Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tìm ẩn số của bài toán thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Những yêu cầu về đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng lực cạnh tranh đang là thách thức lớn với hầu hết doanh nghiệp. Bên cạnh kinh phí đầu tư lớn thì nguồn nhân sự có năng lực đáp ứng quá trình chuyển đổi cũng là những "bài toán" hóc búa đối với nhà sản xuất, kinh doanh.

Những thông tin trên được các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp nêu ra tại ghi nhận tại Diễn đàn Cách tân công nghiệp (Industry Innovation Forum 2022) do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức chiều ngày 20-9.

Với chủ đề "Sản xuất thông minh", diễn đàn quy tụ khoảng 200 doanh nghiệp, tập đoàn, hiệp hội tham gia thảo luận, kết nối về đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp là hành trình và cũng là đích đến của các doanh nghiệp trong nước. Ảnh minh họa: Website Thaco

Khó về tài chính, yếu về nhân sự

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp bày tỏ tầm quan trọng của công nghệ tự động và việc chuyển đổi số trong sản xuất nhưng khi triển khai gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính và các rào cản khác.

Phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa than chưa thể đầu tư vào công nghệ hoặc chuyển đổi số một cách quy chuẩn vì chi phí quá cao nhưng không rõ hiệu quả mang lại như thế nào.

Trong khi đó, có doanh nghiệp chia sẻ là cũng đã đầu tư vào hệ thống chuyển đổi số trong dây chuyền sản xuất và mỗi năm chi phí duy trì hơn 10%. Kết quả cho thấy việc thu thập dữ liệu khá tốt nhưng do thiếu nhân sự vận hành vì không đủ tiền để thuê nhân sự do hụt nguồn thu.

Thiếu thông tin, kỹ năng khiến khả năng cạnh tranh, năng suất thấp mà doanh nghiệp trong nước hiện nay đang đối mặt. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải cách tân trong hoạt động công nghiệp và cần có mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững.

Tại sự kiện, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư U&I, cũng cho rằng muốn đưa doanh nghiệp vào mắc xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu cần phải sản xuất thông minh, cách tân công nghiệp. "Chuyển đổi số hay hay xây dựng năng lực số không phải là trào lưu nữa mà là điều buộc phải làm đối với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh", ông Tín chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Tín, văn hóa của tổ chức doanh nghiệp và nhân lực đủ khả năng cho cuộc chuyển đổi nêu trên là vấn đề quan trọng, kể cả ở các doanh nghiệp tư vấn. Chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam cho chuyển đổi số còn rất thấp. Cần phát triển sản xuất thông minh, từ đó mới có cơ may trong cuộc so kè với các "ông lớn" trên thế giới.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho rằng việc thúc đẩy sự cách tân trong công nghiệp tại Việt Nam để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp là điều cần thiết với tình hình hiện nay.

"Không chỉ riêng Việt Nam, việc đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn các doanh nghiệp trên thế giới", ông Thi nói, và lưu ý: "Chúng ta có thể nhập khẩu công nghệ nhưng không thể nhập khẩu đổi mới sáng tạo".

Không chỉ là xu hướng mà là yêu cầu từ thực tế

Tại sự kiện “Người trong cuộc” là đại diện các tập đoàn lớn cũng đã chia sẻ về việc chuyển đổi số và sản xuất thông minh mang lại năng suất và hiệu quả cao để duy trì vị thế đi đầu và xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) chia sẻ ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Lê Hoàng

Là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco), cho rằng ứng dụng công nghệ trong sản xuất là xu hướng tất yếu tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Đáp ứng xu thế này, Thaco đã sớm đầu tư một số nhà máy thông minh ở Thaco Chu Lai (Quảng Nam) mang lại hiệu suất cao. Ông Tài lấy đơn cử nhà máy nhíp ô tô (thuộc Thaco Industries) thực hiện đổi mới công nghệ, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, tiến tới xây dựng mô hình nhà máy thông minh.

"Việc đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến cùng máy móc thiết bị tự động đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm", ông Tài nói và cho biết năng suất tại nhà máy này tăng 25-85%, giá thành giảm khoảng 20%. Nhờ đó, nhíp ô tô của nhà máy này được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Úc, Đức và các nước ASEAN; là sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao trong nhóm linh kiện phụ tùng.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp, ông Tài cho rằng, hệ thống quy định, quy trình phải được cải tiến thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi của xu hướng mới về công nghệ và quản trị. Hạ tầng công nghệ thông tin phải được quy hoạch bài bản, có lộ trình đầu tư phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số cần nắm vững chuyên môn và quản trị, phải được đào tạo bài bản các kiến thức về số hóa và khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.

Với kết quả mang lại như đại diện Thaco đưa ra, tại sự kiện đa số doanh nghiệp đều tâm đắc và thừa nhận chuyển đổi công nghệ trong bài toán sản xuất là quan trọng, cần thiết để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực. Tuy nhiên, những điều này dường như là còn quá xa với các doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc với các doanh nghiệp mà người đứng đầu chưa có sự quyết tâm cao để chuyển đổi.

Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch và CEO Công ty Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (IBP), việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, chỉ một số ít các doanh nghiệp tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích thiết thực, bền vững cho khách hàng, người lao động, xã hội và môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới