Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thuế nhập khẩu xăng dầu bao giờ mới giảm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thuế nhập khẩu xăng dầu bao giờ mới giảm?

Minh Tâm

Thuế nhập khẩu xăng dầu bao giờ mới giảm?
Người dân chờ Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Đến thời điểm này, khi mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mới sắp được áp dụng (1-5), thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu vẫn chưa được điều chỉnh giảm như cam kết của Bộ Tài chính trước đó. Người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu vẫn phải chờ cơ quan điều hành tính toán để không phải mua xăng giá cao.

Lãnh đạo Bộ Tài chính: Mỗi người mỗi ý?

Vào hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, phải tăng thuế BVMT gấp 3 lần so với mức hiện hành đối với các mặt hàng xăng dầu (xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít; dầu diesel từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít, dầu madut từ 300 đồng lên 900 đồng/kg và dầu hỏa giữ nguyên) là để bù đắp phần sụt giảm của ngân sách nhà nước khi giá dầu thô giảm và Việt Nam phải thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo cam kết của các hiệp định thương mại.

Theo đó, thuế nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc từ đầu năm 2015 đã về quanh mức 5-20% (tùy mặt hàng), thấp hơn 15% -25% so với hàng nhập từ các quốc gia còn lại. Tiến tới, Bộ Tài chính sẽ cắt giảm dần thuế nhập khẩu từ các quốc gia không ký hiệp định để có mức thuế thống nhất giữa tất cả các thị trường, tránh tình trạng có nhiều mức thuế và doanh nghiệp đầu mối tập trung nhập khẩu từ các thị trường được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc tăng thuế BVMT cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước do thuế nhập khẩu giảm, và doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm. Bên cạnh đó, trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng lên thì sẽ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu.

Nhưng sau vài ngày đề xuất tăng thuế BVMT được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, lãnh đạo phụ trách trực tiếp về thuế suất của Bộ Tài chính là Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế tại buổi tọa đàm trực tuyến của Cổng thông tin Chính phủ trước câu hỏi liệu thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được điều chỉnh ra sao sau thời điểm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mới có hiệu lực đã nói rằng, thuế BVMT chỉ là một yếu tố trong cơ cấu giá xăng dầu và việc giảm thuế nhập khẩu xăng để không tác động đến giá bán lẻ xăng dầu như thế nào sẽ được đặt trong bài toán tổng thể và “không phải là giảm ngay”.

Và mới đây nhất, vào đầu tuần trước, tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính, một lãnh đạo khác của bộ này lại khẳng định, khi thuế BVMT tăng lên từ ngày 1-5, bộ sẽ điều hành các công cụ như sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu… để giá bán xăng dầu không biến động đột ngột. Thêm vào đó, có một lý do khác để tăng thuế BVMT là để các doanh nghiệp đầu mối không tập trung nhập khẩu từ các thị trường có ưu đãi thuế đặc biệt.

Thuế nhập khẩu phải giảm đúng như cam kết

Trao đổi với TBKTSG Online, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, lúc này Bộ Tài chính vẫn đang chờ diễn biến của giá xăng dầu thế giới để tính toán sử dụng công cụ điều hành: giảm thuế nhập khẩu hay cho sử dụng quỹ bình ổn. Việc điều hành này đồng thời còn phải giải được các bài toán như mức thuế phù hợp với khung thuế đã được phê duyệt, đảm bảo nguồn thu ngân sách cũng như giữ cho giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam không thấp hơn quá nhiều so với khu vực.

Tuy vậy, theo ông Long, dù muốn dù không, dù trước hay sau ngày 1-5, nhất định Bộ Tài chính vẫn phải giảm thuế nhập khẩu để đưa về một mức thống nhất theo đúng cam kết trong giải trình tăng thuế BVMT. “Làm như vậy là đảm bảo nguyên lý: đã tăng cái này thì phải giảm cái kia”, ông Long nói.

Đặc biệt, kể cả trong trường hợp giá thế giới đi xuống, Bộ Tài chính cũng nhất định phải giảm thuế nhập khẩu để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp được sử dụng nguyên liệu giá rẻ, tương ứng với giá thế giới. “Khi người dân và doanh nghiệp được sử dụng nguyên liệu giá rẻ, lợi ích nền kinh tế là rất lớn. Thứ nhất, mặt bằng giá sẽ được kéo giảm để kích thích người dân tiêu dùng, mua sắm qua đó giúp doanh nghiệp bán được hàng, tăng cường sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng tạo được lợi thế cạnh tranh tốt trong môi trường hội nhập nhờ giá nguyên liệu. Và cuối cùng, nhà nước sẽ thu được nhiều tiền thuế hơn từ đóng góp của các doanh nghiệp ăn nên làm ra”, ông Long phân tích.

Dưới góc độ của doanh nghiệp đầu mối, lãnh đạo một doanh nghiệp phía Nam nhìn nhận, Bộ Tài chính cần phải giảm thuế nhập khẩu để có một mức thuế thống nhất cho tất cả các thị trường. Bên cạnh đó, cần phải giảm càng sớm càng tốt, trước thời điểm 1-5 để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp đầu mối.

Trong khi đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính mới đây thì bày tỏ quan điểm, cần cân nhắc về thời điểm giảm thuế nhập khẩu để hài hòa lợi ích doanh nghiệp đầu mối.

Cơ quan này cho rằng, không nên đợi đến thời điểm thuế BVMT có hiệu lực, ngày 1-5 mới bắt đầu giảm thuế nhập khẩu. Bởi lẽ, thuế nhập khẩu được thu ngay từ khi thông quan (đầu vào) trong khi thuế BVMT thu khi xăng dầu bán ra ngoài thị trường (đầu ra) nên khi tăng thuế BVMT, giảm  thuế nhập khẩu cùng lúc thì hàng tồn kho theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP (30 ngày) sẽ phải chịu 2 lần thuế: thuế nhập khẩu mức cũ và thuế BVMT mức mới (đều ở mức cao). Điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Vì vậy, Vinpa kiến nghị, cần giảm thuế nhập khẩu 30 ngày trước thời điểm áp dụng mức thuế BVMT mới để các doanh nghiệp đầu mối bán hết lượng hàng tồn kho đã nộp thuế nhập khẩu theo mức thuế BVMT cũ.

Xem thêm:

Chưa rõ khi nào giảm thuế nhập khẩu xăng dầu

Tăng thuế BVMT với xăng: Gánh nặng trên vai người dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới