Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tổng giám đốc WTO cảnh báo có dấu hiệu ‘phân mảnh’ giữa Mỹ và Trung Quốc

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nếu thế giới tách thành hai khối thương mại là khối phương Tây thân Mỹ và khối do Trung Quốc đứng đầu, GDP toàn cầu sẽ giảm 5% trong dài hạn. Đây là một mất mát lớn, giống như thế giới mất đi toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản.

Việc tách đôi nền kinh tế thế giới sẽ gây mất mát lớn cho tất cả các bên, GDP toàn cầu sẽ giảm đi 5% trong dài hạn – Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala cảnh báo. Ảnh: iStock

Trên đây là ý kiến của Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala với tờ Nikkei Asia vào ngày 29-10 tại cuộc gặp các bộ trưởng thương mại khối G7 diễn ra ở Osaka, Nhật Bản. WTO đưa ra cảnh báo này vào tháng 9-2023 và lần này được nhắc lại nhưng có thêm nhiều dẫn chứng củng cố hơn cho vấn đề này.

Sau cảnh báo này, WTO muốn các quốc gia thành viên hỗ trợ dòng chảy thương mại tự do, ổn định và có thể dự đoán được, bởi không thể giải quyết các vấn đề của thế giới vào lúc này nếu không có hệ thống thương mại tự do và công bằng.

Các dấu hiệu phân mảnh đang nổi lên

Thương mại tự do toàn cầu đã phải đối mặt với những trở ngại to lớn kể từ năm 2017, khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ chip tiên tiến và các lĩnh vực công nghệ khác. Cùng với đó, Mỹ cũng lôi kéo các đối tác như Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu thực hiện một chiến lược mà họ gọi là “giảm rủi ro”.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala nói khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu “vẫn khá đáng kể”, trị giá khoảng 31.000 tỉ đô la, thậm chí thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và Trung Quốc với EU “vẫn tương đối mạnh mẽ”. Tuy nhiên, người đứng đầu WTO cho biết một số dấu hiệu phân mảnh đang nổi lên và thế giới cần thận trọng.

“Hàng hóa trung gian là thước đo sức khỏe của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy tỷ trọng hàng hóa trung gian trong thương mại thế giới giảm từ mức trung bình khoảng 51% trong ba năm qua xuống còn 48,5% trong nửa đầu năm 2023. Vì vậy, chúng tôi hơi lo ngại về điều này”, bà giải thích.

WTO ước tính, nếu thế giới tách thành hai khối thương mại, GDP toàn cầu sẽ giảm 5% trong dài hạn. “Đây là một mất mát lớn, giống như mất đi toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản vậy. WTO muốn các quốc gia thành viên hỗ trợ dòng chảy thương mại tự do, ổn định và có thể dự đoán được, bởi vì chúng tôi tin rằng không thể giải quyết các vấn đề của thế giới vào lúc này nếu không có hệ thống thương mại tự do và công bằng”, bà nói với Nikkei Asia.

Các bên “cáo buộc” lẫn nhau vì trợ cấp trong nước

Mỹ, EU và Nhật Bản đã cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ các cam kết về thương mại tự do mà nước này đã đưa ra khi gia nhập WTO vào năm 2001, đặc biệt là về viện trợ nhà nước cho ngành công nghiệp.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala thừa nhận những lời chỉ trích này, và nói rằng Trung Quốc cũng có những phàn nàn tương tự. “Mỹ và nhiều thành viên khác phàn nàn về vấn đề trợ cấp công nghiệp ở Trung Quốc và họ cảm thấy rằng có thể Trung Quốc đã không thông báo cho WTO. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phàn nàn về trợ cấp nông nghiệp của các thành viên khác trong WTO”, người đứng đầu WTO trả lời Nikkei Asia.

Nhận thấy những vấn đề này có thể làm cho thế giới “phân mảnh” nên dự kiến trong thời gian tới, WTO sẽ hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để nghiên cứu vấn đề trợ cấp chính phủ “trên diện rộng”. “Một khi đã có thu thập được bằng chứng, chúng tôi sẽ có thể đưa ra một số quyết định về cách giải quyết những vấn đề này, nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng”.

Trong cuộc gặp hai ngày 28 và 29-10 tại Osaka, Nhật Bản, các bộ trưởng thương mại khối G7 thảo luận về việc giải quyết vấn đề ép buộc kinh tế, bao gồm các hạn chế thương mại đơn phương. Bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh rằng WTO có vai trò trong việc chống lại những hành vi lạm dụng như vậy, nhằm xây dựng một nền thương mại tự do và công bằng trên toàn cầu.

Bà mô tả các cuộc đàm thuế quan về rượu vang giữa Trung Quốc và Úc là "một ví dụ điển hình" cho các thành viên WTO. Tranh chấp thuế quan được coi là một ví dụ về sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc. Người đứng đầu WTO cũng kêu gọi đối thoại về lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản của Trung Quốc sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima. “Chúng tôi đặc biệt khuyến khích Trung Quốc và Nhật Bản có cuộc đối thoại tốt đẹp”, bà nói.

Trong tháng 10 này, WTO đã cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2023 xuống còn 0,8%, giảm so với dự báo vào tháng 4-2023 là 1,7%. Việc cắt giảm này phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và sự yếu kém lan rộng khu vực đồng euro.

Cùng với đó, người đứng đầu WTO cũng cảnh báo về tác động tiềm ẩn của cuộc chiến Israel - Hamas, đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất dầu và khí đốt. Bà cũng đề cập mối đe dọa hiển hiện của biến đổi khí hậu. “Triển vọng năm 2024 vẫn tương đối lạc quan, với dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa khoảng 3,3%, nhưng rủi ro suy giảm là rất lớn”, bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh.

Theo Nikkei Asia

  • Chủ đề :
  • WTO

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới