(KTSG Online) - Việc Nga rút khỏi Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, vốn cho phép Ukraine đưa hàng triệu tấn bắp và lúa mì ra thị trường quốc tế trong những tháng qua, có thể gây ra những “hậu quả thảm khốc” cho các nước nghèo, các chuyên gia cảnh báo.
- Các tập đoàn kinh doanh ngũ cốc lãi lớn giữa cơn khát lương thực toàn cầu
- Xung đột Nga-Ukraine gây ra khủng hoảng lượng thực nghiêm trọng nhất từ năm 2008
Cuối tuần trước, Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine sau khi cáo buộc Ukraine thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) nhằm vào các tàu ở cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea, nơi đã được Nga sáp nhập vào từ Ukraine năm 2014. Ukraine cho rằng Moscow đang viện cớ để dừng thỏa thuận này.
Tin tức đó khiến Elias Fares, một chủ tiệm bánh mì ở Beirut, thủ đô Lebanon, lo lắng. Ông đã mua đủ bột mì dự trữ cho vài tuần tới. Tuy nhiên, ông lo ngại sự sụp đổ của thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen sẽ đe dọa an ninh lương thực của đất nước.
"Điều gì xảy ra sau đó? Hầu hết người dân Lebanon đang sống chỉ dựa vào bánh mì trong những ngày này, vì vậy, chúng tôi không thể chịu đựng sự thiếu hụt một lần nữa”.
Ukraine chiếm khoảng 10% sản lượng xuất khẩu lúa mì và bắp của thế giới. Các chuyên gia an ninh lương thực cảnh báo bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung ở hai mặt hàng lương thực quan trọng này đều sẽ dẫn đến giá tăng cao hơn nữa và gây ra “các hậu quả thảm khốc” đối với nhiều nước nghèo vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.
Ở Lebanon, tình trạng thiếu bánh mì và giá cả tăng vọt đã xuất hiện ngay cả trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine. Lebanon rơi vào khủng hoảng kinh tế vào tháng 10-2019 và đồng tiền của nước này đã mất hơn 95% giá trị so với đồng đô la Mỹ, gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu lúa mì.
Phụ thuộc Ukraine tới 80% nhu cầu lúa mì, Lebanon đã cảm nhận sâu sắc tác động từ việc hải quân Nga phong tỏa Biển Đen sau khi chiến tranh ập đến vào tháng 2-2022.
Trong mùa hè này, nhiều đoàn người xếp hàng dài hàng ngày tại các cửa hàng bánh mì và siêu thị ở Lebanon để chờ mua một túi bánh mì.
Tình trạng thiếu hụt lúa mì ở Lebanon đã giảm bớt sau khi một sáng kiến do Liên hợp quốc hậu thuẫn, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng phía nam của nước này kể từ đầu tháng 8. Theo Ahmed Hoteit, người đứng đầu hiệp hội các nhà máy xay xát của Lebanon, nguồn cung lúa mì hiện tại của Lebanon đủ cho hai tháng với các tàu chở lùa mì đang trên đường đến nước này.
Sau khi Nga đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, Liên hợp quốc cho biết 15 tàu chở lúa mì, bắp và khô dầu đậu nành vẫn tiếp tục rời các cảng của Ukraine vào hôm 31-10 và 1-11. Nhưng các công ty bảo hiểm sẽ không chi trả các rủi ro có thể xảy ra với các hợp đồng mới cho đến khi Nga khôi phục thỏa thuận.
Liên hợp quốc cho biết các đại diện của Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán tại Istanbul, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, về việc nối lại sự tham gia đầy đủ của Moscow vào Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Trong khi đó, các đại diện của Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc nhất trí không di chuyển thêm các tàu chở ngũ cốc nào nữa từ Ukraine kể từ ngày 2-11.
Quyết định của Moscow diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với Ukraine và các khách hàng mua ngũ cốc của nước này. Doanh số xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine thường tăng nhanh xung quanh thời điểm thu hoạch vào tháng 9 và tháng 10. Nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi cũng chạy đua tích trữ hàng tồn kho của họ vào khoảng thời gian này.
Giá lúa mì tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) ban đầu tăng mạnh 6% sau động thái của Nga nhưng đã dịu lại trong phiên giao dịch hôm 1-11 ở mức 8,73 đô la Mỹ /bushel (27,2 kg). Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn 50% so với mức giá trung bình giai đoạn 2019-2021.
David Laborde, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), có trụ sở tại Washington, cảnh báo bất kỳ sự sụt giảm nào trong dòng chảy ngũ cốc sẽ gây tổn thương cho các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Sudan và Yemen. Ông nói: “Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và căng thẳng chính trị ở các nước này”.
Ngay cả trước khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine, đại dịch Covid-19 và các vụ mùa thất bát do biến đổi khí hậu cũng đã đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Các nhà kinh tế cho biết chiến tranh tác động mạnh nhất đến các nước nghèo, với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng hiện đang ảnh hưởng đến 345 triệu người.
Arif Husain, nhà kinh tế trưởng tại Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc, cho biết: “Các nước nghèo có mức nợ nần cao, vốn là những nước nhập khẩu ròng thực phẩm, phân bón và nhiên liệu, đang gặp khó khăn nghiêm trọng”.
Ông nói thay vì đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, các bên cần thảo luận về việc gia hạn khi thời hạn thỏa thuận này kết thúc vào giữa tháng 11.
Tổn thương kinh tế do chiến tranh gây ra là rất lớn, đặc biệt là đối với những nước phụ thuộc vào ngũ cốc và dầu thực vật từ Ukraine và Nga. Lạm phát giá lương thực đã tăng lên 93% ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tháng này, quốc hội Lebanon đã phê duyệt khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) trị giá 150 triệu đô la Mỹ để tài trợ cho hoạt động nhập khẩu lúa mì. WB cũng đã công bố các gói cho vay khẩn cấp đối với Ai Cập và Tunisia.
Trong khi đó, IMF đã thiết lập một quỹ mới để giải quyết cú sốc lương thực, cung cấp hàng tỉ đô la Mỹ vốn vay trong năm tới cho các nước dễ bị tổn thương nhất. Tháng trước, Malawi, một quốc gia ở đông nam châu Phi, đã trở thành nước đầu tiên đăng ký vay từ quỹ này, với thỏa thuận vay trị giá 88,3 triệu đô la Mỹ.
Nga, nhà sản xuất và xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đang kỳ vọng đạt được vụ mùa kỷ lục trong năm nay. Nhưng vẫn chưa rõ sản lượng lúa mì của Nga chảy vào thị trường thế giới là bao nhiêu vì một số người mua và ngân hàng tài trợ vẫn tránh xa các lô hàng lúa mì của Nga dù lương thực và phân bón của Nga được miễn các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hôm 29-10, Nga cho biết sẵn sàng cung cấp trực tiếp 500.000 tấn ngũ cốc cho các nước nghèo trong 4 tháng tới.
Nếu thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine không thể khôi phục, điều này sẽ cản trở khả năng sản xuất của nông dân Ukraine trong vụ mùa của năm tới. Điều này có nghĩa là “chúng ta có thể chứng kiến tình trạng thiếu lương thực kéo dài sang năm 2023 và 2024”, Josef Schmidhuber, Phó giám đốc bộ phận thương mại và thị trường của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), cảnh báo.
Theo Financial Times