Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tỉ phú Nga và Trung Quốc vắng bóng ở Diễn đàn Kinh tế thế giới

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Có khoảng 116 tỉ phú đăng ký tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 53 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, diễn ra từ ngày 16-1. Một trong những điểm đáng chú ý, đó là sự vắng bóng các tỉ phú Nga, những người luôn có mặt tại các kỳ WEF trước. Các tỉ phú Trung Quốc cũng không xuất hiện khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chống chọi đại dịch Covid-19. Thay vào đó, số lượng tỉ phú từ khu vực vùng Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ lại tăng lên đáng kể.

Không có tỉ phú Nga và Trung Quốc trong khoảng 116 tỉ tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 53 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AP

Sau hai năm gián đoạn do đại dịch Covid, hội nghị thượng đỉnh thường niên của WEF đã trở lại trong khung cảnh núi Alps lạnh giá ở Davos, kéo dài từ ngày 16 đến ngày 20-1. Tại hội nghị, giới tinh hoa chính trị và kinh doanh trên thế giới sẽ thúc đẩy “sự hợp tác trong một thế giới bị chia cắt”, với chiến tranh ở Ukraine, khủng hoảng khí hậu và căng thẳng thương mại toàn cầu là những chủ đề chính trong chương trình nghị sự.

Tham dự hội nghị, có khoảng gần 400 lãnh đạo và bộ trưởng của các chính phủ và các nhà hoạch chính sách cùng 600 giám đốc điều hành cùng giới tỉ phú và người nổi tiếng.

Nhưng thành phần của danh sách khách mời tỉ phú trong năm nay có sự thay đổi lớn, cho thấy sự biến động toàn cầu đang định hình lại dòng chảy của cải và thay đổi các trung tâm quyền lực trong bối cảnh chiến tranh, dịch bệnh và lạm phát trỗi dậy

Cuộc chiến ở Ukraine và việc Moscow bị phương Tây tẩy chay trên thực tế đã khiến các nhà tài phiệt Nga bị loại bỏ khỏi danh sách khách mời của hội nghị.

Có khoảng 116 tỉ phú đăng ký tham dự sự kiện năm nay, tăng 40% so với một thập niên trước. Ngoài sự vắng mặt của các tỉ phú Nga, không có tỉ phú nào đến từ Trung Quốc trong sự kiện năm nay khi nước này vẫn quay cuồng ứng phó với số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến và thị trường chứng khoán lao dốc đã làm vơi 224 tỉ đô la giá trị tài sản của những người giàu nhất nước này vào năm 2022.

Giúp lấp đầy khoảng trống là sự gia tăng số lượng tỉ phú đến từ vùng Vịnh Ba Tư, một khu vực đang có tự tin mới nhờ giá dầu tăng mạnh và có danh tiếng là nơi tương đối ổn định trong một khu vực bất ổn.

Ấn Độ, nước luôn có sự hiện diện lớn ở Davos trong những năm trước, có 13 tỉ phú tham dự, bao gồm tỉ phú công nghiệp Gautam Adani, người có tổng giá trị tài sản tăng 44 tỉ đô la vào năm ngoái. Adani hiện là người giàu thứ tư trên thế giới, theo Chỉ số tỉ phú Bloomberg.

Các tỉ phú Mỹ, như thường lệ, là nhóm lớn nhất dự hội nghị thường niên của WEF, với 33 tỉ phú tham dự, bao gồm lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ khổng lồ đã bỏ qua sự kiện này vào năm ngoái. Phố Wall sẽ có nhiều đại diện hơn, bao gồm Jamie Dimo. Giám đốc điều hành Ngân hàng JPMorgan; Larry Fink, Giám đốc điều hành BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới và Steve Schwarzman, Chủ tịch tập đoàn đầu tư Blackstone nằm trong danh sách khách mời.

Mặc dù sự kiện WEF nằm sát khu nghỉ mát trượt tuyết của Thụy Sĩ, nhưng chỉ có 18 tỉ phú châu Âu đăng ký tham gia. Những tỉ phú của Anh, nền kinh tế đang đối mặt suy thoái, tham dự hội nghị thực ra là người gốc Ấn Độ. Đó là Lakshmi Mittal, Chủ tịch của ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có trụ sở tại London và các con của ông.

Tổng số tỉ phú tham dự sự kiện WEF năm nay sẽ cao hơn nếu các thị trường chứng khoán không sụt giảm thê thảm trong năm qua. Ví dụ, Gong Yingying, người sáng lập nền tảng dữ liệu y tế Yidu Tech (Trung Quốc), đã kiếm được khối tài sản trị giá hàng tỉ đô la nhờ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 năm 2021. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Yidu Tech giảm 90% kể từ đó.

Trong nửa thế kỷ, WEF tập hợp các giám đốc điều hành và nhà hoạch định chính sách để ca ngợi toàn cầu hóa, nhưng bức tranh thương mại hiện nay đã khác.

Đại dịch Covid-19, căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và cuộc xung đột Nga-Ukraine của Nga đã khiến một số nhà chính trị và chuyên gia thậm chí tiên đoán về sự kết thúc của kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Chương trình nghị sự cho hội nghị thường niên của WEF trong năm sẽ phản ánh thực tế u ám này. Một trong những phiên thảo luận tại hội nghị sẽ tập trung vào vấn đề “đảo ngược toàn cầu hóa hay tái toàn cầu hóa”

Borge Brende, cựu ngoại trưởng Na Uy, hiện là Chủ tịch WEF, nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc họp thường niên lần thứ 53 của chúng ta tại Davos sẽ diễn ra trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất trong nhiều thập niên. Rất nhiều thứ đang bị đe dọa”.

Theo Bloomberg, AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới