Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổ chức vào cuộc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổ chức vào cuộc

Hải Lý

(TBKTSG) – Chứng khoán lên điểm. Cổ phiếu tăng giá. Giống như những lần VN-Index leo dốc trước đây, nhà đầu tư cá nhân lại là những người đi trước. Những vấn đề của kinh tế vĩ mô khiến các tổ chức vẫn còn nghi ngờ vào sự tăng trưởng bền vững của thị trường.

Nhưng lần này họ không muốn bỏ lỡ cơ hội. Chậm chạp nhưng chắc chắn, họ bắt đầu quay trở lại với những cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt và đủ sức chống đỡ trong trường hợp VN-Index biến động.

“Nuôi heo con” bằng cổ tức

Trong quí 3-2010 bộ phận tự doanh của Công ty chứng khoán ngân hàng Sacombank (SBS – Hose) liên tục bán ra cổ phiếu, kể cả cắt lỗ một số mã. Việc bán ra ấy mang lại cho SBS 900 tỉ đồng và từ giữa tháng 11, khoảng 30% số tiền đó đã được giải ngân trở lại thị trường. Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị SBS, cho biết chiến lược của công ty là mua vào những cổ phiếu chuẩn bị trả cổ tức cao.

“Chúng tôi đã lọc ra danh sách những chứng khoán giá đang ở tầm 10.000-20.000 đồng/cổ phiếu và sắp trả cổ tức 15%, thậm chí 20%/năm. Mức lợi nhuận bằng cổ tức đó đủ để đầu tư lâu dài. Còn nếu giá tăng, người mua được lợi cả đôi đường” – ông nhấn mạnh.

“Sống bằng cổ tức” hay dùng thuật ngữ mà một số tổ chức tài chính đang xài là “nuôi heo con”, đã lan ra từ mấy tuần nay. Một đơn vị đầu tư trong nước đã liên tục mua vào cổ phiếu Ngân hàng Á châu (ACB-Hnx) với kỳ vọng trong quí 1-2011 sẽ nhận được thêm phần cổ tức 5-7% còn lại của năm nay bằng tiền mặt, và khoảng 30% cho năm sau.

Cổ phiếu của một ngân hàng khác trên sàn Hà Nội cũng đang được mua gom khi giá đã về gần mệnh giá, mà cổ tức chuẩn bị trả bằng tiền mặt cho năm 2010 là 12%/năm. Bản thân bộ phận đầu tư của một số ngân hàng cũng đã đặt một chân vào chứng khoán.

“Sau ba năm giảm điểm, chu kỳ phục hồi của chứng khoán đang đến. Chúng tôi không thể biết thị trường tăng trưởng nhanh chậm ra sao, nhưng vùng đáy đã được thiết lập. Chúng tôi bỏ vốn vào những cổ phiếu an toàn” – đại diện một tổ chức tín dụng nhận xét. Ông nói thêm quyết định đầu tư chính là cổ tức: “Có cổ phiếu giá đang là 12.000 đồng, tháng sau trả cổ tức 20% tiền mặt. Công ty làm ăn tốt, năm năm qua năm nào cũng có lãi, vậy tại sao không mua? Chỉ cổ tức đã hơn gửi tiết kiệm rồi”.

Hai tuần trước, ngân hàng Sacombank quyết định dành 1.000 tỉ đồng từ các quỹ để đầu tư chứng khoán và đã giải ngân 100 tỉ. Những quyết định đầu tư như vậy, rõ ràng, không xuất phát từ mục đích “lướt sóng” mà là nắm giữ và nó có tác dụng nuôi dưỡng nguồn cầu. Bằng cách đó cung cổ phiếu giá thấp được hấp thụ và khi nguồn cung ấy kết thúc, giá chứng khoán sẽ ở một mặt bằng mới.

Ngoại chờ ngoại

Những tổ chức thận trọng đã tìm ra cách tham gia thị trường có lợi cho họ: tái cơ cấu danh mục, mua vào – bán ra cùng một loại cổ phiếu để giảm giá vốn. Tuy nhiên, trong một thị trường đi lên, bán trước mua sau dễ bị rơi vào tình trạng phải mua lại chính cổ phiếu đó với giá cao hơn. Còn đăng ký mua khối lượng lớn, vượt tỷ lệ 5% cổ phiếu một công ty niêm yết là phải công bố thông tin.

Thông tin đăng ký mua có thể đẩy cầu cổ phiếu tăng, dẫn đến giá tăng, điều mà những tổ chức mua vào không muốn. Vì thế, giao dịch của cổ đông lớn các công ty hiện nay phổ biến là đăng ký vừa mua vừa bán. Quỹ Templeton Frontier Markets Fund vừa đăng ký mua bán khối lượng lớn một loạt cổ phiếu như DHG, PAC, VFG, LIX. Tương tự là Deutsche Bank, Red River hoặc ngay cả những quỹ đầu tư lâu dài như Dragon Capital.

Trên thực tế, các quỹ đầu tư nước ngoài thâm niên ở Việt Nam không còn nhiều tiền để giải ngân. Ngân hàng Nhà nước cho biết có hơn 700 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã đổ vào Việt Nam từ đầu năm nay. Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM từ đầu năm đến ngày 3-12-2010, khối ngoại mua trên Hose 36.127 tỉ đồng, bán ra 24.555 tỉ đồng, tức mua ròng 11.572 tỉ đồng, tương đương 593 triệu đô la Mỹ (tỉ giá 19.500 đồng/đô la Mỹ). Nếu tính cả số cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi các doanh nghiệp phát hành cho nước ngoài như CII 25 triệu đô la Mỹ, MSN tổng cộng 150 triệu đô la Mỹ, HAG 70 triệu đô la Mỹ cho Deutsche Bank Trust company Americas và 56 triệu đô la Mỹ cho Northbrooks Holdings của Singapore… thì số đầu tư gián tiếp nước ngoài đã vào khoảng 1 tỉ đô la Mỹ.

Thế nhưng, điều mà khối ngoại chờ đợi nhiều nhất là dòng vốn mới của chính các đồng nghiệp. Với họ guồng máy chứng khoán chỉ thực sự khởi động và bứt phá khi dòng tiền này chảy vào. Dấu hiệu đã có. Ông Nguyễn Hồ Nam nói với TBKTSG rằng hai quỹ nước ngoài mới với số vốn 400 triệu đô la Mỹ đã mở xong tài khoản giao dịch ở SBS, tiền đã được họ chuyển vào một ngân hàng nước ngoài ở TPHCM. Họ chỉ còn chờ để chuyển qua tiền đồng giải ngân. Cái họ chờ là tỷ giá. Họ không thể chuyển đổi theo tỷ giá mà các ngân hàng đang giao dịch hiện nay vốn cao hơn tỷ giá chính thức niêm yết. Còn chuyển đổi theo tỷ giá chính thức, họ e ngại sau Tết Nguyên đán, nếu Nhà nước thay đổi tỷ giá, họ sẽ bị thiệt. Giải ngân sớm có thể mất 5-10% vì tỷ giá, còn không thì có thể lỡ thời cơ. Dễ hiểu vì sao trong các cuộc đối thoại gần đây với Chính phủ và các bộ, ngành, nhà đầu tư nước ngoài liên tục thúc giục và khuyến cáo Việt Nam tháo gỡ và ổn định ngay vấn đề tỷ giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới