Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán bị ‘nhuộm đỏ’ vì tin đồn

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tin đồn đã kích hoạt áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường ngày 28-3 chìm trong sắc đỏ, trong đó nhóm cổ phiếu nhà FLC đồng loạt bị bán tháo ngay từ khi mở cửa với lượng dư bán sàn chất đống.

Thị trường vừa trải qua tuần dao động trong biên độ hẹp dưới áp lực từ nhóm cổ phiếu bluechip. Hầu hết các công ty chứng khoán vẫn đưa ra những nhận định khá tích cực về xu hướng tích lũy của thị trường để chuẩn bị cho giai đoạn tăng điểm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những dự báo trên đã hoàn toàn sụp đổ trước những tin đồn. Thị trường bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 28-3 không mấy khả quan khi có những tin đồn liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

thị trường chứng khoán có phiên 28-3 chao đảo vì tin đồn. Ảnh minh họa: MP

Cũng như những lần trước đó, tâm lý đám đông chi phối mạnh trên thị trường. Bên cạnh nhóm cổ phiếu họ FLC gồm FLC, ROS, HAI, AMD, KLF dư bán sàn chất đống, các cổ phiếu lớn bé trên thị trường cũng đồng loạt chịu áp lực bán và mở cửa trong sắc đỏ.

Sau khoảng một tiếng đồng hồ giao dịch, lực bán mạnh dâng cao khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm. Bộ tứ họ FLC trên sàn HOSE vẫn trong trạng thái bị xả bán ồ ạt. Trong đó, ROS và FLC đang dư bán sàn trên dưới 60 triệu đơn vị, còn AMD dư bán sàn hơn 13 triệu đơn vị và HAI dư bán sàn gần 8 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 125 mã tăng và 325 mã giảm (6 mã giảm sàn), VN-Index giảm 13,94 điểm (0,93%), xuống 1.484,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 470,6 triệu đơn vị, giá trị 14.123 tỉ đồng, cùng tăng 24% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.

Bước sang phiên chiều, lực bán gia tăng ngay sau giờ nghỉ trưa, tâm điểm vẫn là cổ phiếu hệ sinh thái FLC ‘nằm sàn’ la liệt kéo theo hàng loạt các cổ phiếu bất động sản giảm sâu. Đặc biệt cổ phiếu hai ngân hàng đang là “chủ nợ” lớn nhất của FLC cũng giảm sâu. Hiệu ứng domino đã ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN-Index.

Tổng lượng dư bán sàn và dư bán tại phiên ATC hôm nay của cổ phiếu hệ sinh thái FLC lên tới hơn 230 triệu đơn vị. Đây là lượng dư bán sàn quy mô lớn, đạt mức kỷ lục của sàn chứng khoán trong suốt 20 năm thị trường đi vào hoạt động.

Hai cổ phiếu ngân hàng là “chủ nợ” lớn nhất của FLC cũng giảm sâu. Theo báo cáo tài chính năm 2021 của FLC, STB hiện là bên cho vay lớn nhất với 1.840 tỉ đồng, BIDV là 1.747 tỉ đồng. Chốt phiên, cổ phiếu STB giảm 5,3% xuống mức 31.850 đồng/cổ phiếu, thanh khoản lên tới 36,7 triệu đơn vị. Cổ phiếu BID giảm 4,3% xuống mức 41.600 đồng/cổ phiếu, thanh khoản gần 4 triệu đơn vị.

Phiên chiều tiếp tục bị xoay vần với các tin đồn và thông tin mới từ báo chí liên quan đến Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC khiến cho thị trường mất đi động lực phục hồi. Trong phiên có thời điểm VN-Index đã rơi 22 điểm. Dòng tiền bắt đáy chỉ xuất hiện ở những phút cuối cùng giúp thị trường lấy lại được vài điểm và đóng phiên ở mức 1.483 điểm, tương ứng giảm 15 điểm.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy thị trường chứng khoán từng bị “bốc hơi” hàng tỉ đô la vốn hóa vì các tin đồn. Riêng trong giai đoạn 2012 – 2013, thị trường chứng khoán đã chứng kiến 2 lần chao đảo vì các tin đồn liên quan đến ông Đặng Văn Thành và ông Nguyễn Đức Kiên. Năm 2017 đến lượt tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà cũng khiến thị trường chao đảo. Như vậy với phiên giao dịch hôm nay lịch sử cũng lặp lại tương tự với một tin đồn mới.

Tin đồn được khởi nguồn từ đêm 27-3, khi thông tin trên mạng xã hội đã xôn xao về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, bị áp dụng biện pháp tố tụng để điều tra một số nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Đến sáng nay 28-7, tiếp tục một số cơ quan báo chí thông tin các cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết trong thời gian 1 tháng, từ ngày 26-3, để làm rõ một số nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của ông Quyết.Trước đó, vào tháng 1-2022, hành vi “bán chui” cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn FLC đã từng gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán. Cụ thể, ngày 10-1 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường. Trong khi lâu nay mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình 15-40 triệu cổ phiếu.Ngay say đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo HOSE hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1-2022 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới