Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu điện trước khi lũ về

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu điện trước khi lũ về

Nhân viên kỹ thuật ngành điện lực đang sửa chữa hệ thống điện tại TPHCM – Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG Online) – Điều gì sẽ xảy ra nếu một số hồ chứa thủy điện lớn trong hệ thống như Hòa Bình, Trị An, Ialy, Hàm Thuận không đủ nước? Câu trả lời rất đơn giản: cắt điện diện rộng với công suất từ 2.000 – 3.000 megawatt (MW) nhiều giờ trong ngày.

Các thủy điện Hòa Bình, Trị An, Ialy, Hàm Thuận hiện chiếm công suất khoảng 25% hệ thống điện của cả nước vào mùa khô năm nay. Ông Phạm Minh Lương, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam đưa ra nhận xét như trên với TBKTSG Online vào sáng 31 -1, ngay đúng thời điểm mà các nguồn điện từ các nhà máy bị sự cố như Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 bắt đầu hoạt động bình thường trở lại.

Theo trung tâm, riêng trong ngày 30-1 (23-12 Âm lịch), các nhà máy điện Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 4 đã đóng góp sản lượng điện khoảng 37 triệu kWh vào tổng số sản lượng điện tiêu thụ trong ngày là 109 triệu kWh trên toàn khu vực miền Nam.

Bên cạnh đó, Nhà máy điện Cà Mau và Thủy điện Đại Ninh mặc dù trong giai đoạn vận hành thử nghiệm nhưng cũng đóng góp tổng sản lượng khoảng 12 triệu kWh điện trong ngày 30-1 vừa qua. Nhà máy điện Cà Mau có tổng công suất là 1.500 MW, Thủy điện Đại Ninh có tổng công suất là 300 MW. Dự kiến hai nhà máy Cà Mau và Đại Ninh sẽ vận hành hết công suất vào cuối quí 1 năm nay.

Với những lời thuyết minh như trên, ngành điện lực đánh giá đây là dấu hiệu đáng mừng.

Thế nhưng, người tiêu dùng – những người trả tiền cho dịch vụ, lại đang lo lắng liệu Tết năm nay và xa hơn nữa là những tháng mùa khô năm nay có phải tiếp tục “sống chung” với tình trạng cúp điện hay không?

Gánh nặng “tiếp viện” cho miền Bắc

Ngoài nỗ lực của EVN để có đủ điện trong mùa khô tới như tăng sản lượng điện mua từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm lên khoảng 1,27 tỉ kWh, và dự kiến tăng lên khoảng 3,4 tỉ kWh cho cả năm 2008, tập đoàn điện lực còn ráo riết đôn đốc một số dự án điện sớm hoàn thành để “chữa cháy” thiếu điện cho mùa khô năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, lại tỏ ra lo lắng rằng, trong khi các nhà máy thủy điện đảm nhiệm cung cấp khoảng 40% tổng sản lượng điện năm nay, thì mực nước ở các hồ chứa thủy điện hiện tại không đạt được mức nước dâng bình thường vì lý do từ đầu tháng 10-2007 đến nay, các tỉnh miền Bắc hầu như không có mưa.

“Chẳng hạn như hồ Hòa Bình đang bị tụt 5m sau hai đợt xả nuớc vào các ngày từ 15-1 đến 15-2 để phục vụ đổ ải vụ lúa đông xuân năm nay. Đây cũng là mức sụt giảm kỷ lục, đáng báo động so với nhiều năm trở lại đây”, ông Thanh cho biết.

Thông thường, các hồ chứa thủy điện thường tích nước ở mức nước dâng bình thường vào cuối năm để khai thác dần vào mùa khô năm sau trước khi lũ về.

Dự kiến nhu cầu điện vào mùa khô năm nay là 31 tỉ kWh điện, trong đó nguồn điện do các thủy điện sản xuất dự kiến là 7,1 tỉ kWh.

Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam, việc khai thác các hồ thủy điện (đặc biệt là hồ Hòa Bình) trong mùa khô ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo đủ điện vào cuối mùa khô.

“Do đó, nếu khai thác nhiều thủy điện để đảm bảo đủ điện trong các tháng đầu năm có thể dẫn đến các hồ không còn nước để phát điện, như vậy hệ thống sẽ thiếu điện nghiêm trọng trong suốt thời gian trước khi lũ về, đặc biệt đối với hệ thống miền Bắc”, ông Lương cho biết.

Trong mùa khô năm 2008, dự kiến chỉ có tổ máy số 1, số 2 thuộc Nhà máy điện Tuyên Quang được đưa vào vận hành trong tháng 3-2008. Trước tình hình này, miền Bắc luôn phải nhận một lượng điện rất lớn từ miền Nam qua đường dây 500 kV, xấp xỉ 1,6 tỉ kWh trên tổng nhu cầu điện của miền Bắc là 11,2 tỉ kWh vào mùa khô để duy trì mực nước hồ Hòa Bình trên mức 80m trước khi có lũ về.

Trong khi miền Nam vẫn thiếu điện   

Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam nhận định, chỉ mới trong tháng 1, tháng đầu tiên của mùa khô, một số khu vực ngoại thành TPHCM đã phải áp dụng lịch cắt điện, người dân khu vực ngoại thành liên tục phản ảnh về tình trạng cắt điện luân phiên, đặc biệt vào các thời điểm từ 5 giờ – 7 giờ chiều. Điều này cho thấy, cứ đến hẹn lại lên, mùa khô đến, việc người dân lại nơm nớp lo lắng về tình trạng thiếu điện là hoàn toàn có cơ sở.

Ông Lương khẳng định về cơ bản, từ đây đến Tết sẽ không bị căng thẳng về điện lắm vì một phần các hoạt động sản xuất được tạm ngưng nghỉ Tết, áp lực về cung cấp điện cho sản xuất trong những ngày Tết sẽ không căng thẳng.

Tuy nhiên, theo thông lệ thời gian sau Tết, từ tháng 2 đến tháng 4, cũng là khoảng thời gian cao điểm của mùa khô thì việc cung cấp điện sẽ có những khó khăn nếu như xảy ra bất cứ sự cố nào về nguồn điện. 

“Tuy TPHCM là khu vực được ưu tiên không để tình trạng cắt điện xảy ra, trong trường hợp nếu sản lượng điện thiếu hụt dưới 600 MW thì thành phố không xảy ra tình trạng cắt điện, nhưng nếu lượng điện thiếu từ 1.000 MW trở lên thì buộc phải cắt điện”, ông Lương cho biết.

Theo thông tin mới nhất từ EVN thì lộ trình tăng giá điện do tập đoàn này soạn thảo đã được Chính phủ chấp thuận. Theo đó, sẽ có 20% trong tổng sản lượng điện phục vụ công ích không tăng giá, còn lại 80% điện phục vụ tiêu dùng và sản xuất sẽ tăng theo đúng giá thị trường, bình quân từ 5-7 đồng/kWh. Thời điểm tăng giá cụ thể đang được EVN cân nhắc.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới