(KTSG) - Mô hình tìm kiếm thông tin trên Internet hiện nay chủ yếu xoay quanh Google; người dùng gõ từ khóa thông tin muốn tìm, bộ máy tìm kiếm của Google chạy hết tốc lực trong chốc lát trả về kết quả là những trang web chứa thông tin muốn tìm kiếm dựa trên nhiều tiêu chí.
Để kinh doanh, Google bán đấu giá các từ khóa này, ai trả giá cao sẽ thắng và trang web của họ sẽ hiển thị đầu tiên trên trang kết quả, thường có ghi rõ “tài trợ”, tức “quảng cáo”; năm ba kết quả có tài trợ xuất hiện rồi mới đến kết quả do tìm kiếm thật sự. Năm vừa rồi, doanh thu quảng cáo từ dịch vụ tìm kiếm như thế của Google lên đến 175 tỉ đô la, chiếm hơn một nửa doanh số của tập đoàn này.
- Băng tần 5G lần lượt có chủ, kỳ vọng sớm cải thiện tốc độ internet di động
- Internet vệ tinh của tỉ phú Elon Musk liệu có đe dọa dịch vụ nội địa?
Tuy nhiên, kể từ khi các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) dạng đối đáp được với người dùng xuất hiện, việc tìm kiếm thông tin trên Internet đã có những thay đổi đáng kể. Người dùng, bực mình vì kết quả do quảng cáo của Google xuất hiện quá nhiều, làm việc tìm kiếm không còn chính xác, đã quay sang sử dụng dịch vụ của các nơi khác. Một trong những nơi đó là Perplexity (perplexity.ai).
Vào trang web của Perplexity, gõ vào thanh tìm kiếm của nơi này, chẳng hạn, “tiệm ăn ngon nhất ở TPHCM”, kết quả trả về không còn là danh sách các trang web liên quan nữa, Perplexity sẽ cho hiển thị câu trả lời ngay đúng vào câu hỏi, nêu tên một vài tiệm ăn được nhiều người đánh giá là tốt nhất ở TPHCM, mô tả ngắn gọn các tiệm ăn này, vì sao chúng được đánh giá cao, địa chỉ, giá cả. Perplexity còn cho hiển thị kèm theo là các nguồn họ dùng để soạn câu trả lời.
Perplexity được nhiều người đánh giá cao; các nhà đầu tư kể cả Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, đã rót tiền vào đây. Một trong những tính năng gây ấn tượng của Perplexity là giúp tìm câu trả lời chính xác bằng cách đặt ra các câu hỏi cho người dùng.
Ví dụ khi hỏi Perplexity kinh nghiệm tổ chức một bữa tiệc sinh nhật cho em bé hai tuổi, nó sẽ hỏi lại muốn tổ chức trong nhà hay ngoài trời. Khi có câu trả lời rồi, nó sẽ hỏi tiếp ngân sách dự trù chừng bao nhiêu, mời bao nhiêu khách. Nhờ thế câu trả lời cuối cùng sẽ rất sát với nhu cầu của người dùng. Đằng sau Perplexity chính là chatbot nổi tiếng GPT-3.5 của OpenAI kết hợp với mô hình riêng phát triển từ mô hình mã nguồn mở do Meta cung cấp.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra với chính Perplexity là làm sao họ kiếm được tiền để kinh doanh? Vì chỉ hiển thị ô kết quả biên soạn trực tiếp, họ đâu có thể bán vị trí quảng cáo như Google. Perplexity có phiên bản miễn phí cho bất kỳ ai muốn dùng; bên cạnh đó là phiên bản Pro, giá 20 đô la/tháng, sử dụng các mô hình AI mạnh hơn, nhiều tính năng hơn như cho phép người dùng tải lên các file lớn để được phân tích.
Thế nhưng một năm sau khi ra mắt, đến tháng 2-2024, Perplexity chỉ có chừng 100.000 người dùng có trả phí. Nếu người dùng thỏa mãn với câu trả lời do Perplexity đưa ra, không nhấp chuột đi tiếp vào các trang web khác, trước sau gì Perplexity cũng bị các trang cung cấp thông tin khóa cửa không cho vào.
Dù sao mô hình Perplexity buộc Google phải cải tiến bộ máy tìm kiếm của mình. Họ đang thử nghiệm sử dụng AI để cung cấp câu trả lời trực tiếp vào câu hỏi của người dùng như Perplexity.
Hiện nay với một số người dùng, khi gõ từ khóa tìm kiếm, họ vẫn được trả về trang kết quả gồm các trang web có liên quan, nhưng đôi lúc phần trên cùng của trang kết quả là một ô thông tin ghi rõ do AI tạo ra. Ô thông tin này tóm tắt kết quả tìm kiếm từ các nguồn khác nhau, nói chung là y như mô hình Perplexity đang sử dụng, cũng có các nguồn mà người dùng có thể vào để kiểm chứng.
Cũng như Perplexity, Google đối diện câu hỏi “sinh tử”: Dùng AI để tóm tắt câu trả lời như thế? Làm sao kinh doanh bằng cách bán kết quả tìm kiếm? Quan trọng hơn, đã có người tiên đoán, nếu mô hình tìm kiếm dựa vào AI phát triển mạnh, các trang web hiện cung cấp thông tin, kể cả báo chí, các hãng tin, các tổ chức chuyên phân tích, bình luận, giải thích sự kiện sẽ thu hẹp hoạt động vì không còn được người dùng bên ngoài tiếp cận trực tiếp nữa.
Chính vì thế, trong một bài báo gần đây, tờ Financial Times đưa tin, rất có thể Google sẽ tính đến chuyện thu phí tìm kiếm, một sự thay đổi rất lớn cho tập đoàn này. Hiện nay mọi sản phẩm của Google đều miễn phí, họ thu tiền từ các nguồn quảng cáo; nếu đưa dịch vụ tìm kiếm bằng AI thành dịch vụ thu phí, đây sẽ là lần đầu tiên Google chuyển mô hình kinh doanh như thế.
Dù sao tìm kiếm bằng AI đòi hỏi chi phí cao hơn cho Google so với các tìm kiếm truyền thống. Google đứng trước bài toán khó giải: không thay đổi thì sẽ tụt hậu so với các nơi khác; thay đổi thì sẽ mất doanh thu quảng cáo đang nuôi sống họ. Thu phí hay không sẽ là câu hỏi Google phải trả lời trong giai đoạn sắp tới.