Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thời của… tin đồn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thời của… tin đồn

Bà Phạm Minh Hương.

(TBKTSG) – Suốt gần chín năm ra đời, chưa bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tin đồn như năm 2008. Hình như chứng khoán càng khó khăn, tin đồn càng nhiều và nhà đầu tư đôi khi tin vào tin đồn hơn tin thật.

Công ty Chứng khoán VNDirect là doanh nghiệp “hứng chịu” không ít tin đồn trong thời gian qua. Bà Phạm Minh Hương, Tổng giám đốc VNDirect, đã chia sẻ tâm trạng và cách xử lý tin đồn trong cuộc trao đổi với TBKTSG.

TBKTSG: Xin hỏi thật, người ta bảo “không có lửa sao có khói”. Bà có ngại không khi đề cập đến một vấn đề nhạy cảm như tin đồn?

– Bà Phạm Minh Hương: Thực sự, dù không muốn nhưng chúng tôi đành phải làm quen với việc sống cùng các tin đồn. Thị trường khó khăn đã làm cho các tin đồn có dụng ý xấu càng có đất dụng võ. Theo tôi tin đồn là một trong những loại hình tội phạm kinh tế mới. Cố ý hoặc không cố ý, nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin vào thị trường.

– VNDirect đã từng bị đồn, nào là công ty đang phá sản, nào là chủ tịch hội đồng quản trị bị bắt…

– Khi đó chúng tôi đã từng rất mong mọi người gọi điện xác minh để mình có cơ hội giải thích. Nhưng người Việt Nam thường ngại trao đổi thẳng, và họ tìm cách hỏi thăm, rồi một đồn mười, mười đồn trăm, tin đồn cứ thế lan rộng, trở nên nghiêm trọng. Giá như tất cả chúng ta có trách nhiệm với việc phải xác minh tin xấu trước khi lan truyền chúng, thì có lẽ thị trường đã không có đất cho các tin đồn.

– Bà nói đến trách nhiệm, nhưng đòi hỏi trách nhiệm từ tất cả mọi người thì…

– Cuối năm ngoái, khi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và cơ quan an ninh, Thủ tướng đã yêu cầu xử lý nghiêm các tin đồn. Đó là sự may mắn cho chúng tôi và cho cả thị trường. Chúng tôi được giúp đỡ để xác minh nguồn gốc và động cơ của tin đồn. Hiện cơ quan an ninh đã có những bằng chứng và thông tin về việc này.

Chúng tôi mong pháp luật sẽ xử nghiêm, và mong mọi người có trách nhiệm với việc loan truyền thông tin. Có điều, quy định chỉ là phạt hành chính với số tiền nhỏ, trong khi sự thiệt hại của các tin đồn thì không tính được cả về kinh tế lẫn uy tín doanh nghiệp.

– Bà nói phải đành quen với việc sống cùng tin đồn. Tuy vậy, dân gian có câu “cây ngay không sợ chết đứng”. Bà có chia sẻ cách nhìn này không?

– Có những lúc tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng dân gian cũng có câu “chờ được vạ thì má sưng”. Tôi thấm thía điều đó sau những gì đã xảy ra với mình trong thời gian qua. Tôi quá bận rộn với công việc, ít có thời gian, cơ hội thanh minh hoặc cũng không nghĩ cách cải chính. Thành ra tôi trở thành người “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ. Có lẽ, ai cũng phải bảo vệ mình, và bảo vệ thị trường khỏi những tin đồn xấu. Việc xác minh khi nghe tin đồn là một nguyên tắc tối thiểu của nhà đầu tư có suy nghĩ tích cực.

– Mới đây UBCKNN đã có những quy định mới chấn chỉnh việc công bố thông tin theo hướng minh bạch và công khai hơn. Đồng thời các hoạt động liên quan đến chứng khoán sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, trong đó có cả việc sử dụng tin đồn để giám sát. Từ góc độ doanh nghiệp, dùng tin đồn để giám sát liệu có phải là một cơ chế thích hợp không, thưa bà?

– Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng thị trường hiện đang thiếu thông tin từ các kênh chính thống. Ngay cả các doanh nghiệp niêm yết cũng rất yếu trong việc dành nguồn lực cần thiết cho việc công bố thông tin minh bạch. Chính vì thế nhà đầu tư phải thông qua các kênh không chính thống để săn tin, và thường thị trường có tin đồn trước khi có tin chính thức.

Tôi nghĩ cơ quan quản lý thị trường phải yêu cầu các công ty niêm yết chỉ định người chịu trách nhiệm công bố thông tin, và người này phải dành thời gian cũng như sự chuyên nghiệp cho công việc này. Chứ không làm theo lệ cho có như hiện nay. Sử dụng tin đồn để giám sát là một ý tưởng hay, vì hiện tin đồn trên blog, hoặc theo kênh mạng đều có thể kiểm soát và truy tìm tận gốc.

– Bà thật sự tin có thể loại trừ tin đồn trong chứng khoán ư? Luật bất thành văn của thị trường là “mua theo tin đồn, bán theo tin thật”. Có phải vì thế mà tin đồn luôn có đất sống? Mặt khác, đầu cơ là yếu tố không thể thiếu của chứng khoán. Giữa đầu cơ và tin đồn không thể không có quan hệ.

– Thị trường chứng khoán mà không có đầu cơ hoặc gọi theo cách khác là kinh doanh ngắn hạn thì sẽ mất đi sức hấp dẫn của nó vì hoạt động này tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Giá chứng khoán ngắn hạn thường biến động theo thông tin. Phần lớn các nhà đầu cơ đều có những suy diễn phỏng đoán, hoặc tìm cách săn tin trước khi tin được công bố ra đại chúng để khai thác cơ hội kinh doanh.

Tuy nhiên, đôi khi động cơ tự tạo tin đồn giả để đẩy thị trường là hiện tượng phổ biến ở những thị trường mới phát triển như Việt Nam vì yếu tố đám đông rất lớn. Hơn nữa các nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa có ý thức xác minh thông tin. Do đó, tin đồn ở Việt Nam sẽ giúp cho hoạt động đầu cơ dễ dàng hơn. Các nhà đầu tư cần cảnh giác với việc đi theo đám đông trước khi bản thân có những đánh giá phù hợp.

– Giới đầu tư và cơ quan quản lý hiểu rất rõ sự minh bạch của thông tin, nhất là các báo cáo tài chính, tình hình doanh nghiệp, còn nhiều điều phải bàn, phải cải tiến. Song ở những thị trường phát triển, tin đồn cũng không biến mất hoàn toàn. Vậy thì có nên hy vọng tin đồn sẽ không tồn tại nữa?

– Loại bỏ tin đồn là điều không thể vì thị trường luôn có những suy đoán riêng và nó trở thành tin đồn, tức là tin chưa được xác minh qua các kênh chính thống. Như tôi đã nói ở trên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đề cao trách nhiệm và vai trò của người chịu trách nhiệm công bố thông tin ở công ty. Và việc không tuân thủ nguyên tắc công khai thông tin mới chỉ được xử lý như vi phạm hành chính với số tiền phạt khiêm tốn. Tháo gỡ vấn đề này cần phải mạnh tay hơn.

Sự minh bạch và công khai thông tin; sự hỗ trợ kịp thời và có trách nhiệm của cơ quan quản lý khi có vi phạm; hành lang pháp lý cho phép các vi phạm được xử lý nghiêm minh – chỉ mấy nguyên tắc đó thôi, nhưng vẫn là bài toán chưa có lời giải ở Việt Nam.

– Câu hỏi cuối, VNDirect có thể minh bạch và công khai thông tin kinh doanh năm 2008 với độc giả và nhà đầu tư?

– 2008 là năm gian nan với tất cả các công ty chứng khoán. VNDirect không là ngoại lệ. Đây là một năm thất bại về tài chính của công ty. Chúng tôi lỗ 35 tỉ đồng trên vốn chủ sở hữu 410 tỉ đồng, chủ yếu lỗ tự doanh. Phần lợi nhuận làm ra của năm 2007, VNDirect đã tiêu gần hết trong năm 2008. May mà công ty còn bảo toàn được vốn cổ đông, không có nợ và danh mục đầu tư hiện thời chủ yếu là các tài sản lỏng, bao gồm tiền, trái phiếu và một số ít cổ phiếu niêm yết.

Hiện nay, tất cả các công ty chứng khoán đều phải báo cáo số liệu tài chính với UBCKNN, kể cả các số dư tiền gửi của nhà đầu tư, và ủy ban giám sát rất chặt việc này. Theo tôi, ủy ban phải công khai các số liệu này trên website để nhà đầu tư nắm rõ.

HẢI LÝ thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới