(KTSG Online) - Chi phí điện rẻ, lao động lành nghề và hạ tầng có sẵn ở các nước Đông Nam Á đã thúc đẩy các thợ đào bitcoin của Trung Quốc di chuyển hoạt động đến khu vực này trong những năm gần đây.
- Các nhà khai thác bitcoin chạy đua công nghệ mới
- Các trang trại đào bitcoin của Trung Quốc gây lo ngại ở Mỹ
Một nền xi măng rộng 6,9 hecta nằm giữ một khu công nghiệp ở thị trấn Tanjung Manis, bang Sarawak của Malaysia từng thuộc sở hữu của một công ty khai thác gỗ. Nơi đây đã bị bỏ hoang từ lâu, để lại những công trình kiến trúc thô sơ và một căn nhà cao bốn tầng được thiết kế để thu hút những con chim yến đến làm tổ bằng nước bọt.
Nhưng vào năm 2023, địa điểm này có chủ nhân mới là Bityou, môt công ty khai thác bitcoin đến từ Trung Quốc. Bityou đã dựng một mái che bằng tấm kim loại rộng lớn để bảo vệ 1.000 giàn máy đào bitcoin vận hành bên dưới. Hàng trăm giàn máy khác trong các hộp carton nằm gần đó chờ được khui. Đây là địa điểm lớn nhất trong số bốn cơ sở khai thác bitcoin của Bityou ở khu công nghiệp thuộc thị trấn Tanjung Manis.
Peter Lim, chủ sở hữu Bityou, đã chọn địa điểm này sau khi ông buộc phải đóng cửa một cơ sở lớn với 10.000 giàn máy đào bitcoin ở Trung Quốc do Bắc Kinh cấm khai thác bitcoin vào năm 2021.
“Hầu hết các công ty đã rời khỏi khu công nghiệp này. Vì vậy, chúng tôi quyết định tận dụng những nguồn tài nguyên bị bỏ hoang”, Lim nói.
Lim là một trong nhiều thợ đào bitcoin di chuyển đến Đông Nam Á trong những năm gần đây sau cuộc trấn áp của Bắc Kinh. Trung Quốc từng thống trị hoạt động khai thác bitcoin, một quá trình sử dụng sức mạnh điện toán giải các thuật toán phức tạp, giúp xác minh giao dịch bitcoin để được trả thưởng bằng bitcoin. Theo dữ liệu do Đại học Cambridge (Anh), năm 2019, Trung Quốc chiếm khoảng 3/4 hoạt động khai thác bitcoin toàn cầu. Nhưng khi Trung Quốc cấm giao dịch và khai thác bitcoin vào năm 2021, ngành công nghiệp này sụp đổ.
“Hồi đó, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc tịch thu sạch tài sản của chúng tôi. Nhà chức trách đã thu giữ 3.000 giàn máy đào bitcoin của ông ở khu tự trị Nội Mông. Một cơ sở khai thác bitcoin khác ở tỉnh Tứ Xuyên mà Loh có cổ phần cũng chịu số phận tương tự”, Alex Loh, đồng nghiệp của Lim tại Bityou nói và cho biết thêm .
Bất chấp sự kiểm soát của Trung Quốc, bitcoin đã tăng giá hơn 4 lần kể từ đầu năm ngoái lên mức quanh 67.000 đô la Mỹ hiện nay. Bitcoin tăng giá một phần nhờ Mỹ cấp phép hoạt động cho một loạt quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin giao ngay vào tháng 1.
Đà tăng giá này giúp các công ty khai thác bitcoin trên thế giới kiếm được doanh thu 960 triệu đô la Mỹ trong tháng 5, theo dữ liệu của The Block Research.
Dữ liệu của Đại học Cambridge cho thấy, kể từ tháng 1-2022, Mỹ trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về tỷ lệ băm (hashrate), thước đo dung lượng tính toán được sử dụng để xử lý các giao dịch trên mạng lưới bitcoin.
Hiện nay, các nước Đông Nam Á cũng đang thăng hạng về tỷ lệ băm. Theo dữ liệu của Cambridge, Malaysia đóng góp 2,5% tỷ lệ băm của mạng lưới bitcoin toàn cầu và nằm trong số 10 nước có tỷ lệ băm lớn nhất thế giới. Alexander Neumüller, nhà nghiên cứu ở Trung tâm tài chính thay thế của Đại học Cambridge, cho biết, hoạt động khai thác bitcoin ở Indonesia tăng rõ rệt vào năm 2022.
Theo Peter Lim, chủ sở hữu Bityou, nguồn điện giá cạnh tranh, lao động lành nghề và quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng hiện có sẵn làm tăng thêm sức hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á đối với các thợ đào bitcoin. Các giàn máy đào bitcoin đang xuất hiện ở các trung tâm mua sắm bỏ hoang, các nhà máy thép cũ và bên cạnh các dự án thủy điện ở các nước trong khu vực.
Các nhà sản xuất giàn đào bitcoin cũng theo chân thợ đào Trung Quốc để đến Đông Nam Á. Họ di chuyển một số hoạt động đến khu vực để tận dụng nhu cầu đang tăng cũng như để tránh thuế của Mỹ áp lên các sản phẩm xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc
Theo Ben Gagnon, giám đốc khai thác bitcoin của Bitfarms (Canada), trước năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% đối với một loạt hàng hóa điện tử từ Trung Quốc, hoạt động sản xuất giàn đào bitcoin của thế giới gần như tập trung hoàn toàn ở Thâm Quyến và Quảng Châu.
“Phần lớn các giàn đào bitcoin hiện nay được sản xuất tại Malaysia. Ngoài ra, chúng cũng được sản xuất ở Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Mỹ”, Gagnon, nói.
Nhiều cơ sở sản xuất giàn đào bitcoin ở Đông Nam Á thuộc sở hữu của Bitmain, có trụ ở ở Bắc Kinh, và đối thủ MicroBT.
Đối với các thợ đào của Trung Quốc, việc thiết lập trang trại đào bitcoin ở Đông Nam Á không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hoạt động khai thác bitcoin ở Lào, nơi ngành thủy điện đang phát triển, đang bị đình trệ do đợt hạn hán khắc nghiệt trong năm nay. Hiện tại, hoạt động này chiếm hơn 1/3 tổng nhu cầu điện trong nước, theo Somboun Sangxayarath, cố vấn của Tập đoàn điện lực quốc gia Lào nhận định.
Cảnh sát thường tổ chức các cuộc đột kích vào những cơ sở khai thác bitcoin ăn cắp điện ở ở Malaysia, Indonesia và Lào. Hành vi trộm cắp điện của các thợ đào bitcoin trong giai đoạn 2018-2021 khiến Malaysia thiệt hại ước tính khoảng 2,3 tỉ ringgit (490 triệu đô la Mỹ).
Bất chấp những thách thức, hoạt động khai thác bitcoin lẫn sản xuất giàn đào bitcoin ở Đông Nam Á dự kiến tăng trưởng đáng kể. “Đông Nam Á đã sẵn sàng cất cánh trong vài năm tới”, Taras Kulyk, người sáng lập kiêm CEO của SunnySide Digital, nhà phân phối phần cứng trung tâm dữ liệu của Canada nói.
Theo Bloomberg