Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiếp thị liên kết trước những thách thức về pháp lý

Ngân Trần(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tiếp thị liên kết đang là một kênh truyền thông và bán hàng hiệu quả của doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp và nhà tiếp thị liên kết nên nắm rõ các quy định của pháp luật cơ bản về phương pháp này để hạn chế các rủi ro khi thực hiện.

Ảnh được tạo bởi AI.

William J. Tobin, người sáng lập PC Flowers & Gifts, là cha đẻ của tiếp thị liên kết trên Internet. Ông đã áp dụng mô hình trả phí hoa hồng với mỗi lần mua hàng đầu tiên vào hoạt động kinh doanh trên mạng Prodigy. Mô hình này cho phép các nhà tiếp thị kiếm tiền bằng cách giới thiệu khách hàng đến các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp khác(1). Với sự thành công của mô hình này, Amazon cũng đã sử dụng lần đầu vào năm 1996 cho đến hiện tại(2).

Tiếp thị liên kết tại Việt Nam – chỉ mới bắt đầu

Việt Nam hình thức này chỉ thực sự “đổ bộ” từ năm 2015. Theo Sách trắng thương mại điện tử, ước tính số lượng người Việt Nam dùng phương thức mua sắm trực tuyến năm 2022 đạt 57-60 triệu người, trong đó giá trị mua sắm trực tuyến trên đầu người vào khoảng 260-285 đô la Mỹ (khoảng 6,1-6,6 triệu đồng)(3). Điều này kéo theo hành vi tiêu dùng và mua sắm ưu tiên sự nhanh chóng và tiện lợi trên không gian mạng phát triển.

Các doanh nghiệp muốn gia tăng lợi nhuận, mở rộng thị trường dường như khó cưỡng lại làn sóng này. Dấu hiệu dễ nhận biết là việc tiếp thị liên kết, dù chỉ mới phát triển tại Việt Nam, không chỉ dừng lại ở các ngành hàng tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Shopee, Lazada, Tiki mà còn lan rộng các ngành khác như tài chính, dịch vụ, du lịch, hay viễn thông…

Các bên liên quan trong tiếp thị liên kết gồm: (1) Advertiser – doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ muốn bán hàng hoặc quảng bá thương hiệu, hay còn gọi là nhà cung cấp. (2) Publisher – nhà tiếp thị, có thể là cá nhân hoặc tổ chức, có khả năng bán hàng. (3) Affiliate network – mạng lưới tiếp thị liên kết, có vai trò trung gian kết nối nhà cung cấp và nhà tiếp thị, cung cấp các nền tảng kỹ thuật cho hoạt động quảng bá, đồng thời giải quyết các tranh chấp liên quan, thu tiền và thanh toán hoa hồng. (4) Customer – người mua sản phẩm/dịch vụ khi hoạt động trên không gian mạng(4).

Nếu bạn (publisher) giới thiệu ai đó (customer) mua sản phẩm X của công ty Y (advertiser) bằng link tiếp thị từ affiliate network thông qua nội dung chia sẻ trên trang blog hay kênh YouTube của mình, bạn sẽ nhận được hoa hồng từ việc này. Đây là ví dụ điển hình của tiếp thị liên kết.

Tiếp thị liên kết: phương pháp nhiệm màu cho doanh nghiệp?

Theo báo cáo chuyên sâu của Accesstrade(5), “Vietnam Affiliate Report 2022” trong năm 2022, quy mô thị trường tiếp thị liên kết tại Việt Nam ước tính đạt khoảng 800 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 45%. Dự kiến đạt hơn 1.200 tỉ đồng trong năm 2023(6).

Tiếp thị liên kết được xem là hình thức tiếp thị hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng với chi phí thấp bởi chỉ cần trả tiền hoa hồng khi hàng được bán, hay mục tiêu quảng cáo đạt được (lượt tiếp cận). Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, nó cũng tiềm ẩn những rủi ro, như việc nhà tiếp thị lợi dụng tiếp thị liên kết để spam, đưa thông tin sai sự thật, đạo văn, lừa dối khách hàng hay bán hàng giả, hàng nhái… Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ thương hiệu các doanh nghiệp (advertiser), mà cả các nhà tiếp thị (publisher) làm việc chân chính. Để hạn chế tình trạng trên, các doanh nghiệp và nhà tiếp thị nên cân nhắc trang bị các kiến thức pháp lý cơ bản về vấn đề này.

Đầu tiên về phía doanh nghiệp, là bên có nhu cầu quảng cáo để bán sản phẩm hay dịch vụ, do đó bên cạnh các luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động kinh doanh, như Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Không gian mạng (nếu có hoạt động trên không gian mạng…), ở mức độ cơ bản nhất liên quan đến tiếp thị liên kết (trong phạm vi của bài viết này) doanh nghiệp nên tuân thủ Luật Quảng cáo 2012.

Ví dụ một số nghĩa vụ như việc doanh nghiệp cần cung cấp cho nhà tiếp thị thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về công ty, sản phẩm, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin đó; Bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo; Hay doanh nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình khi trực tiếp thực hiện; liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện…(7)

Đối với nhà tiếp thị, bản chất hành vi tiếp thị liên kết là hoạt động quảng cáo để bán hàng, quyền lợi nào thì cũng gắn với các trách nhiệm nhất định, nhất là các hoạt động trên không gian mạng. Do đó, nhà tiếp thị cũng nên hiểu những quy định cơ bản về thông tin sản phẩm tiếp thị, chẳng hạn “những sản phẩm, dịch vụ cấm quảng cáo” như thuốc lá, rượu có cồn từ 15 độ trở lên; Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; Thiết bị, trang phục quân đội, lực lượng thi hành pháp luật và chính phủ…(8) sẽ giúp nhà tiếp thị không tiếp tay cho vi phạm của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc hiểu rõ về “những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo” như tùy tiện sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của người khác khi chưa được cá nhân đó đồng ý; sử dụng hình ảnh nội dung vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh…(9) sẽ đảm bảo cho các nhà tiếp thị kiểm soát và có trách nhiệm trong hoạt động của mình.

Có thể nói, minh bạch hóa thông tin là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của tiếp thị liên kết. Ở khía cạnh doanh nghiệp là việc cung cấp thông tin đầu vào, về phía nhà tiếp thị là việc kiểm soát thông tin đầu ra. Việc nhà tiếp thị xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau như sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng, mẹ bỉm sữa, những người nổi tiếng… sẽ không dễ để họ hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan.

Do đó, các doanh nghiệp nếu dự định sử dụng tiếp thị liên kết lâu dài trong việc bán hàng, quảng bá thương hiệu, có thể cân nhắc chủ động làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin minh bạch cho các nhà tiếp thị về thông tin sản phẩm/dịch vụ, thông tin hướng dẫn, hay các cảnh báo, để đào tạo họ một cách gián tiếp thông qua môi trường mạng. Ví dụ, Shopee và Tiki đều có các trang thông tin ghi rõ các điều khoản và điều kiện hợp tác chương trình tiếp thị liên kết. Shopee còn có trang thông tin ghi rõ danh sách các hành vi spam link tiếp thị liên kết dành cho người bán hàng và những điều cần lưu ý.

Khi thông tin quảng cáo đầu vào và ra được đảm bảo, cùng chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh cùng nhà tiếp thị. Đây cũng là mối quan hệ “win-win” mà tiếp thị liên kết mong muốn tạo ra.

(*) CEO, Maygust Trademark Attorneys, công ty đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế.

(1) https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/affiliate-marketing-va-tiem-nang-ung-dung-tai-viet-nam-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghe-40-86548.htm

(2) https://www.advertisepurple.com/a-brief-history-of-affiliate-marketing/

(3) https://trungtamwto.vn/file/21930/bctmdt2022-final-pdf_08c88.pdf

(4) https://accesstrade.vn/advertiser-la-gi/

(5) Nền tảng tiếp thị liên kết, hiện đang kết nối hơn 1000 doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá sản phẩm (gọi là Advertiser) và mạng lưới gần 2.000.000 Publisher (người làm tiếp thị).

(6) Vietnam Affiliate Report 2022, link download: https://accesstrade.vn/phat-hanh-vietnam-affiliate-report-2022/

(7) Khoản 2, điều 12

(8) Điều 7, Luật Quảng cáo 2012.

(9) Điều 8, Luật Quảng cáo 2012.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới