Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị phần xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc sụt giảm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Năm ngoái, trong số 14 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực chi phí thấp (LCC) ở châu Á, Trung Quốc có thị phần xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm khi các công ty đa quốc gia tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… sang Mỹ tiếp tục tăng lên.

Cảng container Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Năm 2022, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông chiếm tổng cộng 50,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực LCC châu Á (gọi tắt là nhóm LLC châu Á), bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Campuchia, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Tỷ lệ này thấp hơn so với 53,5% vào năm 2021 và tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu từ năm 2013, theo báo cáo thường niên Reshoring Index của hãng tư vấn quản lý Kearney.

Theo báo cáo, thị phần của Trung Quốc tiếp tục giảm mặc dù nhập khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ từ nhóm LCC châu Á tăng 11% trong năm ngoái, lên hơn 1.000 tỉ đô la. Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông sang Mỹ trong nhóm này giảm chủ yếu do Mỹ tăng nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan và Thái Lan.

Việt Nam có sự bứt phá mạnh nhất, với thị phần xuất khẩu sang Mỹ từ nhóm LLC châu Á tăng từ 5,8% vào năm 2018, lên 11,8% vào năm 2022.

Đã có sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, với nhiều công ty đa quốc gia sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc do lo ngại rủi ro trong các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, thuế quan, căng thẳng địa chính trị và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, báo cáo của Kearney cho biết.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các hãng điện tử tiêu dùng như Apple và Samsung Electronics đã chuyển bớt hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đồng thời mở rộng sang Việt Nam và gần đây nhất là Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Để thu hút làn sóng dịch chuyển sản xuất này, chính phủ của các LCC châu Á khác đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa ra các biện pháp ưu đãi để củng cố hệ sinh thái sản xuất của riêng họ.

Trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, số lượng nhà cung cấp thành lập nhà máy tại Việt Nam đã tăng từ 17 vào năm 2018 lên 23 vào năm 2020, bao gồm 7 công ty Trung Quốc đại lục, theo  Everbright Securities.

Trong giai đoạn 2018-2022, thị phần xuất khẩu hàng hóa sản xuất sang Mỹ của Trung Quốc trong nhóm LLC châu Á giảm từ 65,6%, xuống còn 50,7%. Trong cùng kỳ, thị phần của Việt Nam tăng từ 5,8% lên 11,8%. Ảnh: Caixin

Hãng tư vấn quản lý Kearney ghi nhận xu hướng tương tự cũng diễn ra trong ngành dệt may. Báo cáo của Kearney nêu rõ rằng chi phí lao động ngày càng tăng, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và các mối lo ngại xã hội đã đẩy nhanh quá trình dịch chuyển của ngành sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông để đến các LCC châu Á khác. Diễn biến này có khả năng mang lại lợi ích cho một số quốc gia có nền công nghiệp còn kém phát triển như Campuchia. Năm ngoái, chính phủ Campuchia công bố kế hoạch mở rộng ngành công nghiệp ô tô và điện tử bằng cách đầu tư hơn 2 tỉ đô la trong 3 năm tới.

Trong giai đoạn 2018-2022, xuất khẩu hàng điện tử của Campuchia sang Mỹ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 128%, một phần nhờ xuất phát từ nền tảng thấp. Báo cáo của Kearney cho biết thêm rằng nước này, cùng với Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ được hưởng lợi sớm từ động thái chuyển bớt hoạt động sản xuất chip bán dẫn ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Theo báo cáo, một số công ty đa quốc gia, đặc biệt là những công ty đang tìm cách tiết kiệm chi phí hậu cần và vận chuyển cho các sản phẩm tiêu dùng lớn hơn, cồng kềnh hơn, có mật độ giá trị tương đối thấp (không đòi hỏi nhiều quy trình gia tăng giá trị), đang được đa dạng hóa hoàn toàn khỏi châu Á và chuyển về Mexico và Mỹ. Ví dụ, báo cáo cho biết hoạt động lắp ráp đồ nội thất ngày càng được thực hiện nhiều hơn ở Mexico. Đây là một xu hướng được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất Trung Quốc đang thiết lập hoạt động tại các khu công nghiệp gần thành phố Monterrey của Mexico và các thành phố khác của Mexico gần biên giới với Mỹ.

Hãng tư vấn quản lý Kearney ghi nhận việc đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty đa quốc gia, đồng thời cho biết thêm rằng hơn 80% công ty được khảo sát trong hầu hết các ngành công nghiệp cho biết họ có kế hoạch chuyển ít nhất một phần hoạt động sản xuất trở về Mỹ trong ba năm tới. Một số công ty này hoạt động trong các ngành công nghiệp xe điện và chip, đang được hưởng lợi từ Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật CHIPS của Mỹ.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý các công ty hóa chất, đặc biệt là những công ty liên quan đến hóa chất cơ bản, có thể gặp thách thức đưa hoạt động sản xuất trở lại thế giới phương Tây do những lo ngại về môi trường và chi phí.

Theo Caixin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới