Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thử phác họa chân dung dân số khi Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân

Phan Thị Ngọc Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuối tháng 4 này, dân số Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA). Chân dung dân số ở thời điểm này ra sao qua góc nhìn của tác giả Phan Thị Ngọc Thắng phần nào giúp chúng ta nhận diện những điểm thuận lợi, thách thức mà con người và xã hội sẽ phải đối mặt.

Dân số cán mốc 100 triệu là “100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”. Trong ảnh: học sinh tại TPHCM trong giờ dã ngoại. Ảnh: Thành Hoa

Theo số liệu mới nhất, Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Ngày 17-3 vừa qua, UNFPA thông tin rằng: “Dân số Việt Nam sắp đạt ngưỡng 100 triệu người và Việt Nam nên kỷ niệm cột mốc này. 100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”. Ở thời điểm đạt ngưỡng đó, chúng ta - người già, người sắp già và người trẻ - sẽ trông như thế nào?

Chân dung người già

Theo cơ cấu độ tuổi dân số Việt Nam, người già được tính từ 64 tuổi trở lên. Đây là độ tuổi hết tuổi lao động theo pháp luật lao động. Trong bối cảnh chung độ tuổi này ở Việt Nam, chân dung các cụ khá đa dạng.

Thế hệ các cụ đi qua chiến tranh với những quan niệm sống truyền thống, môi trường sống bó hẹp trong phạm vi làng xã, quận huyện, tỉnh thành. Họ quen với lối sống cũ, quan niệm cũ về các mối quan hệ trong gia đình. Họ hay bắt đầu câu chuyện với những từ “ngày xưa…”, “thời chiến tranh…”. Họ quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Thực tế trong cuộc sống hiện tại, các con đã không còn sống cùng các cụ để có thể chăm sóc cha mẹ như thời các cụ còn trẻ. Cũng có những cụ, con cái bây giờ cũng đã thành “người già” chỉ còn đủ sức lo cho chính bản thân mình. Những cụ này chưa chuẩn bị gì cho tuổi già phải sống một mình hay có phương án chủ động với cuộc sống tuổi già mà vẫn trông chờ vào phúc phần của mình được con cháu phụng dưỡng.

Một số cụ lại bâng khuâng không biết lựa chọn cách sống nào khi thấy quan niệm sống của thế hệ đi trước không còn phù hợp nhưng quan niệm sống hiện đại của con cái đối với cuộc sống của người già lại là một điều khó chấp nhận với họ. Họ chọn cách gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, nương tựa vào nhau nếu còn cả hai ông bà hoặc nương tựa vào cộng đồng nơi họ sinh sống để sống nốt phần đời còn lại của họ cùng với nỗi lo phập phồng về sức khỏe.

Một chân dung khác là tự lập và sống cuộc đời mong ước của mình bởi suốt thời thanh xuân đã dành cuộc sống của mình cho con. Đối tượng này đang đủ sức khỏe, đủ kinh tế để tự chủ cuộc sống của mình. Họ bắt đầu có những tư duy mới, hiện đại và không phụ thuộc vào trách nhiệm phụng dưỡng của con cái. Họ chọn tự do, sống có giá trị, có ích cho xã hội và vui thú với tuổi già. Họ đã chuẩn bị cho tuổi già của mình bằng chế độ hưu trí, sống độc lập, tự do.

Những người trẻ hiện đại

Nhìn từ góc độ người trẻ (dưới 15 tuổi), dân số cán mốc 100 triệu là “100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”. Các em đang được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất trong mỗi gia đình mình.

Các cha mẹ đang nỗ lực làm việc, nuôi dạy con tốt nhất trong điều kiện của từng gia đình. Cha mẹ tập trung tối đa nguồn lực để các con có thể phát triển tốt nhất thể lực, trí tuệ. Trẻ em đã đạt ngưỡng cải thiện thể chất giống nòi thấp bé nhẹ cân của người Việt. Bên cạnh đó, một tiếng chuông cảnh báo về thể lực của trẻ em đang theo cả hai chiều hướng là thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng không phải do thiếu ăn.

Trí tuệ của các em cũng phát triển vượt bậc so với trí tuệ của cha mẹ khi cùng độ tuổi. Các em có thể tiếp cận với nguồn tri thức mới nhất của thế giới qua không gian mạng và các hình thức học xuyên quốc gia. Trong cuộc sống thường nhật các em cũng được va chạm với những môi trường sống rộng mở mang tầm quốc tế. Các em không bị giới hạn không gian sống là làng xã, quận huyện, tỉnh thành, Việt Nam như tổ tiên ông bà, cha mẹ. Các em là niềm hy vọng lớn lao của cha mẹ, đất nước, là người chủ tương lai khi đất nước qua thời kỳ dân số vàng.

Vấn đề lớn các em đang gặp phải là cảm thấy không được gần gũi cha mẹ. Mong ước của các em là được cha mẹ hiểu, chơi cùng, dành thời gian chất lượng cho con. Trong khi đó cha mẹ lại quá bận bịu và áp lực để có thể có được một cuộc sống đầy đủ vật chất cho con. Sự thiếu hụt về đời sống tinh thần này sẽ là một rào cản rất lớn khi các em trưởng thành và bị bủa vây bởi cuộc sống công nghệ cao.

Các em thiếu kỹ năng xích lại gần nhau, đồng cảm chia sẻ, sáng tạo với bản năng con người chứ không phải khả năng sáng tạo phải lệ thuộc vào thiết bị hay yếu tố khoa học công nghệ. Bản năng sinh tồn, khả năng xoay xở với những thứ hiện diện quanh mình trong các em không được kích hoạt tối đa khi mà cuộc sống đã được hiện đại hóa được, phục vụ tận răng.

Người chờ ngày nghỉ hưu hoặc nghỉ hưu sớm

Một tỷ lệ lớn người lao động đang đi làm và đếm ngược chờ ngày nghỉ hưu. Công việc, cuộc sống hiện tại không mang lại niềm hạnh phúc cho bản thân. Họ đi làm là để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Công việc không đem đến cho họ niềm vui, hạnh phúc. Làm việc là chờ hết giờ để về, đến tháng nhận lương, tranh thủ thời gian rảnh trong công việc để làm việc riêng.

Công việc là sếp giao, là của công ty, cơ quan, họ chỉ là người làm công và làm đúng phận sự là hoàn thành công việc được giao. Việc phát triển hay suy thoái của công ty, cơ quan không phải là mối bận tâm của họ. Công ty phát triển họ mong chờ sự đền đáp, ngược lại nếu nó suy thoái, họ ngấp nghé kiếm một công việc khác, ở một nơi khác.

Giá trị cuộc sống không liên quan đến công việc, đó là một phần họ cất giữ, để dành đến khi nghỉ hưu mới sống cuộc đời có giá trị của mình. Luật Bảo hiểm xã hội tăng độ tuổi nghỉ hưu từ vài năm gần đây khiến họ càng cảm thấy con đường “thoát việc” của họ dài hơn. Niềm hạnh phúc nghỉ hưu của họ đang xa hơn một chút.

Ngược lại, một số đối tượng khác lại không làm việc vật vờ qua ngày, sống nhạt nhòa, ngắc ngoải chờ ngày nghỉ hưu mà lại muốn đốt cháy giai đoạn để được nghỉ hưu sớm. Đối tượng này xuất hiện cũng là một phần của trào lưu FIRE (viết tắt của Financial Independence, Retire Early, nghĩa là tự do tài chính, nghỉ hưu sớm). Trào lưu này trở nên đặc biệt phổ biến trong thế hệ Y từ khoảng năm 2010.

Những người theo đuổi FIRE tập trung tối đa hóa tỷ lệ tiết kiệm thông qua việc tăng thu nhập hoặc giảm chi phí, song song với việc đầu tư nhằm tăng sự giàu có và thu nhập. Mục tiêu là tích lũy tài sản cho đến khi thu nhập thụ động tạo ra chi phí sinh hoạt đủ để nghỉ hưu.

Đối tượng này áp dụng các công cụ quản lý tài chính cá nhân để gia tăng tối đa thu nhập và chuẩn bị tài chính vững chắc cho tuổi hưu trí mà không phụ thuộc vào lương hưu. Khi đạt được sự tự do về tài chính, làm công ăn lương sẽ là một tùy chọn. Họ có thể cho mình tự “nghỉ hưu” sớm hơn hàng thập kỷ so với độ tuổi lao động do luật định(1).

Ở Việt Nam, trào lưu này được phát triển mạnh mẽ vào thời điểm dịch Covid bùng phát, WFH (WFH là tên viết tắt của Work From Home - làm việc từ xa) được bất đắc dĩ áp dụng rộng rãi. Trong đó đối tượng lao động freelancer (người làm việc tự do) đang là đội quân đi tiên phong cho lực lượng lao động trẻ “nghỉ hưu sớm”.

(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A0o_l%C6%B0u_FIRE

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới