Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu tiền xử lý thanh long xuất khẩu  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu tiền xử lý thanh long xuất khẩu  

Khách du lịch chọn mua thanh long ở Bình Thuận-địa phương trồng thanh long chủ lục cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Cần phải có ít nhất 1 triệu đô la Mỹ thì doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Nhật mới đủ tiền nhập thiết bị của Nhật để xây dựng nhà máy xử lý ruồi đục quả trái thanh long.  

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội trái cây Việt Nam (Vinafruit), ngoài thiết bị phải mua ở Nhật, doanh nghiệp phải thuê chuyên gia của Nhật sang giám sát việc xử lý ruồi đục quả thanh long ở nhà máy. “Do vậy, tới nay chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam đủ điều kiện, do đa phần các công ty xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận hay ĐBSCL đều có quy mô nhỏ”, ông nói.  

Theo Vinafruit, vào tháng 3 tới đây, dự án “Nâng cao kỹ thuật diệt ruồi đục quả” do Nhật tài trợ có trị giá 2,24 triệu đô la Mỹ, được thực hiện từ năm 2005, sẽ kết thúc. 

“Nhưng mấu chốt của vấn đề, nếu muốn xử lý ruồi đục quả để đủ điều kiện xuất thanh long vào thị trường Nhật thì phải mua thiết bị và thuê chuyên gia Nhật giám sát”, ông Kỳ cho hay.

Xuất khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam trong năm 2007 đạt 300 triệu đô la Mỹ, tăng 16% so với năm 2006, trong mục tiêu của Bộ Công Thương vào năm 2010, xuất khẩu trái cây và rau quả của cả nước đạt 600-700 triệu đô la Mỹ.

Hơn 10 năm trước, Nhật là thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực của Việt Nam nhưng sau đó, cơ quan kiểm dịch của Nhật đã phát hiện trong trái thanh long của Việt Nam xuất sang thị trường này thường có kèm theo loại côn trùng ruồi đục quả. Đây là loại côn trùng không được phép đưa vào Nhật, do vậy các nhà xuất khẩu thanh long Việt Nam mất hẳn thị trường Nhật vốn mua thanh long với giá cao.

Thanh long là trái cây nhiệt đới, có diện tích không không nhiều so với các loại trái cây khác của Việt Nam nhưng được trồng tập trung, quy mô lớn ở Bình Thuận và một vài tỉnh vùng ĐBSCL. Đây cũng là trái cây xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam vì từng có thời gian, trên thị trường thế giới gần như chỉ có Việt Nam xuất khẩu thanh long.

Hiện diện tích thanh long của Bình Thuận đạt hơn 7.000 héc ta, xuất khẩu thu về gần 30 triệu đô la Mỹ.

HỒNG VĂN

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới