Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thuế vào cuộc!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thuế vào cuộc!

Cùng với những đợt cắt giảm lãi suất, doanh nghiệp đang có những cơ hội rất lớn để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh

(TBKTSG) – Chính phủ vừa ban hành chín chính sách tài chính nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong đó có các giải pháp liên quan đến thuế. Đây là đợt giảm và miễn thuế trên diện rộng, lớn nhất từ trước đến nay.

Cùng với đợt cắt giảm lãi suất cơ bản thứ năm từ 10% xuống 9%/năm được chờ đợi diễn ra trong tháng này, doanh nghiệp đang có những cơ hội rất lớn để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh.

Được giãn thuế một năm

Tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn điều lệ dưới 10 tỉ đồng, sử dụng dưới 300 lao động), mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có khoảng 349.000, sẽ không phải đóng thuế trong vòng một năm, từ quí 4-2008 đến hết quí 3-2009. Không đóng thuế ở đây không phải là được miễn thuế hoàn toàn, mà là được đóng thuế chậm (giãn thuế). Cụ thể các doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quí 4 năm nay và cả năm 2009. Sau đó 70% số thuế còn lại (sau khi đã giảm 30%) được giãn nộp trong thời gian chín tháng. Nếu tính theo thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2009 là 25%, thì 25% lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được Nhà nước cho “mượn” với lãi suất 0% trong thời hạn 12 tháng để kinh doanh.

Sự thúc đẩy này quả là động lực lớn với doanh nghiệp, nó góp phần hỗ trợ họ giảm đáng kể lượng vốn phải vay ngân hàng. Đối với những doanh nghiệp năng động, có khả năng tạo ra và tận dụng vòng quay vốn ngắn, thì chi phí giá thành sản phẩm sẽ được giảm nhiều, giúp hạ giá đầu ra và kích thích sức tiêu dùng trở lại. Tất nhiên chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng, nhưng giảm giá bán do giảm chi phí đầu vào là yếu tố số một để tăng sức cầu trên thị trường tiêu dùng hiện nay.

Ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ cho phép tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong trường hợp nhà xuất khẩu chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% còn lại khi có chứng từ. Ân hạn nộp thuế nhập khẩu đối với một số ngành hàng cho phù hợp với chu kỳ sản xuất, đồng thời giảm thuế nhập khẩu cho một số nguyên liệu, cải tiến thủ tục hoàn thuế, rút ngắn thời gian thông quan… Có thể hiểu là các ưu đãi về thuế được thực hiện đồng loạt với nhiều sắc thuế và giúp cho doanh nghiệp nhiều ngành nghề cùng được hưởng.

Dưới góc độ tài chính, tác động sâu xa của đợt miễn giảm thuế lần này không chỉ là tạo sức bật kinh doanh trên bề mặt, mà nó tạo lực đẩy nhanh hơn vòng quay vốn của xã hội. Tiền từ tay Nhà nước (thu thuế tức là nộp vào ngân sách nhà nước) qua cơ chế thuế đã nằm trong tay doanh nghiệp và trở thành những đồng vốn đi liền khúc ruột của doanh nghiệp. Sự chuyển đổi “sở hữu” cho dù là tạm thời trong vòng một năm đó sẽ khuyến khích doanh nghiệp “khai thác” tiền hiệu quả nhất, với công suất lớn nhất để mang lại lợi nhuận ở mức tối đa cho chính bản thân doanh nghiệp. Khi hiệu quả kinh doanh được cải thiện và hết hạn miễn giảm, doanh nghiệp trả lại “sở hữu” cho Nhà nước và số thuế Nhà nước thu được chắc chắn sẽ cao hơn.

Mặt khác, khi cho doanh nghiệp “mượn” tiền thuế, Nhà nước đã cùng lúc giải quyết được một phần của vấn đề tăng cung tiền trong nền kinh tế và qua đó kiểm soát, ngăn chặn được lạm phát nếu những mầm mống lạm phát có nguy cơ trở lại. Kích thích kinh tế tăng trưởng bằng cách sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn hiện có mà không cần phải “bơm” thêm nhiều tiền là một tính toán chính xác trong bối cảnh hiện tại. Vấn đề còn lại là thực thi cũng cần chính xác như thế!

Tạm giảm trước mắt, ổn định nguồn thu lâu dài

Những tháng gần đây phản ứng của Chính phủ trước những biến động của kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang tỏ ra nhanh nhạy hơn. Tuy nhiên sự thực hiện các quyết sách của Chính phủ từ phía các bộ, ngành lại diễn ra không nhanh như doanh nghiệp và người dân mong muốn. Lấy ví dụ như thuế thu nhập cá nhân đối với chứng khoán. Đích thân Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đầu tháng 12-2008 đã khẳng định Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính tiến hành các thủ tục trình Quốc hội xem xét việc hoãn thi hành thuế đến hết năm 2009. Trong trường hợp các thủ tục có vướng mắc về thời gian, Bộ Tài chính sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật để lùi thời hạn nộp thuế, chẳng hạn áp dụng thuế suất 0%.

Thế nhưng mới đây cơ quan thuế lại tuyên bố chưa nhận được bất cứ văn bản nào về việc hoãn hay lùi thời hạn áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với chứng khoán và việc thu thuế từ 1-1-2009 vẫn được triển khai. Giới tài chính băn khoăn, nhà đầu tư không biết tin ai, thực hư thế nào. Kết quả là chứng khoán cả hai sàn vẫn trồi sụt.

Các giải pháp về ưu đãi thuế vừa được công bố liệu có ảnh hưởng mạnh đến nguồn thu ngân sách? Nên nhớ doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ ở khu vực kinh tế dân doanh mà cả trong khối kinh tế quốc doanh. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng sớm hơn và giảm thuế nhập khẩu một số loại hàng hóa có lẽ không ảnh hưởng đến số thu từ các loại thuế này. Nếu có tạm thời giảm, sẽ là số thu của thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất trong vòng bảy năm qua rơi vào năm 2006, chiếm 38,2% tổng thu ngân sách. Năm ngoái tỷ lệ này giảm xuống còn 32,6%, trong đó nguồn thu từ doanh nghiệp quốc doanh chiếm 54% tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Về lâu dài mở rộng đối tượng nộp thuế từ doanh nghiệp nhà nước sẽ khó hơn từ dân doanh. Chính vì thế miễn giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt nguồn thu từ khu vực dân doanh là điều không những cần thiết, mà là tiên quyết phải làm.

Bên cạnh đó, việc miễn giảm thuế có khả năng làm tăng mức độ tuân thủ nộp thuế của doanh nghiệp, đơn giản vì mức thuế cao người ta mới “trốn”, còn mức thuế thấp khuyến khích người ta nộp, và vì thế sẽ bù đắp số thu ngân sách giảm tạm thời. Ngân hàng Thế giới (WB) trong bản báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam cho biết năm 2007 khoảng cách thiếu hụt giữa số thuế thu nhập doanh nghiệp mà ngân sách đáng lẽ có thể thu từ kinh tế tư nhân với số thực thu là 21.531 tỉ đồng. Năm tới sự chênh lệch này sẽ được rút ngắn nhờ nhiều hộ kinh doanh chuyển sang áp dụng thuế thu nhập cá nhân. Nhìn chung lại, việc giảm số thu ngân sách từ việc áp dụng ưu đãi thuế lần này là có, nhưng không nhiều. Ngược lại nó có tác dụng làm tăng nguồn thu và ổn định số thu những năm sau.

Dẫu sao, ưu đãi thuế cũng có những hạn chế của nó. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa do khó khăn kinh tế vừa qua và hiện nay đang kinh doanh không có lãi, hoặc sắp phá sản, sẽ thế nào? Họ không nằm trong diện được hưởng ưu đãi thuế. Những doanh nghiệp đó đang cưu mang không ít lao động. Có lẽ một chính sách tài chính riêng áp dụng cho khối này là điều cần tính đến!

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện là một trong những nguồn thu chủ lực của ngân sách và chính sách miễn giảm thuế mới của Chính phủ không ảnh hưởng đến số thu thuế này. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ đóng góp của thuế GTGT vào ngân sách tăng liên tục trong bảy năm gần đây, từ mức 18,6% năm 2001 lên 22,1% năm 2007. Chính sự gia tăng của số thu thuế GTGT đã bù đắp cho sự sụt giảm thuế xuất nhập khẩu do các cam kết về giảm thuế khi Việt Nam gia nhập WTO. Theo WB, năng suất thuế GTGT (năng suất thuế được định nghĩa bằng điểm phần trăm GDP trong thu nhập chia cho điểm phần trăm thuế suất cơ bản) của Việt Nam gần bằng 0,6, cao hơn trung bình của các quốc gia công nghiệp.

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới