đoàn Apsaras

Hoàng Xuân Phương

Một vũ đoàn Apsaras ở đền Ba Kheng. Ảnh: Hoàng Xuân Phương.

(TBKTSG) – Khi chúng tôi đến núi Kulen, nơi vào năm 802 Jayavarman II tuyên ngôn độc lập khỏi đế quốc Sri Vijaya để thiết lập đế chế Angkor, thì nước sông Ngàn Linga đang dâng theo sau trận mưa đầu mùa. Trong bóng nước lung linh đổ về từ hàng chục ngọn thác, có thể nhìn thấy quang cảnh sinh động của hàng ngàn vũ nữ Apsaras nhảy múa dưới nước theo các điệu nhạc thiên thần.

Cuộc chuyển mình lịch sử từ nền văn minh sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long sang nền văn minh đô thị đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 với việc xây dựng kinh đô Ba Thê bên cạnh thương cảng Óc Eo ở Nam bộ rồi Angkor Borei gần vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Nhưng từ sau năm 350, nước biển dâng lên thu hẹp địa bàn sinh tụ và tàn phá các thành phố giữa vùng đồng thấp.

Cư dân thuộc nền văn hóa Óc Eo bắt đầu những cuộc thiên di. Một bộ phận trở lại vùng cao Đông Nam bộ rồi về vùng đất tổ Cát Tiên dưới chân rặng Trường Sơn. Một bộ phận khác tiến ra biển thiết lập các thương đoàn rồi kiến tạo nên đế quốc Sri Vijaya nơi vùng duyên hải. Nhóm còn lại đi ngược dòng Mêkông đến gần Biển hồ Tonle Sap thiết lập vương quốc Chân Lạp trước khi bị Sri Vijaya thôn tính.

Năm 802 Jayavarman II thoát khỏi nơi giam giữ của Sri Vijaya và chọn Kulen làm nơi tuyên bố độc lập, chính thức khai sinh đế chế Angkor, khiến nơi đây trở thành ngọn núi linh thiêng nhất của người dân Chùa Tháp.

Ngày nay Kulen nằm ở tâm điểm của ba cố đô: Sambô Prêy Kuk của thời Chân Lạp nằm ở phía Đông, Koh Ker ở phía Bắc khi các vua lánh nạn khỏi quân Chiêm Thành, và đế đô Angkor ở phía Tây Nam, trên bờ Biển Hồ thuộc tỉnh Siem Reap.

***

Chúng tôi hẹn nhau ở bến tàu cánh ngầm thị xã Châu Đốc để ăn cháo đêm chợ nổi trước khi đi Phnôm Pênh. Cháo đêm ở đây là thứ cháo cá đặc sản theo mùa và theo con nước, bắt ngay dưới thuyền giữa ngã ba sông. Sau bữa ăn sáng ở bến đò Phnôm Pênh, đoàn đi ngay đến sân bay Pôcheng Tông để đáp máy bay đi Siem Reap qua vùng nước mênh mông xanh thẫm của đại hồ Tonle Sap mà dân địa phương gọi là Biển Hồ.

Khi máy bay bắt đầu hạ độ cao thì Angkor hiện ra mỗi lúc một rõ. Nắng vàng ban mai như tô đậm thêm sắc màu rực rỡ một vùng đế đô, mà cũng thêm màu huyền bí cho các khu đền nằm giữa các hào nước trong xanh hay lẩn khuất dưới các rừng cây. Noun và Sokchata đến đón chúng tôi trên chiếc 4WD ngay tại sân bay Siem Reap, rồi cùng trở về khách sạn để ăn bữa trưa.

Tôi quen Sokchata trong một vũ hội hoàng gia ở đền Bakheng qua lời giới thiệu của nữ diễn viên điện ảnh Sarina Luy. Vốn là cô giáo ngoại ngữ, lại am hiểu thổ ngữ miền núi và đọc được ít nhiều chữ cổ Khmer, chúng tôi đã khẩn khoản nhờ cô dành cho đoàn mấy ngày trong chuyến du hành đến vùng núi thiêng Kulen và đến cố đô Koh Ker. Noun được người chị gái phân công lái xe hướng dẫn đồng thời quan hệ với các chính quyền địa phương.

Hôm sau chúng tôi rời thành phố Siem Reap từ sáng sớm, đi về phía Đông khoảng 6 ki lô mét đến ngã ba Dam Dek thì rẽ về phía Bắc theo tỉnh lộ 47. Từ đây bỏ lại sau lưng gió mát Biển Hồ, thay vào đó là con đường bụi bậm loang lổ chạy giữa một vùng đầy những đền và đền chen giữa các rừng cây. Ở ngõ vào mỗi khu đền có các thanh niên đánh cờ chờ người, và khi du khách đã ngã giá thì họ mang đồng phục nhân viên bảo vệ để chở khách tham quan bằng môtô.

Xuyên qua khoảng 15 ki lô mét rừng rậm của khu bảo tồn Angkor, du khách đã có thể nhìn thấy rặng núi Kulen nổi lên trên chân trời Đông Bắc, và khi đến ngã ba Banteay Srei nơi con đường rẽ vào ngọn núi thì đoàn du thám chúng tôi dừng lại để ăn sáng và chờ sương tan trong các thung lũng. Một nhà sư vui vẻ cho biết hôm nay trời tốt, làn sương sẽ tan trong khoảng 1 giờ đồng hồ nữa và rồi sẽ bao phủ núi rừng sau 4 giờ chiều.

Con đường từ ngã ba Banteay Srei vào núi tuy vẫn đầy bụi đỏ nhưng khí trời trở nên mát mẻ và các bụi cây thốt nốt lùi lại phía sau nhường chỗ cho rừng dày nhiệt đới. Noun nhảy xuống xe trao đổi vài câu với nhóm bảo vệ rồi trở lại đưa chúng tôi thẳng đến sông Ngàn Linga. Từ trên bờ nhìn xuống, trong bóng nước lung linh đổ về từ hàng chục ngọn thác, hàng ngàn vũ nữ Apsaras nhịp nhàng nhảy múa theo tiếng nhạc thiên thần.

Vũ điệu Apsaras là đặc trưng văn hóa của người dân Chùa Tháp. Chuyện cổ Mahabharata kể rằng, để thử thách tính khổ hạnh của nhà hiền triết Viswamitrat, thần Indra gửi xuống trần gian một tiên nữ tên là Menaka thuộc vũ đoàn thiên thần Apsaras. Khi vũ nữ Menaka nhảy múa quay lượn bên mình Viswamitrat thì thần Marut làm gió thổi mạnh xé rách áo nàng. Nhìn thấy người đẹp nhãn tiền, nhà hiền triết đem lòng ham muốn, và rồi một bé gái tên là Sakuntala chào đời trên bờ dòng sông.

Hình tượng linga (ảnh trên) và vũ nữ Apsaras được khắc chạm dưới đáy sông. Ảnh: Hoàng Xuân Phương.

Thực ra câu chuyện về vũ nữ Apsaras xuống trần nhảy múa không chỉ được ghi lại trong các kinh sách cổ mà đã được ghi tạc hoành tráng trên các bức tường nơi hầu hết đền đài vua chúa Angkor. Những nét khắc chạm tinh tế, sinh động, phong phú và hết sức hiện thực đã trở thành khuôn mẫu sắc đẹp vương giả nơi xứ Chùa Tháp, và vũ điệu Apsaras ngày càng phổ biến, cho đến nay vẫn luôn mang phong cách nghệ thuật độc đáo có một không hai.

Phong cách này được cổ thư mô tả là “cặp mắt lá sen, vòng eo thon nhỏ, bờ hông rộng mở, nàng thực hiện các động tác nhảy múa quay lượn làm lắc lư bộ ngực kín hở đầy đặn. Với đôi mắt liếc nhìn đắm đuối, nàng phô diễn những điệu bộ quyến rũ khả dĩ cướp trọn con tim, khối óc và cả ý chí cưỡng lại của những ai một lần đến xem”. Người Khmer luôn tin nét đẹp Apsaras là nét đẹp cao quý nhất, và chăm sóc sắc đẹp theo phong cách Apsaras từ bao đời nay vẫn là một phần cuộc sống của các phụ nữ, nhất là trong những dịp lễ hội.

Cô giáo Sokchata rất rành lối đi. Và khi tôi dừng lại chụp mấy tấm hình thì cô đã hướng dẫn đoàn người về phía thượng nguồn. Người ta kể rằng năm 1050 vua Suryavarman I cho ngăn đoạn sông dài hơn 4.000 mét này để các thợ đá khắc chạm lên đáy lòng sông những bức họa. Nhưng phải 100 năm sau, toàn cảnh bức tranh tuyệt mỹ mới được hoàn thành và lưu lại nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Thực ra các bức tranh dưới nước, với họa tiết tinh xảo và những cảnh tượng thần tiên chen giữa hàng ngàn linga-yoni thể hiện ước vọng sung túc phồn thực không chỉ nhìn thấy ở sông Ngàn Linga mà cả ở Kbal Spean, nằm ở phía Bắc trên đường đi Koh Ker và nơi suối Đá Đẽo, gần khu đền Beng Mealea. Tất cả tạo cho núi Kulen một vẻ linh thiêng hơn cả quần thể Angkor cổ kính, nơi mà chúng tôi sẽ dành ba ngày tiếp theo để nghiên cứu đặc trưng đô thị vùng Đông Nam Á.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới