Thứ Sáu, 31/03/2023, 03:10
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thoái trào trong bao lâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thoái trào trong bao lâu?

Hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán hiện nay trên sàn có tâm lý đầu tư ngắn hạn -Ảnh: ÁNH TUYẾT

(TBKTSG) – Thị trường chứng khoán đã đón chào mùa thu bằng một đợt điều chỉnh mạnh, đẩy VN-Index xuống dưới 500 điểm và đang có những dự báo 450 điểm có thể chưa phải là mốc dừng chân của VN-Index lần này.

Cuối tháng 8-2008 thị trường vẫn còn trên đà tăng, nhưng chỉ hai tuần sau, sự đổi chiều của giá cổ phiếu đã diễn ra ở cả hai sàn. Vì sao?

Ngắn hạn

Các dòng tiền đã quay trở lại với chứng khoán trên nền của tâm lý đầu tư ngắn hạn. Sự ngắn hạn bao trùm thị trường, trước hết bởi 70-80% người mua – bán là nhà đầu tư ngắn hạn. Không thể trách cứ họ bởi sự ngắn hạn hoàn toàn phù hợp với tình hình thị trường hiện nay.

Bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn chưa thật rõ ràng. Khi lạm phát cả năm vẫn đang ở mức cao, khó có thể hy vọng một sự tăng trưởng kinh tế ổn định như năm ngoái. Có lẽ chính điều này đã khiến nhà đầu tư lưỡng lự, băn khoăn trong việc nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Đa số họ ở trong tình trạng chân trong chân ngoài. Khi thị trường giao dịch tích cực, chân bên ngoài có thể chuyển vào trong, nhưng khi giá trị giao dịch sụt giảm, chân trong sẵn sàng rút ra bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh đó, sự sụt giảm của thị trường không có gì quá bất ngờ.

Một công ty niêm yết trên sàn TPHCM tuần qua tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Ngoài việc xin ý kiến cổ đông điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm, ban lãnh đạo công ty cũng đề nghị cổ đông biểu quyết việc xử lý các khoản đầu tư tài chính để có tiền bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp.

Chủ tịch hội đồng quản trị công ty nói: “Chúng tôi chờ đợi VN-Index lên 550-600 điểm là “giải phóng” danh mục đầu tư. Dù có lỗ chút ít cũng xử lý, để có vốn hoạt động. Vay ngân hàng bây giờ không khó, nhưng lãi suất cao quá, doanh nghiệp không chịu nổi”.

Không chỉ công ty trên, nhiều doanh nghiệp chực chờ “xả hàng” ở mốc 550 điểm. Với nguồn cung được tăng cường như vậy, VN-Index chỉ đứng được ở mốc 550 điểm vài phiên là chuyện dễ hiểu.

Thắt chặt hay nới lỏng?

Khi doanh nghiệp sẵn sàng thanh lý chứng khoán với ít nhiều lời lỗ để có vốn hoạt động thay vì tiếp cận vốn vay, thì có nghĩa lãi suất đang có vấn đề. Qua mặt chỉ số CPI, qua mặt sự tăng giảm giá xăng dầu, lãi suất đang nổi lên là yếu tố then chốt quyết định đường hướng của VN-Index. Trước khi VN-Index rời bỏ cột mốc 500 điểm, thị trường lan truyền kỳ vọng lãi suất cơ bản sẽ giảm trong tháng 10-2008.

Trên thực tế các ngân hàng bắt đầu thừa vốn khả dụng. Khoảng 20.000-30.000 tỉ đồng trái phiếu do ngân hàng sở hữu sẽ đáo hạn trong tháng 9-10, cung cấp cho ngân hàng một lượng tiền đồng dồi dào nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, dư nợ tháng 8-2008 tăng chậm. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang giảm một cách đều đặn từng tuần, từng ngày ở tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng thừa vốn, nhưng không thể giảm lãi suất cho vay, bởi lãi suất huy động đã và tiếp tục đứng ở mức cao.

“Doanh nghiệp cần vốn, nền kinh tế cần vốn, nhưng đưa tiền ra với lãi suất cao không giải quyết được vấn đề vì người ta không vay. Kinh doanh, sản xuất gì để có lời hơn 20% trả lãi ngân hàng và chi phí bây giờ?” – tổng giám đốc một ngân hàng nói – “Sắp tới, có thể lãi suất sẽ giảm để vốn ra nhiều hơn, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế quí 4 và năm sau”.

Đó là một hướng suy nghĩ logic khi tăng trưởng GDP quí 3-2008 có dấu hiệu thấp hơn sáu tháng đầu năm. Thị trường chứng khoán cũng ngóng trông điều đó. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không phát đi bất cứ tín hiệu nào về nới lỏng tiền tệ. Trao đổi với TBKTSG, một quan chức cấp cao của NHNN cho biết chống lạm phát vẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu của NHNN hiện nay. Chừng nào lạm phát chưa ở mức dưới 1%/tháng, sẽ khó có việc điều chỉnh lãi suất cơ bản. Duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát sẽ còn kéo dài một thời gian nữa.

Thắt chặt tiền tệ là con đường tiếp tục phải đi để xử lý rốt ráo lạm phát. Nhưng mới đây Chính phủ đã quyết định “thắt chặt tiền tệ linh hoạt”. NHNN công bố tám tháng đầu năm nay tổng phương tiện thanh toán tăng 5,7% so với cuối năm 2007. Đó là mức tăng tổng phương tiện thanh toán của thời kỳ “thắt chặt tiền tệ”, còn “thắt chặt tiền tệ linh hoạt” đòi hỏi một mức tăng tổng phương tiện thanh toán là bao nhiêu? Đây là câu hỏi mà giới tài chính đang quan tâm. Có thể một mức tăng tổng phương tiện thanh toán cao hơn sẽ là điều hợp lý với thị trường?

Khi lời giải cho các câu hỏi còn chưa rõ ràng, sự tăng trưởng ổn định sẽ khó mà có trên thị trường chứng khoán. Hành động đơn giản mà các nhà đầu tư đang thực hiện là giảm lượng cổ phiếu mua vào hoặc tạm thời ngừng mua. Trong khi nguồn cung đang tăng lên (nhà đầu tư nước ngoài bán ra, cổ đông nhà nước thoái vốn ở một số doanh nghiệp niêm yết, hơn 40 công ty chuẩn bị lên sàn, một số đơn vị trả cổ tức bằng cổ phiếu và đưa vào giao dịch cổ phiếu bổ sung…), mà cầu chững lại, tất yếu thị trường phải thoái trào. Hy vọng bây giờ là thời gian thoái trào sẽ không kéo dài!

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới