Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thuế thu nhập, chi tài khóa và tăng trưởng kinh tế

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, trong khi các quy định tính thuế thu nhập cá nhân không chạy theo kịp, cộng thêm nguồn thu nhập của người lao động những năm gần đây bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và kinh tế trì trệ, khiến nhiều hộ gia đình, cá nhân phải thắt chặt chi tiêu.

Gánh nặng thuế thu nhập cá nhân

Nghị trường Quốc hội gần đây lại dấy lên câu chuyện thuế thu nhập cá nhân (TNCN ) đã quá lạc hậu. Các đại biểu cho rằng các quy định trong tính thuế TNCN như khởi điểm thu nhập chịu thuế, bậc chịu thuế, mức chiết trừ gia cảnh... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát.

Theo đó, một trong những bất cập được nêu nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Hiện, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, duy trì từ tháng 7-2020. Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên.

Tuy nhiên, việc cải cách thuế TNCN không phải là điều dễ dàng, dù đã được thảo luận trong nhiều năm qua, khi đây là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước với tỷ trọng ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong năm 2022, trên phạm vi cả nước, thu ngân sách nhà nước đối với thuế TNCN đã lên tới 166.733 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2021 và đạt 138% dự toán, tức vượt so với mức dự toán đề ra là 48.658 tỉ đồng.

Đáng chú ý, đây cũng là số thu thuế TNCN tính theo năm cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tăng gấp 3,5 lần so với số thu năm 2013 - thời điểm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tăng hơn 50%, tương ứng gần 57.000 tỉ đồng, sau khi điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, tốc độ tăng thu thuế TNCN ngày càng cao qua các năm, đặc biệt trong những năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng số thu của sắc thuế này vẫn liên tục ghi nhận những mức kỷ lục. Theo đánh giá của giới chuyên gia, số thu từ thuế TNCN tăng cao một phần đến từ những bất cập của Luật Thuế TNCN chưa được sửa đổi một cách thấu đáo, do đó, càng gây thêm gánh nặng cho người nộp thuế.

Thiết nghĩ cần sớm có những cải cách đột phá về cơ chế đánh thuế TNCN, để giảm bớt gánh nặng cho người lao động và từ đó cũng có thể kích thích chi tiêu nhiều hơn, tác động tích cực lên tăng trưởng.

Nguồn thu thuế ngày càng gia tăng nhưng ở chiều ngược lại không chi hết như dự toán đề ra trong nhiều năm qua. Đơn cử như 10 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.398.700 tỉ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng đã bằng 86,3% dự toán năm. Ngược lại, tổng chi ngân sách ước đạt 1.357.600 tỉ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng mới chỉ bằng 65,4% dự toán năm.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023 ước bội chi ngân sách khoảng 4% GDP. Tỷ lệ này khoảng 3,7% GDP giai đoạn năm năm (2021-2025), nằm trong giới hạn an toàn cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, bội chi giảm lại do các dự án đầu tư công phần lớn chậm tiến độ triển khai, bao gồm cả các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn từ ngân sách, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đơn cử như 10 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước dù có tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng nếu so với kế hoạch đề ra chỉ ước đạt 65,8%.

Có thể thấy một nguồn lực tài chính đã chuyển từ khu vực tư sang khu vực công qua cơ chế đánh thuế thu nhập, từ đó giúp ngân sách có điều kiện mở rộng chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách tài khóa vẫn còn những hạn chế nhất định, không chỉ ở việc giải ngân vốn đầu ra trì trệ mà còn ở chỗ hiệu quả của các dự án đầu tư công vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực tư.

Những hệ lụy lâu dài

Như đã nói, chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, trong khi các quy định tính thuế TNCN không chạy theo kịp, cộng thêm nguồn thu nhập của người lao động những năm gần đây bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và kinh tế trì trệ, khiến nhiều hộ gia đình, cá nhân phải thắt chặt chi tiêu. Hệ quả là cầu tiêu dùng tăng chậm, các doanh nghiệp e ngại mở rộng đầu tư sản xuất, nên càng thêm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Đời sống kinh tế chật vật, đặc biệt là tại các thành phố lớn, cũng khiến nhiều người ngại kết hôn, sinh con. Hệ quả kế tiếp là lực lượng lao động có xu hướng suy giảm trong dài hạn, mang lại nhiều hệ lụy. Cụ thể, mức sinh tại khu vực Đông Nam bộ giảm xuống rất thấp, còn 1,56 con; tại đồng bằng sông Cửu Long là 1,8. Nếu mức sinh này giảm xuống dưới 1,3 thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế, theo nhận định của giới chuyên gia.

Hay như tại TPHCM, năm 2022 số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con/người, tiếp tục xu hướng suy giảm. So với năm trước đó, năm 2021 là 1,48 và năm 2020 là 1,53. Đặc biệt, những năm qua, thành phố luôn nằm trong nhóm những tỉnh/thành có mức sinh thấp nhất cả nước và trong hơn 20 năm qua, tỷ suất sinh của thành phố đều thấp hơn mức sinh thay thế mà Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên một mẹ). Mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh đang tạo ra nhiều hệ lụy trong tương lai.

Cần biết rằng về cơ bản, tăng trưởng kinh tế, được thể hiện qua tổng số sản phẩm được tạo ra bởi lực lượng sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định, và kết quả này lại phụ thuộc vào hai biến số chính là số lượng lao động và năng suất lao động. Với tốc độ cải thiện năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tăng trưởng kinh tế những năm qua cũng như trong tương lai vẫn chịu tác động đáng kể bởi số lượng lao động.

Ngoài ra, chính nhờ lực lượng lao động dồi dào, dân số trẻ, đã là một trong những yếu tố hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong những năm qua. Do đó, một khi lực lượng lao động suy giảm và qua giai đoạn thế hệ vàng, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn kế tiếp sẽ chịu ảnh hưởng là điều tất yếu. Thực tế đây cũng là thách thức của toàn cầu, với dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055.

Chính vì vậy, không có gì lạ khi sau giai đoạn kế hoạch hóa gia đình những năm trước, thời gian gần đây, các nhà quản lý, hoạch định chính sách liên tục kêu gọi, vận động và khuyến khích nam, nữ kết hôn trước tuổi 30 và sớm sinh con. Tại dự thảo Luật Dân số, ban soạn thảo đề xuất các biện pháp khuyến khích sinh đủ hai con tại một số tỉnh/thành phố có mức sinh thấp, trong đó có hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2. Ngoài ra, còn có các đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, như là giải pháp chia sẻ khó khăn để thúc đẩy các gia đình sinh thêm con, chuẩn bị cho lực lượng lao động kế thừa trong tương lai, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Bên cạnh những giải pháp này, thiết nghĩ cần sớm có những cải cách đột phá về cơ chế đánh thuế TNCN, để giảm bớt gánh nặng cho người lao động và từ đó cũng có thể kích thích chi tiêu nhiều hơn, tác động tích cực lên tăng trưởng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thu là cộng, là vào. Chi là trừ, là ra. Hiểu như vậy thì đơn giản. Không có gì để bàn. Thu để chi, chi để thu, đó mới là nghệ thuật kinh doanh, nghệ thuật điều hành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới