Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tổng thống Joe Biden yêu cầu phạt nặng lãnh đạo ngân hàng sụp đổ do quản lý kém

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi quốc hội thông qua biện pháp xử phạt cứng rắn hơn đối với giới lãnh đạo ngân hàng nếu sự quản lý yếu kém của họ góp phần dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng. Động thái này diễn ra sau khi ba ngân hàng khu vực, đáng chú ý là ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), rơi vào khủng hoảng trước làn sóng rút tiền ồ ạt khi người gửi tiền lo ngại tình hình tài chính bất ổn của các ngân hàng này.

Cuộc khủng hoảng của SVB, nếu lan rộng ra hệ thống tài chính Mỹ, sẽ gây khó khăn cho Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tái tranh cử năm tới. Ảnh: Getty

“Tôi cam kết buộc những người gây ra cơn hỗn loạn này phải chịu trách nhiệm. Không ai đứng trên luật pháp. Tăng cường giải trình trách nhiệm là biện pháp quan trọng để ngăn chặn sự quản lý yếu kém trong tương lai”, Tổng thống Biden nói trong một tuyên bố hôm 17-3.

Ông nhấn mạnh quốc hội Mỹ phải hành động để áp dụng các biện pháp xử phạt cứng rắn hơn đối với lãnh đạo cấp cao của ngân hàng nếu như sự quản lý yếu kém của họ góp phần khiến ngân hàng mà họ lãnh đạo sụp đổ.

Cú sụp đổ liên tiếp của ba ngân hàng Silvergate Bank, SVB và Signature Bank làm dấy lên lo ngại mới về hệ thống tài chính của Mỹ và làm chao đảo thị trường trong những ngày gần đây. Vấn đề của các ngân hàng này là sử dụng tiền gửi ngắn hạn của khách hàng để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ có kỳ hạn dài. Khi lãi suất tăng, khoản đầu tư này chịu lỗ đậm nếu buộc ngân hàng phải bán để duy trì dòng tiền mặt trong bối cảnh nhu cầu rút tiền của khách hàng tăng đột biến.

Ông Biden cho biết luật hiện nay hạn chế quyền hạn của chính quyền trong việc buộc lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm cho những quản lý sai lầm.

Ông nói: “Khi ngân hàng thất bại do quản lý yếu kém và chấp nhận rủi ro quá mức, luật phải tạo điều kiện cho phép cơ quan quản lý dễ dàng thu lại tiền thưởng dành cho lãnh đạo ngân hàng, áp dụng các hình phạt dân sự và cấm họ làm việc trong ngành ngân hàng trong tương lai”.

Nhà Trắng đã nhanh chóng hành động để củng cố niềm tin ở hệ thống tài chính của đất nước, với việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) triển khai một chương trình cung cấp vốn vay ngắn hạn cho các ngân hàng gặp vấn đề thanh khoản. Trong tuần gần đây nhất, các ngân hàng ở Mỹ đã vay tổng cộng 164,8 tỉ đô la từ Fed.

Bộ Tài chính Mỹ và Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) cũng can thiệp để bảo toàn tất cả tiền gửi của khách hàng ở SVB và Signature Bank.

Theo hãng luật Davis Polk, các công ty ở Mỹ thường có chính sách riêng về việc thu hồi các khoản thưởng dành cho các giám đốc điều hành. Hầu hết, các công ty đại chúng lớn ở Mỹ đã áp dụng chính sách thu hồi thưởng của lãnh đạo trong trường hợp họ có hành vi sai trái hoặc gian lận. Các chuyên gia cho biết các chính sách như vậy rất khó thực thi.

Cuối năm 2022, Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã thông qua các quy tắc yêu cầu giám đốc điều hành phải trả lại tiền thưởng dựa trên những sai sót trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp họ. Tuy nhiên, chính sách này chỉ được triển khai vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng sự giám sát lỏng lẻo đối với các ngân hàng là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Một dự luật của thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và hạ nghị sĩ Katie Porter của đảng Dân chủ nhằm củng cố hoạt động quản lý ngân hàng bị làm suy yếu vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Giờ đây, dự luật đang được quan tâm trở lại. Dự luật sẽ đặt các ngân hàng có ít nhất 50 tỉ đô la tài sản dưới các quy định giám sát chặt chẽ hơn so với ngưỡng 250 tỉ đô la hiện nay.

Hôm 16-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Nhà Trắng ủng hộ quốc hội xem xét lại dự luật này.

Hạ nghị sĩ Mike Levin nói: “Đáng tiếc, ông Trump và đảng Cộng hòa đã đặt lợi ích của các giám đốc điều hành ngân hàng lên trên lợi ích của người lao động và người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực ngân hàng sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ hạ viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát.

Một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với ông Biden, người đang chuẩn bị khởi động cuộc tái tranh cử vào năm 2024.

Tổng thống Biden đã tìm cách trấn an công chúng và giải quyết tình trạng hỗn loạn trên thị trường. “Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng an toàn. Tiền gửi của bạn vẫn ở đó để rút khi bạn cần”, ông nói hồi đầu tuần này khi đề cập đến ngân hành SVB và Signature Bank, đã được đặt dưới sự tiếp quản của FDIC.

Nhà Trắng cũng cho rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng ở châu Âu với sự kiện Credit Suisse vay 54 tỉ đô la để củng cố thanh khoản là một vấn đề riêng biệt, không liên quan đến tình trạng bất ổn hiện nay ở ngành ngân hàng Mỹ.

Nhưng có dấu hiệu trên thị trường cho thấy cơn bất ổn ngân hàng ở Mỹ vẫn chưa qua. Hôm 16-3, ngân hàng First Republic Bank (FRB) nhận được khoản tiền gửi 30 tỉ đô la từ các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ để giúp giải quyết vấn đề thanh khoản. Nhưng trong phiên giao dịch cuối tuần, giá cổ phiếu của FRB giảm đến gần 33%, nâng mức giảm trong vòng hơn một tuần qua lên 75%. Những người gửi tiền cũng đang sốt sắng rút tiền mặt ra khỏi các ngân hàng nhỏ và vừa của Mỹ.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới