Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi số để giao thương toàn cầu
PGS. TS. Bùi Thị Minh Hồng (*)
(TBKTSG Online) - Theo bà Angel Gurría, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong bối cảnh hiện nay, các chính phủ cần suy nghĩ lại về chính sách về các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và chính sách khởi nghiệp để cải thiện tình hình kinh doanh và sự tiếp cận với các nguồn lực, cần tìm hiểu cách làm thế nào thể huy động vốn cho các doanh nghiệp nhỏ để phát triển bền vững và không bị bỏ lại phía sau.
Kỷ nguyên số hóa bắt đầu nhưng rất nhiều DNVVN có nguy cơ bị loại bỏ nếu không thích ứng kịp. Ảnh minh họa Thành Hoa. |
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 700.000 DNVVN, chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Tổng số vốn đăng ký của các DNVVN đạt xấp xỉ 121 tỉ đô la Mỹ, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp. Hàng năm, các DNVVN đóng góp khoảng 40% GDP; 30% nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và tạo ra gần 60% việc làm. Có thể nói vai trò của DNVVN là vô cùng lớn đối với nền kinh tế và xã hội của Việt Nam.
Kỷ nguyên số hóa bắt đầu, nhưng rất nhiều DNVVN có nguy cơ bị loại bỏ nếu không thích ứng kịp. Theo thông tin từ Tạp chí Tài chính gần đây: 76% doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt đầu chuyển đổi số có nguy cơ bị loại bỏ vì họ không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, chưa tìm được mô hình nào phù hợp với đặc thù của riêng mình và cũng chưa tìm được đối tác đồng hành.
Theo OECD thì khoảng cách trong chuyển đổi số sẽ khiến các DNVVN suy giảm năng suất, và mở rộng khoảng cách bất bình đẳng giữa người với người, doanh nghiệp với doanh nghiệp và vùng miền với vùng miền. Do đó chính phủ nhiều nước và nhiều doanh nghiệp đang xúc tiến hỗ trợ các DNVVN chuyển đổi số một cách năng động.
New Zealand là một trong những nước chủ động hỗ trợ các DNVVN với hàng loạt biện pháp như tăng cường cơ sở hạ tầng giao dịch online và các chương trình hỗ trợ tài chính thuận tiện trên mạng cùng với hệ thống chính phủ trực tuyến (e-government). Còn tại Mỹ, theo một cuộc khảo sát của trường Đại học Harvard vào tháng 5 năm nay, 51% các DNVVN của nước này hoạt động online. Bất chấp hậu quả nặng nề của Covid-19 mà nước này hứng chịu, kinh tế Mỹ cũng không suy giảm nhiều như dự đoán theo tác động của đại dịch.
Chuyển đổi số nghe có vẻ to lớn với nhiều DNVVN, nhưng thực tế thì nó có thể đơn giản hơn so với nhiều người nghĩ. Facebook là ví dụ. Cứ 5 người trên trái đất thì có 1 người dùng Facebook hay Instagram (phần lớn số người không dùng là ở Trung Quốc đại lục hay người quá già và trẻ nhỏ ở các nước khác).
Mạng xã hội Facebook hỗ trợ các chương trình hướng dẫn và phát triển kỹ năng kinh doanh trên mạng thường xuyên dành cho những người quan tâm. Như vậy không cần thuê văn phòng, các DNVVN có thể làm việc tại nhà thông qua giao diện của Facebook nếu họ kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ. Những công ty công nghệ tài chính (Fintech) cũng đang phát triển mạnh mẽ. Nếu cần vốn, có thể doanh nghiệp sẽ không cần phải đến tận ngân hàng, mà tiếp cận các nguồn vốn qua một cú nhấp chuột (chuột). Mặc dù vậy, môi trường kinh doanh “ảo” vẫn yêu cầu xây dựng lòng tin và chữ tín phải là rất thật.
Khi giao thương trong thời đại số hóa thì hoạt động tiếp thị sẽ rất khác cách thức truyền thống. Giờ đây không chỉ làm hài lòng khách hàng thông qua sản phẩm hay dịch vụ cung cấp, mà doanh nghiệp còn tạo sự trải nghiệm và giá trị cho khách hàng nữa.
Ví dụ, giám đốc thương mại của Viện Thời trang Pháp, công ty thời trang hàng đầu châu Âu quảng cáo về công ty của mình như sau: Chúng tôi không chỉ đơn giản bán trang phục; chúng tôi bán những giấc mơ! Hay một công ty in 3D của Latvia đã tham gia và đoạt giải tại một cuộc thi khởi nghiệp tăng tốc (Hackathon) của nước này vào ngày 17-3 vừa qua. Ngay lập tức họ có hợp đồng từ Bộ Y tế đặt in 10.000 chiếc mặt nạ y tế cao cấp trong vòng 10 ngày. Đúng ba tháng sau CEO của doanh nghiệp này được mời tham gia diễn dàn của OECD vì tầm ảnh hưởng trong việc chuyển đổi số của một doanh nghiệp nhỏ nhưng tiên phong.
(*) PGS.TS. Bùi Thị Minh Hồng giảng dạy tại School Management, University of Bath, UK; Giám đốc mạng lưới giáo dục thuộc AVSE Global.
Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu - AVSE Global có trụ sở tại Paris, tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn thông qua kết nối chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu để đóng góp cho Việt Nam. AVSE Global có mặt trên 20 quốc gia, với hơn 300 hội viên quy tụ hơn 2.000 chuyên gia và là mạng lưới của trên 10.000 chuyên gia toàn cầu. AVSE Global hiện đang tổ chức một cuộc thi về ý tưởng, giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo mang tên Hack4Growth. Cuộc thi bao gồm 2 đợt. Đợt 1: Kiến tạo nền tảng và văn hóa đổi mới, sáng tạo vì Việt Nam. Đợt 2: Chung tay tìm ra giải pháp, và truyền cảm hứng, niềm tin hành động vượt qua khó khăn kinh tế, xã hội trong và hậu Covid. Hạn chót nộp bài: 30-6-2020 |