(KTSG Online) - Thời gian qua, nhiều địa phương xảy ra sạt lở, mưa đá, một số nơi xuất hiện tình trạng hạn hán do thời tiết khắc nghiệt. Tại tỉnh Bình Thuận, huyện phía nam của tỉnh đang có tình trạng hạn hán, làm ảnh hưởng hơn 2.000 hecta đất sản xuất của địa phương. Ở Đà Lạt, một trận mưa lớn kèm mưa đá đã gây sạt lở nhỏ trên đèo Prenn.
Theo TTXVN, ở Cần Thơ, trong ngày 3-4, địa phương đã xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông Trà Nóc và sông Cần Thơ Bé, ảnh hưởng đến 10 căn nhà của người dân. Đoạn sạt lở ở bờ sông Trà Nóc qua khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy dài 54 m, ăn sâu vào bờ hơn 14 m. Hiện các vết nứt xuất hiện nhiều và có nguy cơ sạt lở thêm. Còn trên tuyến kênh Cần Thơ Bé cũng bị sạt lở một đoạn dài 35 m.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương đã xảy ra 4 vụ sạt lở bờ sông. Đáng chú ý, chỉ trong ba ngày đầu tháng 4 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở. Địa phương đã xem xét xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục 20 trong tổng số 41 điểm sạt lở nguy hiểm. Đến nay, UBND thành phố đã ban hành 17 lệnh xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp với tổng mức đầu tư trên 150 tỉ đồng, khắc phục xử lý trên 1.700 m sạt lở.
Một số địa phương khác cũng xảy ra sạt lở, hạn hán, thiếu nước. Chẳng hạn như ở Bình Thuận, theo TTXVN tuy mới bước vào mùa khô năm 2024, một số huyện phía nam của tỉnh Bình Thuận đang đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng, làm hơn 2.000 hecta đất sản xuất của địa phương phải bỏ hoang.
Ở Đà Lạt, chiều 1-4, một trận mưa lớn kèm theo mưa đá hạt nhỏ xảy ra đã gây sạt lở nhỏ trên đèo Prenn. Hiện cả đoạn ta luy dương dài 200 m, cao hàng chục mét dọc tuyến đường này đều đang có nguy cơ sạt lở nếu không có giải pháp trước mùa mưa tới. Còn ở Cao Bằng, ngày 2-4, dông, lốc kèm mưa đá xảy ra trên địa bàn 6 huyện của tỉnh Cao Bằng, gây tốc mái trên 570 nhà ở của người dân.
Nhận định về các hình thái thời tiết tháng 4-2024, TTXVN dẫn thông tin từ phòng dự báo khí hậu (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa ở các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 10-20 mm, riêng khu vực tây bắc của Bắc bộ, nam Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến thấp hơn từ 30-60 mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Cả nước tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá. Nắng nóng gia tăng nhiều ngày tại các khu vực và nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ, đặc biệt khu vực Tây Nguyên và Nam bộ.
Cùng với đó, trong tháng 4, không khí lạnh vẫn có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ở khu vực bắc Biển Đông. Điều này làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân.
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành chỉ thị số 11 về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo đó, nếu xảy ra thiếu nước, địa phương cần ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó là vận hành các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước sao cho đảm bảo đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để tăng khả năng trữ nước; đồng thời, bố trí ngân sách địa phương trong triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt.