(KTSG) - CBDC là tên chính thức loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương các nước phát hành (viết tắt cụm từ Central Bank Digital Currency) nhưng trong bài này, người viết đề nghị chúng ta gọi là “tiền số quốc gia” cho gọn. Nhắc đến CBDC ngay lập tức một loạt câu hỏi nổi lên: chúng khác gì tiền điện tử hiện nằm trong tài khoản ngân hàng của nhiều người hay các loại ví tiền điện tử như Momo, ShopeePay, ZaloPay; chúng khác gì với tiền mã hóa như bitcoin...
Và câu hỏi lớn nhất vẫn là vì sao các nước tìm cách phát hành CBDC thay vì hoàn thiện các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang phát triển rất nhanh, rất rộng.
Nhiều loại tiền số
CBDC thực chất đã tồn tại cả mấy chục năm nay rồi; nó là phiên bản điện tử của đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương các nước phát hành. Tiền pháp định của ngân hàng trung ương có hai dạng: tiền mặt, tức tiền giấy hay tiền xu chủ yếu cho người dân sử dụng trong các giao dịch thường ngày với nhau (không phải CBDC) và tiền điện tử ghi có trên tài khoản dự trữ của các ngân hàng thương mại mở ở ngân hàng trung ương (một dạng CBDC). Nói CBDC đã tồn tại mấy chục năm nay là nói đến loại tiền điện tử trên các tài khoản dự trữ này mà các ngân hàng thương mại dùng để giao dịch với ngân hàng trung ương và giao dịch với nhau, không liên quan đến người dân bình thường.
Nay cái CBDC các nước đang bàn là CBDC sẽ phát hành rộng rãi cho dân chúng. Lúc đó tiền số quốc gia người dân có trong ví là khoản nợ ngân hàng trung ương ghi nhận với người dân, chẳng khác gì tờ giấy bạc là khoản nợ ngân hàng trung ương cam kết sẽ chi trả cho người nắm giữ nếu họ có yêu cầu.
Thế còn nó khác tiền điện tử nằm trong tài khoản ngân hàng, có thể dễ dàng chuyển đi hay dùng để thanh toán chỉ bằng vài nút bấm?
Khác với suy nghĩ thông thường, tổ chức có năng lực “in tiền”, tức tạo ra tiền để phát hành vào nền kinh tế không chỉ là ngân hàng nhà nước mà còn là các ngân hàng thương mại. Ngân hàng nhà nước in các tờ giấy bạc hay đúc các đồng tiền xu để phát hành thì đã rõ. Một ngân hàng thương mại khi cho một doanh nghiệp nào đó vay, tức họ ghi có vào tài khoản của doanh nghiệp này một khoản tiền - quá trình này ngân hàng thương mại đã “in” ra đúng khoản tiền đó cho nền kinh tế.
Đó chính là cách hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện đại chứ không phải như suy nghĩ phổ thông rằng ngân hàng huy động vốn rồi dùng vốn đó cho vay hưởng chênh lệch lãi huy động và lãi vay. Dĩ nhiên luật lệ và quy luật cung cầu của thị trường buộc ngân hàng không thể vung tay cho vay vô tội vạ, cũng như phải huy động vốn để thỏa mãn các tỷ lệ bắt buộc.
Như vậy, tiền điện tử ở hình thức như chúng ta đang thấy là nghĩa vụ nợ của ngân hàng thương mại hay tổ chức tài chính nào đó đối với người sở hữu chúng, chứ không phải là nghĩa vụ nợ của ngân hàng trung ương như với tiền mặt. Với người bình thường, tiền gì, là nghĩa vụ nợ của ai họ đâu quan tâm, miễn sao xài tốt là được.
Nhưng thử nghĩ với cuộc cách mạng công nghệ tài chính, các nơi làm các ví tiền điện tử ngày càng mạnh, lấn lướt ngân hàng thương mại, rồi giành luôn chức năng cho vay, tức có khả năng tạo ra tiền, thì lúc đó mức độ kiểm soát của ngân hàng trung ương với hệ thống tài chính sẽ suy giảm, tạo ra những rủi ro họ không nắm được. Càng ít xài tiền mặt, rủi ro này càng cao.
Đó là lý do chính phủ các nước như Trung Quốc siết lại phạm vi hoạt động của công ty tài chính phi ngân hàng như AliPay, đặt ra các ràng buộc nghiêm nhặt cho các hoạt động như cho vay ngang hàng, dè chừng các đồng stablecoin... Biện pháp phải tính đến là tạo ra đồng tiền số quốc gia để dập tắt từ trứng nước các loại tiền số tư nhân như Diem (tên cũ Libra) của Facebook hay hàng loạt stablecoin khác.
CBDC và tiền mã hóa
Có nhiều khác biệt giữa CBDC và tiền mã hóa nhưng điểm khác nhau căn bản là tiền mã hóa nhấn mạnh đến tính chất phi tập trung, không ai kiểm soát, ai cũng có quyền ngang nhau trong khi CBDC vẫn duy trì tính tập trung trong đó ngân hàng nhà nước là chủ thể chính. Tiền mã hóa dùng công nghệ blockchain để vận hành, còn CBDC có dùng blockchain hay không là một chọn lựa mang tính kỹ thuật.
Những người đề xuất CBDC chạy trên nền tảng blockchain là để tạo tính minh bạch, tính bền vững. Những người khác nói CBDC cứ chạy trên nền tảng một cơ sở dữ liệu tập trung cho đơn giản, như bao nhiêu hệ thống ngân hàng điện tử hiện nay. Lại có đề xuất cứ xây dựng một hệ thống tập trung truyền thống cho CBDC nhưng tích hợp các đặc điểm nổi bật của blockchain như dữ liệu không thể xóa, hợp đồng thông minh...
Với CBDC còn hai khía cạnh kỹ thuật nữa. Đó là ngân hàng trung ương nên phát hành nó trực tiếp đến tay người sử dụng hay qua trung gian hệ thống các ngân hàng thương mại. Khía cạnh thứ nhì là thiết kế CBDC ở dạng như tiền mặt (token-based) hay dạng tài khoản (account-based). Ở dạng đầu mỗi CBDC sẽ có một mệnh giá, dùng như tiền mặt trong khi ở dạng sau, giao dịch được tiến hành như với thẻ tín dụng, ngân hàng trung ương sẽ đứng ra làm vai trò xác minh trung gian như nơi phát hành thẻ.
Như vậy, cùng lúc với một xã hội không dùng tiền mặt, nhu cầu cần có một đồng tiền số quốc gia nằm trong sự quản lý của ngân hàng trung ương ngày càng trở nên cấp bách. Bằng không sự kiểm soát hệ thống tiền tệ cũng như dữ liệu người dùng sẽ rơi vào tay các đại gia công nghệ - tài chính đa quốc gia. Các lợi ích khác như chi phí phát hành rẻ hơn in tiền giấy, tránh được nạn tiền giả, chấm dứt nạn rửa tiền, theo dõi dấu vết đồng tiền của khủng bố hay tội phạm... có lẽ là thứ yếu.