KTSG Online) - Dữ liệu về việc đã chích vaccine ngừa Covid-19 của tất cả công dân Việt Nam từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia rất quan trọng vì đây được xem là "giấy thông hành Covid" giúp người dân đi lại trong giai đoạn sắp tới. Thế nhưng, dữ liệu trên cổng thông tin này trong một số trường hợp lại không đầy đủ mà việc yêu cầu cập nhật lại cho đúng thì như đánh đố người dân.
Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia đi vào hoạt động từ giữa tháng 7 cho đến nay đã gần hai tháng. Thế nhưng, tại TPHCM, có không ít người đã chích đầy đủ hai mũi vaccine, trong đó mũi 1 đã chích từ cuối tháng 6 cho đến nay thì thông tin chích mũi 1 vẫn chưa có trên hệ thống. Ngược lại, một số trường hợp chưa chích mũi vaccine nào nhưng khi tra cứu thì hệ thống lại cho kết quả "đã chích 1 mũi vaccine".
Dữ liệu mũi vaccine đã chích thiếu hay không chính xác là điều có thể chấp nhận được trong điều kiện hệ thống y tế quá tải. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn lại nằm ở chỗ một hệ thống quan trọng và chứa dữ liệu chích ngừa của mấy chục triệu người dân nhưng lại không đủ tính năng giúp cập nhật, đính chính dữ liệu sai lệch một cách nhanh chóng.
Không ít người đã gởi thông tin yêu cầu đính chính, ví dụ như chưa tiêm chủng được ghi nhận là đã chích hay đề nghị bổ sung thông tin mũi vaccine đã chích còn thiếu nhưng không nhận được phản hồi từ hệ thống và thông tin sai vẫn không được sửa.
Dù đây là cổng thông tin cấp quốc gia do Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì xây dựng tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn và liên kết đến ứng dụng (App) "Sổ sức khỏe điện tử" của Bộ Y tế nhưng hệ thống nhập dữ liệu lại khá thủ công và phức tạp. Trong phần hướng dẫn cho nhân viên y tế để import dữ liệu người chích ngừa vào có hai file tài liệu, mỗi file dài hàng chục trang giấy.
Có lẽ không có nhiều nhân viên y tế nào cũng đủ trình độ công nghệ thông tin (IT) để xử lý dữ liệu kiểu thủ công như vậy. Có nơi như TPHCM đang trong cuộc chạy đua tăng tỷ lệ chích ngừa Covid-19, nhân viên các điểm chích ngừa bận tối tăm mặt mũi. Vậy mà chích xong thì họ lại phải lọ mọ xử lý dữ liệu để import vào hệ thống, một việc làm chẳng khác nào "IT hóa" nhân viên y tế, rất vô lý.
Chưa hết, đối với TPHCM thì các đội tiêm lưu động còn được hướng dẫn cài App "Bác sĩ tiêm lưu động" dạng file APK cho hệ điều hành Android. Kiểu cài đặt trực tiếp từ file này - thay vì cài thông qua kho ứng dụng Google Play và Apple AppStore - khá nguy hiểm cho hệ thống nếu chẳng may smartphone/tablet cài đặt bị tấn công bằng mã độc.
Chính việc nhập liệu tốn quá nhiều công sức khiến cho dữ liệu các đợt chích ngừa ở TPHCM trước giữa tháng 7 không được cập nhật đầy đủ lên cổng thông tin này. Cho đến nay, thông tin của rất nhiều người đã chích vaccine mũi 1 trong tháng 6 tại Nhà thi đấu Phú Thọ quận 11, TPHCM - một điểm chích ngừa có quy mô rất lớn - cho đến nay vẫn chưa được cập nhật lên hệ thống của Bộ Y tế.
Một nhược điểm lớn hơn của hệ thống này là khâu tiếp nhận thông tin chỉnh sửa dữ liệu chích ngừa Covid-19 của từng cá nhân tại TPHCM phải cập nhật gián tiếp lên Google Form của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và không có phản hồi khi nào thông tin đã đề nghị đính chính được cập nhật. Ngoài ra, một số người bị sai thông tin cá nhân như địa chỉ cư trú muốn đính chính nhưng hệ thống không có chỗ để gởi yêu cầu.
Bài toán cập nhật thông tin cá nhân lẽ ra có thể được giải quyết rất dễ dàng bằng cách kết nối dữ liệu của thẻ bảo hiểm y tế. Dữ liệu này rất chính xác vì đã được kiểm tra qua nhiều bước trước khi cập nhật lên hệ thống. Nếu Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 kết nối với dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ cần nhập số thẻ bảo hiểm y tế thì toàn bộ thông tin cá nhân của người đăng ký chích ngừa sẽ có đầy đủ, không cần phải nhập liệu lại rất mất thời gian như hiện nay.
Khi người dân đến điểm chích ngừa chỉ cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế để nhân viên y tế nhập số thẻ (hay quét QR code đối với loại thẻ mới), thông tin người chích ngừa sẽ hiện ra. Thay vì phải nhập liệu nhiêu khê và không chính xác, nhân viên y tế chỉ cần vài các click chuột để chọn thông tin về thời gian, địa điểm và loại vaccine đã chích cho người có thẻ là xong. Dùng thẻ bảo hiểm y tế còn thuận lợi ở chỗ đại đa số trẻ em từ lớp 1 đến lớp 8 (nhóm công dân chưa có giấy chứng minh/căn cước công dân) vẫn có sẵn thông tin trên hệ thống.
Đối với những người không có thẻ bảo hiểm y tế thì họ vẫn có thể dùng giấy chứng minh/căn cước công dân để khai báo thông tin khi đi chích ngừa. Việc dùng thông tin từ thẻ bảo hiểm y tế sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều công sức thời gian nhập lại những thông tin đã có sẵn và tránh những sai sót phải đính chính như đã xảy ra hiện nay.
Khi thiết kế một hệ thống tầm cỡ quốc gia thì người thiết kế cần suy nghĩ thấu đáo để có thể tận dụng các kho dữ liệu quốc gia đang có sẵn thay vì làm ra một hệ thống đánh đố người dân, làm khó nhân viên y tế như thực trạng trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hiện tại.
Không cần thông tin chi tiết rườm rà làm rối trí người dùng. Chỉ cần có 1 thông tin duy nhất xuất hiện trên hộ chiếu vaccine. Đó là “Đã tiêm chủng đầy đủ” và bên cạnh đó là dấu check mark ✅
Vì định nghĩa thế nào là tiêm chủng đầy đủ phụ thuộc vào loại vaccine đã tiêm (Pfizer/Astra cần 2 mũi, trong khi Johnson & Johnson chỉ cần 1 mũi). Thiết kế hộ chiếu vaccine như vậy sẽ dễ dàng kiểm tra bởi các chốt kiểm tra hay các nhân viên bảo vệ của cơ quan, rạp hát, sân vận động…. khi họ là những người không thạo IT, hay những người cao tuổi, măt không còn tinh nhanh.
Qua kinh nghiệm sử dụng cả hai ứng dụng : https://tiemchungcovid19.gov.vn (TCCOVID) và “Sổ sức khỏe điện tử” (SSKĐT), và kiến thức công nghệ thông tin, tôi có nhận xét là cả hai hệ thống này đều sử dụng số điện thoại di động của cá nhân làm mã số cá nhân định danh người đăng ký tiêm chủng/ tiêm chủng. Nhưng có nhiều người không sử dụng điện thoại di động, nên họ sẽ đăng ký chung một số điện thoại với người trong gia đình. Như vậy sẽ xảy ra trường hợp nhiều người trùng mã số định danh cá nhân. Khi đó hệ thống không hiểu, bị xung đột dữ liệu. Có lẽ đây chính là nguyên nhân làm cho việc cập nhật dữ liệu bị thiếu sót, hệ thống bị lỗi khi đăng nhập!
Đúng vậy, như gia đình tôi, 5 người được tiêm, sử dụng 3 số đt. Chỉ 2 người có trong danh sách tiêm chủng. Mà rất tệ ở chỗ, cả 2 hệ thống : TCCOVID và SSKĐT, cùng sử dụng một cơ sở dữ liệu (CSDL), hoặc có liên kết CSDL, thế mà có khi tra soát trên SSKĐT thì có ghi nhận đsx tiẻm chủng, nhưng trên TCCOVID thì không có tên trong danh sách.
Nhân tiện đây cũng đề nghị quý TBKTSG nên có ý kiến mạnh mẽ về vấn đề này. Vì sắp tới khi áp dụng “thông hành vaccine” sẽ rất thiệt thòi cho người không có tên trong danh sách đã tiêm chủng. Cụ thể : bỏ việc dùng số điện thoại làm mã số định danh. Thay bằng hệ thống tự động quyét qua các trường thông tin đã khai báo: họ tên đầy đủ; ngày sinh; giới tính; địa chỉ; số điện thoại. Chỉ cần khác nhau một trong số 5 trường dữ liệu thông tin trên thì coi như là 2 người khác nhau, và cho cập nhật. Vì xác suất để có 2 người khác nhau mà lại trùng khớp cả 5 trường dữ liệu trên là vô cùng nhỏ, gần như bằng không. Nếu thật sự có tồn tại trùng hợp như vậy thì có thể bỏ trống thông tin số điện thoại. Sẽ có trường hợp một người nhưng được cập nhật 2 lần với số điện thoại/địa chỉ khác nhau, hoặc do tên viết tắt, nhiwng những trường hợp này cũng sẽ rất ít và không gây ra phièn phức gì, mà khi phát hiện cũng dễ chỉnh sửa. Còn như hiện nay thì hệ thống thông tin tiêm chủng gần như không thể cập nhật đầy đủ. Hơn nữa sắp tới còn phải tiêm chủng cho học sinh, mà đối tượng này thì có rất nhiều em không có số điện thoại riêng, nhất là vùng nông thôn, nên phải đăng ký chung số điện thoại với phụ huynh hoặc người khác thì hệ thống này chắc chắn sẽ không thể cập nhật được.