Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thương mại điện tử kích hoạt cuộc đua logistics

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sức nóng trên thị trường giao nhận đã kích hoạt dòng vốn đầu tư chảy vào hạ tầng dịch vụ hậu cần (logistics) phục vụ cho lĩnh vực thương mại điện tử đang lên ở Việt Nam.

Cuối tháng 5 vừa qua, J&T Express chính thức đưa vào vận hành Trung tâm trung chuyển tại khu công nghiệp Tân Phú Trung ở Củ Chi (TPHCM), giúp đơn vị mới gia nhập thị trường giao nhận 4 năm trước tăng diện tích kho thêm gần 60.000 m2, nâng tổng diện tích toàn bộ 36 trung tâm lên 180.000 m2.

Với hiệu suất xử lý hàng hóa ở mức 4-5 phút cho một kiện hàng nhỏ, ước tính mỗi ngày trung tâm mới này có thể xử lý lên tới hơn 2 triệu kiện hàng. Ảnh: DNCC.

Khu công nghiệp chuyển thành trung tâm hậu cần

Thị trường giao nhận trong vài năm qua cũng đã xuất hiện những tên tuổi nước ngoài, chẳng hạn như J&T Express (ban đầu tập trung phục vụ cho các sàn thương mại điện tử nhưng gần đây mở rộng thêm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ), hay Ninja Van (đơn vị vừa huy động thêm hơn 570 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái), cạnh tranh trực tiếp với những tên tuổi trong nước như Giao Hàng Tiết kiệm hay SCommerce (sở hữu Giao Hàng Nhanh và Ahamove), chưa kể đến các đơn vị giao nhận riêng của các sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada.

Dĩ nhiên, các đơn vị giao nhận này cũng cạnh tranh nhau cả ở khâu hậu cần, khi các dịch vụ logistics là một phần rất quan trọng đối với thị trường thương mại điện tử.

Tại Khu Công nghiệp Tân Phú Trung ở trên không chỉ có J&T Express, mà còn có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử và giao nhận như Trung tâm xử lý đơn hàng hiện đại thứ 3 của Shopee tại Việt Nam, hay kho tự động đầu tiên của Best Logistics, đơn vị cũng vừa mới thâm nhập thị trường. Khu công nghiệp này cũng tập trung nhiều khách thuê khác là đơn vị giao nhận chặng cuối và các các nhà bán lẻ.

Ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghiệp BW, đơn vị sở hữu khu công nghiệp Tân Phú Trung, cho biết trước đây khu công nghiệp này tập trung các doanh nghiệp sản xuất bình thường, nhưng nay gần như trở thành trung tâm hậu cần dành cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đại diện BW vì thế xem Tân Phú Trung là trường hợp chuyển đổi thành công trong xu hướng đón đầu dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. “Sự tăng trưởng thương mại điện tử đã và sẽ được chuyển thành sự mở rộng mạnh mẽ trong lĩnh vực hậu cần chặng cuối, vốn sẽ đòi hỏi một nguồn cung đáng kể các kho hàng cấp tổ chức”, ông Lance Li, Tổng giám đốc BW nhận định.

Ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghiệp BW tại sự kiện Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp tổ chức hồi giữa tháng 5 mới đây. Ảnh: DNCC.

Nhu cầu bất động sản logistics dành riêng cho thương mại điện tử tăng nhanh

Với sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn không ngừng tìm kiếm những bất động sản hậu cần chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ hậu cần ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết hiện có nhiều khách hàng có nhu cầu thuê kho xưởng có diện tích khoảng 15 ha và phải có vị trí gần trung tâm hoặc kết nối dễ dàng với trung tâm. Nhu cầu cũng có tính biến động cao hơn trong mùa cao điểm.

Đại diện đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản này cũng đánh giá những thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng của người đô thị Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp trong ngắn hạn và cả dài hạn. Thương mại điện tử hiện được xem là đòn bẩy tăng trưởng cho ngành logistics, khi lượng đơn đặt hàng trực tuyến cao đột biến khiến các nhà bán hàng cung cấp có nhu cầu tìm giải pháp trữ được lượng hàng, đáp ứng thời gian giao hàng.

Theo đại diện BW, trong thời gian tới đơn vị này sẽ tiếp tục mở rộng mảng dịch vụ kho bãi, hậu cần dành riêng cho nhóm thương mại điện tử. “Xây dựng các trung tâm dành cho thương mại điện tử và bán lẻ tiếp tục là trọng tâm của chúng tôi, nhằm tối đa hóa hiệu ứng thị trường”, ông Lance Li, Tổng giám đốc BW cho biết.

Sau khi Khu Công nghiệp Tân Phú Trung đã được lấp đầy, ông Lance đặt kỳ vọng trong thời gian tới khách thuê sẽ tìm kiếm mặt bằng tại Khu công nghiệp Xuyên Á, cách Tân Phú Trung chưa đầy 10km. Đồng thời, các địa điểm mà các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có thể hướng đến còn là Khu Tân Đông Hiệp B và Sóng Thần, vốn đã có sự hiện diện của nhiều nhà cung cấp dịch vụ Logistics như 3PL Nhất Tín, Lazada Express hay Germadept,…

Nhìn chung, các khu công nghiệp này nằm trong bán kính 20km đến khu trung tâm của TPHCM, địa phương tiếp tục giữ vững xếp hạng số 1 về chỉ số thương mại điện tử trong năm 2022, theo thống kê của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).

Phát biểu tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp mới đây, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, đánh giá một trong những xu hướng được quan tâm là sự phát triển theo “cấp số nhân” của thương mại điện tử.

“Sự gia tăng đột biến của hình thái giao thương hiện đại này trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về bất động sản kho bãi, dịch vụ logistics”, lãnh đạo Bộ KHĐT cho biết.

Theo số liệu của VECOM, trong năm ngoái ước lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng trên 20% (cao hơn 15% năm trước đó) và đạt quy mô trên 16 tỉ đô la Mỹ. Con số này được cho là vẫn khiêm tốn so với quy mô ngành bán lẻ, và ước sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Trước đó, theo ước tính trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế internet của Việt Nam trong năm 2021 tăng trưởng 31%, trong đó lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tăng trưởng đến 53% và đạt quy mô khoảng 13 tỉ đô la.

Xu hướng giao thương trên nền tảng thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng lên, không chỉ đến từ các sàn thương mại điện tử mà còn cả qua các mạng xã hội hay nền tảng internet khác. Doanh thu bán hàng trực tuyến tăng cao cũng đồng thời tạo áp lực lên hệ thống hậu cần, chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, bao gồm cả nhà xưởng, nhà kho.

Cơ hội cho các nhà đầu tư dịch vụ logistics vì thế đang trở nên rõ ràng hơn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức liên quan về giá đất đang tăng nhanh, quỹ đất hạn hẹp, nguồn vốn và cả cơ sở hạ tầng còn nhiều điểm nghẽn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới