(KTSG) - Mọi người ắt còn nhớ năm 2018 Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã viện lý do an ninh quốc gia để áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm Trung Quốc và một số nước khác với thuế suất 25% cho thép và 10% cho nhôm. Nói là an ninh quốc gia nhưng ông Trump cũng phát biểu thẳng áp thuế như thế sẽ giúp hồi sinh nền sản xuất trong nước Mỹ, tức nhằm mục đích bảo hộ mậu dịch là chính.
- Số vụ phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh
- Cổng thông tin kết nối sàn thương mại điện tử bắt đầu hoạt động
Nay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối tuần trước ra tuyên bố Mỹ đã vi phạm luật lệ thương mại quốc tế khi áp đặt thuế như thế. Nói chung trong giao thương quốc tế, các nước không được đơn phương đặt ra các thuế suất nhập khẩu mới trừ một số ngoại lệ, trong đó có lý do để bảo vệ an ninh quốc gia.
Sau khi có khiếu nại của Trung Quốc, Na Uy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, WTO đã cử ra ban xử lý tranh chấp điều tra và cuối cùng ban này kết luận Mỹ áp thuế thép và nhôm không có lý do chính đáng; ngoại lệ an ninh quốc gia không thể áp dụng ở đây vì “các biện pháp này không được đưa ra trong thời kỳ chiến tranh hay trường hợp khẩn cấp khác trong quan hệ quốc tế”.
Điều đáng nói là Chính phủ Mỹ với Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên loại thuế này với Trung Quốc, trong khi đã thương lượng sửa đổi hay bãi bỏ với các nước khác. Trước kết luận của WTO, Mỹ bác bỏ một cách mạnh mẽ kết luận của ban giải quyết tranh chấp, cho rằng lập luận của họ có vấn đề và sẽ khiếu nại lên ban phúc thẩm.
Như thời Donald Trump, nay Chính phủ Mỹ cũng viện lý do an ninh quốc gia. Trong một tuyên bố, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ nói: “Chính quyền Biden cam kết duy trì an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách bảo đảm tính bền vững của các ngành thép và nhôm. Chúng tôi không có ý định bãi bỏ thuế nhập khẩu... do có tranh chấp”.
WTO kết luận như thế và chấm hết… vì họ không có khả năng xử lý tranh chấp ở mức cao hơn. Giả thử Mỹ nộp đơn đòi phúc thẩm, WTO không thể tổ chức phúc thẩm vì bộ phận này lâu nay không có thẩm phán do trong nhiều năm liền Mỹ từ chối không chịu phê duyệt các ứng viên. Tuy nhiên, khi Mỹ tuyên bố không tuân thủ phán quyết của WTO, họ đã làm suy yếu thêm cơ chế đa phương trong thương mại quốc tế.
Tuần trước WTO cũng công bố dữ liệu cho thấy chủ nghĩa bảo hộ ngày càng được sử dụng nhiều trong ngoại thương. Các yếu tố đằng sau xu hướng này bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, đại dịch Covid-19 và mối lo ngại về an ninh lương thực.
Nhiều nước áp dụng các hạn chế như cấm xuất khẩu một số loại lương thực, áp đặt hạn ngạch lên các sản phẩm khác. Dù gần đây các hạn chế này được tháo dỡ dần WTO vẫn nhận định thương mại quốc tế năm rồi ít tự do hơn những năm trước.
Trong một bài bình luận trên tờ New York Times, cây bút kinh tế Paul Krugman cho rằng ngoài thuế thép, thuế nhôm, Mỹ hiện còn trợ cấp cho sản xuất nội địa chip bán dẫn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và các nguồn cung khác.
Hơn thế nữa, Mỹ cũng áp đặt các quy định mới nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến, cố ý làm suy yếu năng lực công nghệ của Trung Quốc. Mỹ cũng trợ cấp cho các nguồn năng lượng sạch với mục đích chống lại biến đổi khí hậu.
Ông nhận định giả thử Trung Quốc khiếu nại lên WTO vì cho rằng các biện pháp này vi phạm quy tắc thương mại quốc tế thì Mỹ sẽ trả lời như thế nào. Ắt hẳn Mỹ bày tỏ thái độ không quan tâm, cho rằng các chính sách này nằm ngoài thẩm quyền của WTO.
Paul Krugman kết luận nếu Mỹ sẵn sàng uốn cong luật lệ để theo đuổi các mục tiêu chiến lược, điều này sẽ dẫn tới rủi ro chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan ra khắp thế giới.
Thực tế cũng vào tuần trước, Trung Quốc đã khiếu nại lên WTO chuyện Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát mới lên quan hệ thương mại trong ngành bán dẫn. Bắc Kinh tuyên bố sẽ sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp để yêu cầu Mỹ chấm dứt kiểm soát việc xuất khẩu sản phẩm bán dẫn qua Trung Quốc, bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất chip của Mỹ phải xin phép Bộ Thương mại khi xuất khẩu một số loại chip có sử dụng trí tuệ nhân tạo tiên tiến.
Trong khi phía Mỹ cho rằng việc kiểm soát là cần thiết để ngăn cản Trung Quốc mua chip cho ngành quân sự của nước này nhằm phát triển các vũ khí tối tân, phía Trung Quốc nhấn mạnh trong những năm gần đây Mỹ mở rộng khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cản trở việc mua bán bình thường chất bán dẫn và các sản phẩm khác, đe dọa sự ổn định của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tình hình tranh chấp như thế cho thấy toàn cầu hóa với những mối quan hệ đa phương sẽ ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho nỗ lực sản xuất trong nước và xây dựng các mối quan hệ song phương giữa các đối tác gần gũi. Xu hướng này đặt ra các thách thức cho những nước có nền kinh tế mở, phát triển mạnh nhờ xuất nhập khẩu và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.