Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thị trường về sản phẩm cảm biến ở Việt Nam rất lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường về sản phẩm cảm biến ở Việt Nam rất lớn

Hùng Lê

Thị trường về sản phẩm cảm biến ở Việt Nam rất lớn
ông Lê Hoài Quốc (giữa), ông Tom Nguyễn (ngoài cùng bên phải) trao đổi với báo chí tại cuộc họp chiều 8-11.

(TBKTSG Online) - Thị trường cho các sản phẩm sensor (cảm biến) trong nước vô cùng lớn và rất nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trên thế giới đầu tư tham gia phát triển.

Thông tin này được ghi nhận tại buổi họp báo chiều 8-11 về việc sẽ tổ chức Diễn đàn Công nghệ hệ thống vi cơ điện tử (MEMS)/cảm biến TPHCM vào ngày 9-11.

Tại buổi họp báo, Việt kiều Mỹ, Giám đốc điều hành Công ty DunAn Sensing, ông Tom Nguyễn, người có 30 năm hoạt động trong lĩnh vực MEMS/cảm biến, cho rằng sản phẩm cảm biển đang ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp, lĩnh vực, sản phẩm công nghệ khác nhau, trong khi Việt Nam hiện gần như nhập khẩu các sản phẩm này phục vụ trong nhiều lĩnh vực cả trong đời sống và sản xuất. Với một thị trường gần 100 triệu dân, ông Tom Nguyễn cho rằng Việt Nam là một thị trường rất lớn và nhiều tiềm năng để rót vốn đầu tư phát triển.

Đã hoạt động đầu tư tại Trung Quốc nhiều năm nay, nhưng ông Tom Nguyễn lại đang xúc tiến dự án đầu tư phát triển sản phẩm cảm biến ở thị trường trong nước, đặt tại TPHCM. Quyết định chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, ông Tom Nguyễn tin rằng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn về nhiều mặt.

Bởi đây là lĩnh vực mà Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang khuyến khích đầu tư. Với dân số trẻ chiếm đa số, cùng với việc ham học hỏi, thông minh và có nhiều kỹ năng, ông Tom Nguyễn tin rằng nguồn nhân lực ở Việt Nam sẽ thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực này.

Chi phí lao động và đất đai của Trung Quốc hiện cũng khá đắt đỏ, được cho là nguyên nhân để giới đầu tư hướng sang thị trường khác, trong đó Việt Nam được chú ý nhiều.

Tại cuộc họp, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), cũng cho rằng không chỉ thị trường trong nước có nhiều tiềm năng, các sản phẩm cảm biến của các nhà đầu tư làm ra cũng có thể cung cấp cho các nhà lắp ráp sản phẩm công nghệ của nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam vốn phải nhập khẩu lâu nay.

Theo ông Quốc, dù hiện tại chưa có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này ở Việt Nam cũng như tại SHTP, nhưng tình hình cho thấy có một số nhà đầu tư nước ngoài, lực lượng trí thức kiều bào ở nước ngoài trong đó đang làm việc tại Mỹ cũng đang quan tâm tìm hiểu hướng về.

Ông Quốc cho rằng lực lượng trí thức Việt Nam làm việc trong lĩnh vực này khá nhiều trên thế giới, trong đó có cả ở thung lũng Silicons, và những tập đoàn lớn. Họ chứng minh được chỗ đứng của trí tuệ Việt...

UBND TPHCM giao cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM làm đầu mối triển khai thực hiện Diễn đàn MEMS/Sensor. Theo ông Quốc, diễn đàn là nơi để các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước và các quỹ đầu tư, gặp gỡ trao đổi về những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiến tới hợp tác tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ MEMS/Sensor trong công nghiệp và trong đời sống.

Cũng theo ông Quốc, diễn đàn sẽ là nơi tạo ra cơ hội để cùng hợp tác đầu tư sản xuất tại Việt Nam; hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp MEMS/Sensor cho thành phố, bao gồm từ nghiên cứu đến đào tạo, ươm tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất. Đây là cơ sở để phát triển bền vững cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở trình độ tiên tiến, tạo điều kiện cho việc làm chủ công nghệ sản xuất , đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Năm chuyên gia thế giới sẽ trình bày tại diễn đàn

Theo Ban tổ chức, diễn đàn có sự tham gia trình bày của nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cảm biến như: ông Roger Grace, Chủ tịch Hiệp hội  RGA; ông Tom Nguyen, Giám đốc điều hành DuAn Sensing; TS. Henderik F.Hamann, Quản lý cao cấp Trung tâm nghiên cứu IBM T.J Watson; TS. Matteo Rinaldi, giáo sư đại học Northeastern, Mỹ; TS. Srinivas Tadigadapa, Giáo sư đại học Penn State, Mỹ.

Diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 9-11, tại Khách sạn Le Meridien Saigon - số 3C Tôn Đức Thắng, quận 1, gồm 2 phiên: phiên thứ nhất đề cập đến “Các chính sách cho việc phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor”; phiên thứ 2 sẽ đề cập đến “Các ứng dụng của MEMS/Sensor hướng đến thị trường”.

Cuối mỗi phiên sẽ có phần thảo luận bàn tròn giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà khoa học và các chuyên gia cùng có ý kiến đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor cho TPHCM.

Mời đọc thêm:

>>> TPHCM tạo cơ chế đột phá phát triển công nghiệp vi mạch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới