(KTSG Online) - TikTok, nền tảng chia sẻ video ngắn trực thuộc hãng công nghệ ByteDance của Trung Quốc đang đối diện thách thức tưởng mới mà cũ trước dự luật mới của Hạ viện Mỹ. Đó là quyền được tiếp tục hiện diện hợp pháp tại thị trường Mỹ mà TikTok và tập đoàn mẹ đã cố gắng cầm cự, lèo lái từ bốn năm trước.
- TikTok đầu tư 1,5 tỉ đô la vào nền tảng thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia
- TikTok xoay xở cứu vãn mảng thương mại điện tử ở Indonesia
- TikTok phải khắc phục hàng loạt vi phạm tại Việt Nam
Hạ viện sẽ biểu quyết tuần tới
Được đệ trình hôm 5-3, dự luật “Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát” được sự đồng thuận của Dân chủ và Cộng hòa. Dự luật này kêu gọi cấm TikTok và bất kỳ “ứng dụng tương tự” nào do ByteDance phát triển trừ khi tập đoàn công nghệ Trung Quốc thoái vốn cổ phần trong các ứng dụng này.
Ngay lập tức, TikTok đã gửi thông báo đến 170 triệu người dùng ở Mỹ, kêu gọi họ liên lạc ngay với dân biểu địa phương để cản trở “lệnh cấm hoàn toàn” đối với nền tảng này.
Hôm 7-3, Ủy ban Thương mại và năng lượng (HECC) thuộc Hạ viện đã tổ chức phiên điều trần, với lý do chính về “mối đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp của TikTok”. Tại phiên điều trần, Chủ tịch HECC Cathy McMorris Rodgers gọi thông điệp của TikTok gửi tới người dùng là nỗ lực nhằm “thao túng người dân Mỹ”. HECC đã nhanh chóng thông qua dự luật. Theo Reuters, kết quả bỏ phiếu là tuyệt đối với 50 phiếu thuận và không có phiếu phản đối nào.
TikTok sẽ bị cấm hoàn toàn ở Mỹ trừ phi TikTok cắt đứt quan hệ với công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc trong vòng sáu tháng tới.
Nếu việc thoái vốn không kịp thực hiện trong vòng 180 ngày sau khi dự luật được ban hành, TikTok và các ứng dụng của ByteDance như Lemon8 và CapCut sẽ bị xóa tên trên tất cả các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ.
Lãnh đạo đa số Hạ viện Steve Scalise cho biết tuần tới Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật này. Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Thượng viện và sau đó Tổng thống Joe Biden ký chuẩn thuận thành luật. Hiện Nhà Trắng đã ra tín hiệu ủng hộ dự luật.
“Đạo luật này có một kết quả được định trước là lệnh cấm hoàn toàn TikTok ở Mỹ. Chính phủ đang cố gắng tước bỏ quyền tự do ngôn luận được hiến pháp mặc định của 170 triệu người Mỹ. Điều này sẽ gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, xóa sổ cộng đồng người xem của các nghệ sỹ và phá hủy sinh kế của giới sáng tạo nội dung khắp đất nước”, TikTok ra thông cáo hôm 7-3.
Không phải ai cũng hoàn toàn ủng hộ dự luật.
Jenna Leventoff, cố vấn chính sách cấp cao tại Liên minh Tự do Dân sự Mỹ, nói là “vô cùng thất vọng” và kêu gọi các nhà lập pháp bỏ phiếu “không” đối với dự luật mà bà cho là “vi hiến”.
TikTok xoay xở ra sao?
Năm ngoái, CEO Shou Zi Chew và các lãnh đạo cấp cao của TikTok đã trải qua nhiều phen căng thẳng trên các diễn đàn của Quốc hội Mỹ với các cuộc truy hỏi về chuyển giao dữ liệu người dùng cho chính quyền Bắc Kinh. Bên cạnh đó là động thái biệt phái nhân sự từ trụ sở của ByteDance sang văn phòng TikTok tại Mỹ và đến văn phòng chính Lemon8 ở Singapore… trong hai năm qua.
Nhưng thật ra, TikTok đã cảm nhận được sức ép của Mỹ từ lâu, trước khi Ấn Độ cấm hoàn toàn TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc tại thị trường này năm 2020.
Cùng năm này, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành hai sắc lệnh hành pháp quan trọng. Sắc lệnh đầu cấm TikTok tại Mỹ nhưng bị thẩm phán liên bang chặn lại và sau đó bị Tổng thống Joe Biden ra sắc lệnh thu hồi năm 2021. Sắc lệnh thứ hai yêu cầu ByteDance thoái vốn ở Mỹ và xóa tất cả dữ liệu người dùng ở thị trường này. Sắc lệnh này vẫn còn hiệu lực và nội các chính quyền Biden hiện đang đàm phán về khả năng cho phép ứng dụng này tiếp tục hoạt động ở Mỹ dưới sự giám sát chặt chẽ hơn trước về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư.
Dường như, ByteDance đã chuẩn bị sớm, đấu tranh để thay đổi "số phận" của mình tại thị trường Mỹ. Năm 2019, ứng dụng này đã thuê 30 nhà vận động hành lang để chống lại ý định cấm TikTok của ông Trump, chi phí khiêm tốn với hơn 200.000 đô la. Sang năm 2020, ByteDance thuê 47 chuyên gia lobby với tổng chi phí là 2,61 triệu đô la, gấp 10 lần chi phí của năm trước đó.
Trong hai năm 2021-2022, theo CNBC, chi phí lobby Washington mỗi năm của tập đoàn công nghệ Trung Quốc tăng hơn gấp đôi con số của 2020. Các số liệu của Nikkei tổng hợp đến ngày 31-1-2024 cho thấy, ByteDance chi 7,4 triệu đô la trong năm 2023, tăng 77%. Để so sánh, Nikkei nói Apple chi 9,9 triệu đô la cho lobby trong năm ngoái.
Dĩ nhiên, TikTok sẽ dễ dàng chịu “bó càng” trước dự luật mà Hạ viện Mỹ sẽ biểu quyết vào tuần tới. “Đường dài mới biết ngựa hay”. TikTok đã bám trụ vững vàng và tăng trưởng gần gấp đôi lượng người dùng trong suốt bốn năm qua. Điều này chứng tỏ kế hoạch kinh doanh vững chãi, cứng rắn của lãnh đạo TikTok và Byte Dance.
Hiện bộ đôi TikTok và ByteDance đang chạy nước rút trước ngày Hạ viện biểu quyết. Khả năng đảo ngược có thể xảy ra, bởi cả hai đã có ít nhất năm năm vận động hành lang tại Mỹ và hầu bao luôn mở rộng, đặc biệt là vào năm bầu cử tổng thống, như con số năm 2020 đã chứng tỏ.