Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách tiếp cận thực tiễn để phân phối hàng Việt Nam tại nước ngoài

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đưa hàng Việt Nam ra thị trường lớn trên thế giới là hoạt động cần được thúc đẩy thường xuyên, do đó tại mỗi thị trường nước ngoài, các cơ quan đại diện, thương vụ và các doanh nghiệp đều phải tính toán phù hợp, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Tết Nguyên đán 2022, ngày 20-1, tập đoàn bán lẻ Carrefour (Pháp) đã giới thiệu Tết Việt Nam trên chuỗi các đại siêu thị của tập đoàn tại Pháp, nhằm quảng bá tới đông đảo người tiêu dùng Pháp về văn hóa Tết và ẩm thực Việt Nam. Sự kiện được tổ chức tại đại siêu thị Carrefour Ormesson, cách trung tâm thủ đô Paris 30 km.

Hàng Việt đã được giới thiệu tại siêu thị Carrefour để mở rộng kênh tiếp thị, phân phối. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Pháp

Phát biểu tại sự kiện này, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng với bàn đạp là hiệp định EVFTA và điểm tựa là các siêu thị, chuỗi phân phối bán lẻ như Carrefour, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tiếp cận diện rộng tới phân khúc khách hàng phổ thông tại Pháp.

Carrefour có hơn 3400 siêu thị trong hệ thống tại nhiều quốc gia, đặc biệt trong đó là 216 đại siêu thị trên toàn nước Pháp. Lợi ích đối với các doanh nghiệp Việt Nam là rất rõ ràng khi có cơ hội tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng Pháp khi thâm nhập được hệ thống phân phối đại siêu thị là phân khúc thị trường đại trà, số lượng lớn với những yêu cầu chặt chẽ và khó khăn nhất.

Tuy nhiên, để thành công bắt buộc doanh nghiệp phải có cách tiếp cận chuyên nghiệp và chiến lược dài hạn. Không chỉ đơn thuần tập trung vào hoạt động mua và bán như đa số các doanh nghiệp đang làm hiện nay.

Theo ông Vũ Anh Sơn, Trưởng thương vụ Việt Nam tại Pháp, đối với đối tác là các tập đoàn phân phối lớn chưa có chính sách phát triển tại Việt Nam, Thương vụ đã áp dụng cách tiếp cận thực tiễn, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Mô hình hợp tác ba bên gồm Thương vụ – nhà nhập khẩu và nhà phân phối bán lẻ.

Về cơ hội tiếp cận thị trường Pháp đối với nông sản và thực phẩm Việt Nam, Giám đốc nhà nhập khẩu TTFoods, ông Nhất Thành Khiêm cho biết phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi tham gia thị trường Pháp chủ yếu chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng người Việt Nam và người châu Á tại nơi đó. Đây là điểm yếu, cản trở xây dựng hình ảnh hàng hóa Việt Nam cũng như thâm nhập sâu hơn vào thị trường sở tại. Các doanh nghiệp cần phải tính đến phương án tiếp thị và tuyên truyền phù hợp với người tiêu dùng sở tại khi lên kế hoạch thâm nhập thị trường của mình.

Ông Vũ Anh Sơn cho biết Thương vụ sẽ tiếp tục báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm đẩy mạnh mô hình hợp tác này để mở rộng hợp tác tới các hệ thống phân phối bán lẻ khác tại Pháp, tạo đầu ra nhiều hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam tại Pháp.

Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8-2020, ngoài những lợi ích rõ nét về mặt thuế quan đối với hàng hóa, những cam kết chất lượng cao của Việt Nam trong hiệp định này đã mang lại hình ảnh và uy tín tốt của Việt Nam trong mắt các đối tác quốc tế. Hiện nay, nhiều đối tác là các siêu thị, chuỗi phân phối bán lẻ tại Pháp đã có kế hoạch gia tỷ lệ tăng hàng hóa Việt Nam trong hệ thống phân phối của mình. Đây là một cơ hội tốt để hàng hóa Việt Nam tiếp cận được lượng khách hàng Pháp đầy tiềm năng và thâm nhập thị trường châu Âu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới