Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu nhân lực khiến kinh tế số ĐBSCL kém phát triển

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ chiếm 5% của cả nước. Điều này, không chỉ chưa tương xứng với dân số của vùng, mà còn là lý do khiến kinh tế số của ĐBSCL kém phát triển.

Các đại biểu tham dự hội thảo diễn ra vào hôm nay, 23-8, ở TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Nâng tầm kỹ năng số và kinh tế số vùng ĐBSCL” diễn ra vào hôm nay, 23-8, ở TP Cần Thơ, bà Nguyễn Khánh Cẩm Châu, Trưởng nhóm quản trị nhà nước kiêm cố vấn phát triển số USAIDS Việt Nam, cho rằng ĐBSCL là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển khi xuất khẩu chiếm 90% sản lượng gạo và 70% sản lượng thuỷ sản cả nước.

So với cả nước, ĐBSCL chiếm 19% dân số và 15,4% GDP, tuy nhiên, theo bà Châu, việc thiếu lao động kỹ thuật cao ở ĐBSCL dẫn đến năng suất lao động thấp, cản trở sự phát triển vùng.

Đối với việc thực hiện chuyển đổi số và kinh tế số, bà Châu cho rằng lĩnh vực này ở Việt Nam đã có sự bùng nổ thời gian qua nhưng sự tham gia của các địa phương ĐBSCL còn hạn chế. “Lý do chủ yếu là do khu vực này còn thiếu nhân lực có kỹ năng số”, bà nói.

Bà Châu dẫn chứng, trong số khoảng 430.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 5%, chưa tương xứng với quy mô dân số ĐBSCL chiếm 19% cả nước.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế- Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, họ sẽ đưa vào các công cụ, công nghệ, giải pháp hoặc nền tảng số để chuyển đổi dữ liệu, quy trình và mô hình kinh doanh. Khi đó, nhân lực truyền thống sẽ phải chuyển đổi để thích nghi với môi trường làm việc số, khách hàng số cũng như sở hữu các kỹ năng số để có thể làm việc thành thạo. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng chuyển đổi số ở khu vực ĐBSCL vẫn còn rất hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, ngoài chỉ tiêu kê khai thuế và làm thủ tục hải quan điện tử gần như đạt 100% (lần lượt đạt 99,8% và 99,7%), tỷ lệ doanh nghiệp ĐBSCL ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý (tài chính, bán hàng) chỉ đạt 46%, trong khi doanh nghiệp có website là 42%. “Điều này cho thấy chuyển đổi số ở ĐBSCL chỉ mới ở mức độ sơ cấp”, bà nói.

Để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, theo bà Châu, cần giải quyết bài toán nhân lực cho phát triển số. “Muốn vậy, các địa phương khu vực ĐBSCL cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, đối tác có thế mạnh về lĩnh vực này để hoá giải thách thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân phục vụ quá trình phát triển của vùng”, bà gợi ý.

Trong khi đó, theo ông Tùng, doanh nghiệp cần gắn kết với các trường đại học, cao đẳng ở ĐBSCL để có nguồn nhân lực chuyển đổi số. “Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cần có những dự án phối hợp chặt chẽ với nhà trường, thay vì chỉ thụ động nhận nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số được đào tạo từ các cơ sở đào tạo”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới