Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thức ăn tôm đang “đầu độc” vịnh Xuân Đài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thức ăn tôm đang “đầu độc” vịnh Xuân Đài

Mạnh Hoài Nam

(TBKTSG Online) – Gần tháng nay, tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) bị bệnh, ngắc ngư trồi đầu lên, người nuôi bán đổ bán tháo. Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân là mật độ nuôi dày quá tải, thức ăn tôm đang “đầu độc” vịnh Xuân Đài dẫn đến nguồn nước ô nhiễm nặng.

Xuân Đài là điểm nối trong chuỗi du lịch Nam Trung bộ

Đầu năm đi thăm “vương quốc tôm hùm”

Tôm hùm ngắc ngư

Thức ăn tôm đang “đầu độc” vịnh Xuân Đài
2. Hàu chỉ “bó” vỏ tôm hùm.

Vịnh Xuân Đài trải dài từ phường Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Yên và xã Xuân Phương. Nơi đây được nhiều người biết đến là “thủ phủ tôm hùm” của Phú Yên và của cả nước khi có tới 29.000 lồng nuôi (mỗi lồng nuôi 50-70 con), chủ yếu là tôm hùm bông (sao) và tôm xanh. Những ngày qua, ngày nào ở đây cũng có tôm hùm chết do bệnh sữa, bệnh cứng vỏ.

Ông ông Lê Minh Lộc, người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Thành than vãn: “Gần tháng nay, tôm hùm “rớt” rất nhiều vì bệnh, có bữa bè nuôi của tôi có 12 con tôm hùm ngắc ngư trồi đầu lên vì bệnh sữa. Cũng theo ông Lộc, nếu tôm thành phẩm bán 1,6 triệu đồng/kg, thì chi phí đầu tư hết 1,2 triệu đồng, người nuôi còn bỏ túi 400.000 đồng/kg. Còn tôm hùm bệnh thì bán đổ bán tháo, chỉ 600.000 đồng/kg, người nuôi bù lỗ 600.000 đồng.

Ông Nguyễn Long, người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương buồn rầu nói: “Sáng sớm, tôi lặn xuống vớt con tôm đừ (tôm yếu) lên bờ. Ngoài tôm bị bệnh sữa thì phát hiện có con tôm vỏ của nó bị hàu chỉ và các sinh vật khác bám dày đến nổi “bó” con tôm không thay vỏ được, loại này nếu tiếp tục nuôi thì cũng chết dần chết mòn”. Theo kinh nghiệm của người nuôi tôm hùm, tôm khỏe mạnh thì lanh, càng que nó “gãi” (làm vệ sinh quanh vỏ sạch mình mẫy) thì không có vi sinh vật nào bám được. Còn tôm đừ thì bị hàu chỉ, vi sinh vật “bó” vỏ riết rồi chết.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thúy, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, có chuyến khảo sát vùng nuôi tôm vịnh Xuân Đài nhận định, những con tôm này yếu, nó đang bị ký sinh. Điều này dẫn đến việc hấp thu oxy thấp. Con tôm sẽ dần dần bỏ ăn rồi chết.

Năm ngoái, bệnh trên tôm hùm ở vịnh Xuân Đài làm điêu đứng người nuôi, thời gian cao điểm đã có hơn 1,6 triệu con tôm hùm của 693 hộ nuôi bị chết, có trường hợp thiệt hại đến hàng chục tỉ đồng. Riêng hiện nay, tôm hùm bị bệnh chết còn có dấu hiệu lan rộng khi thời tiết bắt đầu giao mùa nắng nóng.

Bà Bùi Thị Lan, một phụ nữ mua tôm cho biết, từ sáng đến tối bà chạy ghe rảo một góc nhỏ trên vịnh Xuân Đài mua 70 tôm hùm đừ ngắc ngư mà càng ngày tôm bị bệnh càng nhiều, bà mua được nhiều tôm bệnh hơn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, từ đầu năm đến nay bệnh sữa xảy ra trên tôm hùm nuôi lồng ở Sông Cầu ở tất cả các loại tôm, trong đó, tôm hùm bông có tỉ lệ chết cao hơn hẳn. Ước tỷ lệ tôm hùm chết do bệnh sữa khoảng 10%, cá biệt có một số lồng tôm hùm bông bị nhiễm bệnh sữa chết khoảng 20-30%.

Ông Nguyễn Minh Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, qua kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh do mật độ lồng nuôi dày làm lưu tốc dòng chảy kém, cản trở sự lưu thông nước. Môi trường nuôi bị ô nhiễm do chính hoạt động nuôi trồng thủy sản, các chỉ số môi trường vượt ngưỡng cho phép.

Thức ăn “đầu độc” vịnh Xuân Đài

Cho tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài ăn bằng mồi ốc cháy.

Cách đây 5 năm, vịnh Xuân Đài có 1.124 hộ nuôi tôm hùm với 13.302 lồng nuôi, nay tăng lên 29.000 lồng. Với số lồng nuôi quá tải như hiện nay, hàng ngày người nuôi trút xuống vịnh trên 2.000 tấn thức ăn (mỗi lồng nuôi ăn 70 kg mồi/ngày). Thức ăn tôm hùm là thức ăn sống như cua, ốc, cá. Ngoài phần thịt tôm hùm ăn, còn phần vỏ cua ốc chìm xuống nước lâu ngày hôi thối, đó là chưa kể mỗi lần rửa mồi cua, ốc, cá nước đen túa ra vịnh. Lâu ngày nước đóng bợn, rong nổi lên bám dày dẫn đến nguồn nước ô nhiễm.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết sổ này đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm hùm kiểm tra chất lượng thức ăn, cần thiết phải giảm 50% lượng thức ăn để tránh dư thừa. Việc sử dụng thức ăn tươi cần đảm bảo chất lượng và bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất để tôm tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết thay đổi để tôm chống chịu tác nhân gây bệnh.

Hiện tượng tôm hùm chết xảy ra gần đây, nguyên nhân là nước bị ô nhiễm thiếu oxy. Mới đây, qua xét nghiệm các mẫu nước ở nhiều khu vực trong vịnh Xuân Đài của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên kết luận, mật độ Vibrio spp vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Riêng tại vùng nuôi Xuân Yên, các mẫu nước tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy có hàm lượng DO thấp do tồn đọng nhiều chất hữu cơ, thiếu oxy vào sáng sớm.

Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên, cho biết kết quả các thông số môi trường không nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi, khiến cho sức đề kháng tôm nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho tác nhân (Rickettsia like bacteria) phát triển, dễ dàng xâm nhập, gây bệnh cho tôm. Trung tâm đã gửi kết quả quan trắc môi trường đến 800 đầu số hộ nuôi tôm, cảnh báo về nguy cơ môi trường của vùng nuôi. Dự báo năm nay diễn biến sẽ xấu và phức tạp. Hiện nay là quy hoạch vùng nuôi tôm hùm bị phá vỡ khiến môi trường một số vùng vượt quá ngưỡng, kéo theo hàng loạt hệ lụy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới