Thứ Năm, 28/09/2023, 04:03
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thị trường đồ gỗ: Người Nhật không chuộng đồ rẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường đồ gỗ: Người Nhật không chuộng đồ rẻ

Phạm Thái

Thị trường đồ gỗ: Người Nhật không chuộng đồ rẻ
Khách Nhật tìm hiểu thông tin tại hội chợ Vifa 2011. Ảnh: Phạm Thái

(TBKTSG Online) – Theo các chuyên gia ngành gỗ, nhu cầu các sản phẩm gỗ xây dựng, trang trí nội thất chất lượng cao của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng. Để tận dụng tốt cơ hội này các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần phải xây dựng chính sách hỗ trợ và quảng bá mạnh.

Đồ tốt mới bán được giá cao

Ông Tadashi Kikuchi, Tùy viên kinh tế Nhật tại TPHCM nhận định người Nhật rất thích dùng những sản phẩm gia dụng làm từ gỗ nên có thể nói nhu cầu những sản phẩm trên của thị trường Nhật là rất lớn.

Tuy nhiên, để gia công chế biến và xuất khẩu những sản phẩm đáp ứng nhu cầu trên thì các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với chính các doanh nghiệp Nhật Bản để nắm bắt được sở thích khách hàng.

Hiện nay chi phí nhân công tại Nhật rất cao, cùng với vấn đề dân số già đi nhanh chóng buộc các doanh nghiệp Nhật phải chuyển hướng xây dựng nhà máy ở những nước đang phát triển để tận dụng nguồn nhân công và nguyên vật liệu giá rẻ, đặc biệt là các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Tỷ lệ nhập khẩu đồ gỗ từ Trung Quốc khá lớn, tuy nhiên do chi phí nhân công tại Trung Quốc cũng tăng khá nhanh nên nhiều doanh nghiệp Nhật cũng ngán ngại khi đầu tư vào đây.

“Trong khi đó, mặt dù còn khá hạn chế nhưng xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam vào Nhật Bản lại đang tăng trưởng tốt”, ông cho hay.

Bằng so sánh với ngành may mặc, ông Kikuchi cho rằng, nếu chỉ làm sản phẩm giá rẻ thì khó duy trì sự ổn định, đặc biệt tại thị trường ưa chuộng chất lượng sản phẩm cũng như tính độc đáo trong các thiết kế phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Theo ông, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là doanh nghiệp Việt Nam nên có sự hợp tác tốt với doanh nghiệp Nhật để sản xuất các sản phẩm có thiết kế tốt, từ đó người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao.

“Làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành đồ gỗ”, ông nói.

Là một trong những công ty có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu hàng đi Nhật, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng thừa nhận, Nhật là một quốc gia phát triển, nơi mà các công ty đồ gỗ Việt Nam khó tự thiết kế sản phẩm để bán mà phải kết hợp với các nhà thiết kế ở đây.

Một vài ví dụ cho thấy sự khó tính của thị trường này là các sản phẩm phải gọn gàng, chắc chắn và tinh tế, gỗ làm sản phẩm phải có độ ẩm được quản lý chặt chẽ. Ghế là một trong những mặt hàng được bán nhiều nhất, các loại ghế được thiết kế nặng chỉ khoảng 3,5 kg nhưng phải rất chắc chắn để người lớn tuổi cũng có thể di chuyển được chúng và sử dụng. Để làm được điều này sản phẩm phải trải qua các bài test “mỏi mệt” từ 5.000 lần đến 8.000 lần!

Ông Thành nhận xét: hàng mộc sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu qua Nhật đều tăng từ khá đến tốt. “Vấn đề là các doanh nghiệp xuất được qua thị trường này lại thường là các doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, Đài Loan… tức là những nhà máy có khâu quản lý chất lượng tốt và ổn định”, ông nói.

“Thị trường Nhật Bản chỉ mở cửa cho hàng hóa chất lượng cao và ổn định, với giá rất tốt. Cơ hội để làm được điều này chỉ dành cho những ai am hiểu am hiểu văn hóa kinh doanh và có lòng kiên nhẫn”, ông chia sẻ. 

Cần hỗ trợ để khai thác tốt

Một minh chứng cho thấy sự bền vững của thị trường Nhật Bản là mặc dù thường đòi hỏi khó khăn về mặt chất lượng nhưng khi đã gây dựng được lòng tin của doanh nghiệp đối tác thì đây sẽ là thị trường tiêu thụ vững chắc nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Hồi tháng 3-2011, Nhật Bản bị trận động đất, sóng thần lớn đánh vào, các nhà máy điện hạt nhân gây thiệt hại vô cùng lớn nhưng kim ngạch đồ gỗ Việt Nam xuất vào Nhật trong thời kỳ này cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo ông Thành, Nhật Bản chuẩn bị cho việc tái thiết sau thiên tai cũng khá chậm chạp, nhưng khi bắt đầu thì việc xây dựng sẽ rất mạnh mẽ và theo dự tính của ông thị trường này sẽ bùng nổ trong năm 2013, đặc biệt nhu cầu tiêu thụ các loại ván ép, cửa đi với chất lượng cao dành cho xây dựng và đồ gỗ nội thất sẽ tăng mạnh.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Nhật Bản sẽ trở thành “điểm nhấn” của thị trường xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới. “Nếu như năm ngoái Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu các loại ván thanh phục vụ cho ngành xây dựng, tái thiết đất nước sau thiên tai thì giờ họ lại đang đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm trang trí nội ngoại thất sau khi phần xây dựng hoàn tất”, ông cho hay.

Bên cạnh làn sóng tiêu thụ mới này, ông Võ Trường Thành cho hay Nhật Bản là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn và mỗi năm mức sản xuất trong nước của họ giảm đi do sức ép của chi phí, đặc biệt là chi phí nhân công tăng cao.

“Việc di chuyển nhà máy hoặc một phần nhà máy từ Nhật Bản, nơi mà giá công nhân vốn cao, đến các quốc gia khác có giá nhân công rẻ hơn để sản xuất đồ gỗ cho thị trường Nhật Bản là một điều cần sự chuẩn bị nghiêm túc vì Việt Nam hiện nay cũng đang phải cạnh tranh với các nước khác trong khu vực Asean”, ông nói.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ trong tháng 8-2012 đạt trên 59,3 triệu đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2012 lên 425,5 triệu đô la Mỹ, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2011.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới