Thứ Hai, 16/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Thủ phủ’ chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị gia hạn nợ, giảm lãi suất cho người nuôi heo

MInh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngày 28-3, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc gia hạn nợ, giảm lãi suất cho người chăn nuôi heo.

Với giá bán 48.000 – 50.000 đồng/kg, mỗi con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi lỗ tới gần 1 triệu đồng. Ảnh minh họa: T.Hoa.

Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, chiếm tỷ trọng hơn 60% trong giá trị sản xuất nông nghiệp, với tổng đàn heo khoảng 2,6 triệu con và tổng đàn gà khoảng 26 triệu con. Năm 2022, trung bình mỗi tháng, địa phương cung cấp ra thị trường 37.000 tấn thịt heo, 17.000 tấn thịt gà và gần 120 triệu trứng gia cầm.

Trong văn bản vừa gửi Ngân hàng Nhà nước, đại diện ngành chăn nuôi Đồng Nai dẫn số liệu thống kê cho biết, quy mô chăn nuôi nông hộ đang dần bị thu hẹp lại, 10 năm trước Việt Nam có 10 triệu hộ chăn nuôi thì nay chỉ còn không tới 2 triệu hộ. Trong bối cảnh khó khăn nay, nhiều công ty, trang trại và người chăn nuôi trong nước không thể tiếp cận ngân hàng, thậm chí phải vay nóng mua cám, duy trì đàn vật nuôi.

Đặc biệt, hơn một năm qua, hệ lụy của dịch COVID-19 khiến giá nguyên liệu thức ăn tăng, giá bán heo thấp dưới giá thành đã bào mòn sức sản xuất của người chăn nuôi. Với giá bán 48.000 – 50.000 đồng/kg, mỗi con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng.

Các công ty, trang trại trong nước và nông hộ ngoài việc gồng mình chịu đựng tình hình chung còn gặp áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với nhiều thế mạnh từ nguồn vốn dồi dào và là ông chủ trên toàn chuỗi giá trị.

“Gần như công ty, trang trại, hay hộ nông dân ít nhiều đều có vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Và chịu quy luật của thị trường lời ăn và lỗ thì cầm sổ đỏ. Người chăn nuôi sản xuất ra thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng), nhưng một năm qua giá cám, thức ăn quá cao mà đầu ra lại thấp, dưới giá thành, khiến người chăn nuôi kiệt quệ. Trong khi lúa gạo có chính sách tạm trữ, chính sách giá sàn, thì chúng tôi, dù cũng sản xuất mặt hàng thực phẩm thiết yếu, lại không được hưởng chính sách này”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi heo Đồng Nai nêu trong văn bản.

Do vậy, Hiệp hội này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ giai đoạn Covid-19 cho các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi trong nước. Đề nghị các ngân hàng trong mảng nông nghiệp tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các chi nhánh, đưa vốn đến các vùng chăn nuôi trọng điểm.

Đồng thời trong quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi nên có sự tiếp xúc với hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng; có những doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, hợp tác xã, đại lý thức ăn… để tăng quy mô kinh doanh.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho hay hiện nay các ngân hàng địa phương đều đang giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách, lĩnh vực nông nghiệp cũng nằm trong đối tượng được hỗ trợ.

Tuy nhiên qua khảo sát sơ bộ, hiệp hội nhận thấy chưa có doanh nghiệp, trang trại được hưởng gói lãi vay này. Do vậy, hiệp hội mong muốn sớm được kết nối làm việc với cơ quan chức năng, ngân hàng để được tham gia gói hỗ trợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới