Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tim Cook và triều đại mới của “vương quốc” Apple

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tim Cook và triều đại mới của “vương quốc” Apple

Hoàng Xuân Phương

Tim Cook và triều đại mới của “vương quốc” Apple
Tim Cook thể hiện tầm nhìn dưới thời Steve Jobs huyền thoại.

(TBVTSG) - Giới chuyên gia công nghệ nhận định rằng thời kỳ mà Apple thu lợi nhuận khổng lồ từ việc bao trọn mọi khâu từ sản xuất đến phân phối nhằm tạo lập một vương quốc khép kín dường như đang qua đi dưới “triều đại” của vị Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook. Người ta bắt đầu nhận ra hình ảnh một Apple hòa nhập vì sự phát triển bền vững vào cộng đồng công nghệ thế giới bằng cách san sẻ công việc và thu lợi từ chủ trương cấp giấy phép sử dụng các bằng sáng chế. Tháng 3 năm nay, trong một động thái được coi là nhằm thoát ra ngoài cái bóng của nhà quản lý huyền thoại Steve Jobs, vị tân CEO đã san sẻ ngay chính núi tiền khổng lồ của tập đoàn cho các cổ đông và mua lại cổ phiếu từ các nhà công nghệ khác.

Người ta nói Tim Cook gặp may trong cả ba lần tạm nắm quyền điều hành tập đoàn Apple thay cho Steve Jobs đi nghỉ trị bệnh, lần thứ nhất trong năm 2004, lần hai năm 2009 và lần ba vào đầu năm 2011 cho đến khi chính thức đảm nhận chức vụ CEO kể từ ngày 24-8-2011. Trong những khoảng thời gian khó khăn đó, Apple không chỉ không hoạt động cầm chừng như nhiều người từng dự đoán mà lại đạt được các thành quả cao hơn. Con người thân thiện, ít nói, kín đáo, siêng năng, có tính kỷ luật cao và rất tự tin đó đã đến với Apple cách đây 14 năm, ngay sau khi Steve Jobs về lại tập đoàn, và trở thành cánh tay phải cho vị chỉ huy huyền thoại, cùng góp sức xây dựng nên văn hóa kinh doanh cho “vương quốc trái táo cắn dở”.

Nhà quản lý tài năng

Trong khi Apple là nơi tập trung những nhà sáng tạo giỏi nhất thế giới thì Tim Cook không phải là một thiên tài sáng tạo nhưng được đánh giá là một nhà quản lý có năng lực. Vốn rất kín tiếng và sống độc thân, Timothy (Tim) D. Cook ít xuất hiện trên các mặt báo. Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu vào ngày 1-9-1960, học trung học tại quê nhà ở thị trấn Robertsdale thuộc bang Alabama (Mỹ), tốt nghiệp Cử nhân Khoa học năm 1982 tại trường Đại học Auburn, nhưng phải đến năm 1988 mới lấy bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Duke tại trường Fuqua School of Business. Người ta nói dưới thời Steve Jobs, Cook đã đứng đằng sau việc tái cơ cấu hệ thống sản xuất và lưu thông phân phối sản phẩm bằng việc dẹp bỏ tất cả các công xưởng sản xuất linh kiện và đặt hàng cho các nhà máy chuyên nghiệp thực hiện từ bên ngoài, nhờ đó tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Với 15 năm kinh nghiệm làm việc tại tập đoàn công nghệ IBM và công ty máy tính Compaq, rồi hơn 14 năm tại Apple trong vị trí người đứng đầu bộ phận máy tính Macintosh trước khi bắt đầu giữ vai trò Giám đốc tác vụ (COO) vào năm 2007, Tim Cook được biết đến qua lời kể của Steve Jobs là người có tầm nhìn cả 10 năm trước về iPod và iPhone. Không chỉ những lần tạm nắm quyền điều hành tập đoàn mà trong vai trò COO đó, Tim Cook đã giữ vai trò chỉ huy toàn cầu dây chuyền cung cấp sản phẩm từ nhà máy đến khách hàng cùng các hoạt động bán hàng, dịch vụ và hỗ trợ của tất cả các thị trường ở các nền kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng việc chọn Tim Cook vào vị trí CEO giữa các tài năng xuất chúng tại Apple không phải là điều gây ngạc nhiên, bởi Apple rất coi trọng khâu quản lý sản phẩm. Apple đã có những sáng tạo công nghệ vượt bậc, vì vậy cần có người để quản lý các sáng tạo đó bằng việc đưa vào kinh doanh đúng lúc và có hiệu quả nhất. Tim Cook từ lâu đã được biết tới như một người có kỷ luật thép trong dây chuyền quản trị hàng hóa. Ông từng nói rằng mỗi sản phẩm của Apple sẽ mất đi từ 1 đến 2% giá trị của nó sau mỗi tuần tồn kho, và những cố gắng nhằm bán sản phẩm ngay khi chúng xuất xưởng đồng nghĩa với việc tiết giảm những khoản chi phí lớn. Trên thực tế, Apple đã vận hành dây chuyền bán hàng một cách hữu hiệu: khi bạn đặt hàng trực tuyến, sản phẩm sẽ được chuyển thẳng từ nhà máy ở Trung Quốc đến nơi mà bạn đăng ký, và trong trường hợp đó là đơn hàng lớn thì Apple sẽ nhanh chóng gởi yêu cầu đến cho nhà sản xuất linh kiện Foxconn.

Hội nhập vì sự phát triển bền vững

Dưới thời Tim Cook, chính sách đối ngoại của Apple với cộng đồng công nghệ đã tỏ ra mềm mỏng hơn, hội nhập nhiều hơn nhằm tạo cho mình một thế phát triển bền vững. Trái với tôn chỉ của Steve Jobs, Apple ngày nay không chủ trương chèn ép các đối thủ cạnh tranh mà tham gia vào việc cùng chia sẻ công nghệ, bao gồm cả việc cấp giấy phép sử dụng các bằng sáng chế của mình. Thay vì kìm hãm sự phát triển các ứng dụng đặc thù của iPhone trên các dòng điện thoại khác, Apple đang tìm cách thương thảo với Samsung và Motorola để cấp giấy phép sử dụng các ứng dụng đó với mức phí trong khoảng 5-15 đô la Mỹ cho mỗi chiếc điện thoại thông minh chạy trên hệ điều hành Android. Samsung là nhà sản xuất điện thoại di động có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2011 với 329,4 triệu chiếc, trong đó dòng điện thoại thông minh Android tăng trưởng đến 311,5% so với năm 2010 và đạt đến con số 94 triệu chiếc bán ra, cao hơn số bán 93,2 triệu chiếc iPhone của Apple.

Tim Cook đang lèo lái tập đoàn theo cung cách riêng của mình, trong khi vẫn nỗ lực gìn giữ truyền thống văn hóa của Apple. Với vị tiền nhiệm Steve Jobs, việc tích lũy tiền bạc làm cho Apple mạnh lên, chủ động được trong mọi hoạt động và thương vụ. Con số 40 tỉ đô la dự trữ lúc bấy giờ là chưa đủ cho những tham vọng của Apple mặc dù gặp không ít chỉ trích từ các tổ chức tài chính. Và những thành quả chiến lược của Steve qua tài năng điều hành của Tim đã đưa ngân quỹ này lên 98 tỉ đô la vào tháng 12-2011. Nguồn dự trữ này tiếp tục tăng nhanh với sự gia tăng doanh số đầu năm 2012, khi mà mọi phân khúc sản phẩm cũng như việc phát hành kiểu máy tính bảng New iPad thành công. Kể từ khi Steve qua đời vào ngày 5-10-2011, giá trị cổ phiếu tiếp tục tăng thêm 50%, đạt mức 600 đô la, và Apple Inc. có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, lên đến 555 tỉ đô la.

Bằng một quyết định dứt khoát, vào tháng 3 năm nay Tim Cook, Giám đốc tài chính Peter Oppeinheimer và ban điều hành tập đoàn lần đầu tiên sau hàng chục năm đã chủ trương chia cổ tức cho các cổ đông thay vì lưu giữ để tái sản xuất. Kể từ tháng 7-2012, mỗi cổ đông sẽ nhận được 2,65 đô la cho mỗi cổ phiếu. Trong khi đó Apple cũng trích 10 tỉ đô la trong ba năm từ ngân quỹ để mua cổ phiếu của các hãng công nghệ khác, và vẫn duy trì mục tiêu đến năm 2015 mức dự trữ tiền mặt của Apple vẫn ở ngưỡng an toàn là khoảng 50 tỉ đô la. Người ta nhận ra dưới tầm nhìn của Tim Cook, việc duy trì tình trạng độc quyền thái quá và cầm giữ núi tiền quá lớn có thể trở thành những quả bom tấn nổ chậm, và việc chia sẻ công nghệ, tài chính có thể tạo nên sự hội nhập và phát triển bền vững cho Apple trong cộng đồng công nghệ toàn cầu.

Xây dựng một “vương quốc” thịnh vượng

Giới chuyên gia thường nói đến sự thịnh vượng của Apple qua việc điểm danh một đội ngũ lãnh đạo có tài năng, có bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm đã được tôi luyện dưới thời Steve Jobs. Kiến trúc sư trưởng Jonathan (Jony) Ive còn đó như một sự bảo đảm cho sự thành công của chiến lược kinh doanh dựa trên sản phẩm, và Eddy Cue được Tim Cook giao thêm quyền hạn để chỉ huy dịch vụ iTunes, giám sát iCloud và theo dõi mảng quảng cáo di động non trẻ iAds. Bộ ba Phil Schiller, Michel Fenger và Michael Tchao hoạt động hết công suất cho việc tiếp thị từng loại sản phẩm đến công chúng.

Trong một cuộc họp kéo dài chỉ 30 phút, khi ban giám đốc nhận ra vấn đề của Apple nằm ở châu Á thì ngay lập tức Sabih Khan, cánh tay phải của Tim Cook lúc đó đang phụ trách mảng notebook, lập tức quay về nhà, thu xếp đồ đạc, ra sân bay quốc tế San Francisco để đến Trung Quốc tổ chức mọi việc. Tháng 3 năm nay, đến lượt Tim Cook đến Trung Quốc để cùng bàn thảo với vị Phó thủ tướng Lý Khắc Cường cùng các quan chức và lãnh đạo nhà máy Foxconn về sự phát triển sắp tới của Apple tại châu Á.

Trong chiến lược kinh doanh, Apple rất coi trọng khâu quản lý sản phẩm, bao gồm toàn bộ dây chuyền sản xuất, lưu thông, phân phối đúng lúc, đúng nơi, đúng người. Trong khi các hãng thiết bị có khuynh hướng giảm giá để thu hút khách hàng thì Apple vẫn phát triển mẫu hàng chất lượng cao kể cả Mac PC, MacBook, iPad, iPhone và vận hành hệ thống phân phối trơn tru nhắm vào phân khúc giá cao và thu lợi lớn. Biểu đồ bán hàng cho từng loại sản phẩm của Apple vẫn tăng trưởng đều đặn và có phần gia tăng đột biến từ sau khi Tim Cook hoàn toàn nắm quyền quyết định.

Kể từ lúc ra đời trong năm 2007, iPhone đến nay đã trải qua năm thế hệ và vẫn luôn đi trước tạo thành tiêu chuẩn mẫu mực cho các dòng điện thoại thông minh khác dù chạy trên hệ điều hành iOS của Apple, Android của Google, hay trên Symbian, BlackBerry, Bada, Windows Phone. 72 triệu chiếc iPhone được bán ra trong năm tài chính 2011 (10-2010 - 9-2011) mang về 47 tỉ đô la, chiếm hơn 40% doanh thu của Apple. Nhưng sự đột biến trong các tháng cuối năm 2011 đã giúp điều chỉnh con số bán ra trong năm 2011 lên 93,2 triệu, chiếm 19% trong tổng số 491,4 triệu chiếc điện thoại thông minh được đưa vào thị trường của năm.

_____________________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Why Tim Cook Is the Best Choice to Run Apple: http://www.wired.com/epicenter/2011/08/why-tim-cook/

- Global Apple iPhone sales from 3rd quarter 2007 to 1st quarter 2012: http://www.statista.com/statistics/12743/worldwide-apple-iphone-sales-since-3rd-quarter-2007/

- Global mobile statistics 2012: http://mobithinking.com/mobile-marketing-tools/latest-mobile-stats

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới