Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Cấp bách giảm thiểu ô nhiễm không khí từ giao thông

L. Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chuyển đổi sang xe điện và phát triển phương tiện công cộng hiện đại được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí trong việc phát triển giao thông xanh tại TPHCM.

Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo "Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TPHCM" do HĐND TPHCM phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, trường Đại học Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức vào chiều 22-8.

Quang cảnh thảo luận tại hội thảo. Ảnh: L. H

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và diễn giả cho rằng tốc độ đô thị hóa đang gây ra tác động không nhỏ đến môi trường, trong đó lượng khí thải khổng lồ được tạo ra từ hoạt động giao thông vận tải mỗi ngày là một trong những nguyên nhân chính.

Do đó, xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện môi trường là giải pháp giúp cải thiện hiệu quả môi trường sống, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, thống kê đến cuối năm 2023, TPHCM hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào thành phố.

Mỗi năm thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn cacbon/năm, trong đó riêng ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Tương tự, ThS. Mai Hoài Đan, Đại học Tài Chính – Marketing, nhận định TPHCM đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thực trạng ô nhiễm không khí ở TPHCM đang là vấn đề đáng báo động.

Cụ thể nồng độ bụi mịn PM2.5 (những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần) tại thành phố đều vượt ngưỡng cho phép, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TPHCM lượng bụi mịn PM2.5 hiện cao gấp 4.2 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.

"Thống kê cho thấy, hằng năm TPHCM có gần 1.400 người tử vong vì các chất gây ô nhiễm không khí. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống", ông Đan nêu.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường đại học Giao thông vận tải TPHCM, tại Việt Nam, hơn 50% lượng phát thải carbon trong các đô thị đến từ giao thông vận tải. Do đó, theo ông Long, để phát triển TPHCM thành đô thị xanh, giao thông phải đi trước.

Việc tìm giải pháp hiệu quả để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí từ giao thông của TPHCM được cho là một nhiệm vụ cấp bách.

Trong đó, thúc đẩy phát triển giao thông xanh nhằm chuyển đổi, phát triển các loại hình phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hướng đến sử dụng năng lượng sạch, tái tạo để tăng cường bảo vệ môi trường được các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nêu và kiến nghị tại hội thảo. Đây cũng là biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và hướng đến phát triển đô thị một cách bền vững.

Tại hội thảo, ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM đã trình bày báo cáo tham luận về cơ chế, chính sách giúp hệ thống xe buýt hòa nhập với chính sách chuyển đổi xanh ở TPHCM.

Trong đó có nêu chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ rằng năm 2025, xe buýt muốn đầu tư mới, phải sử dụng xe sạch và xanh, tức xe điện hoặc xe CNG. Năm 2030, lực lượng xe taxi cũng bắt đầu thực hiện chủ trương này. Riêng ở TPHCM và Hà Nội đến năm 2030 sẽ đạt 50% lượng xe buýt là xe điện.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Tính kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành những chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư xe điện. Đó là tiền hỗ trợ cho nhà đầu tư, người mua xe tiên phong, lãi suất vay ưu đãi, thời gian trả góp dài theo chu kỳ đầu tư, ưu tiên khi xe lưu thông, đậu đỗ...

Riêng ở TPHCM, do chi phí đầu tư cho xe điện quá lớn khi khởi đầu. Do đó, ông Tính đề nghị trong vòng 5 - 10 năm đầu tiên, thành phố chỉ nên tập trung phát triển đội xe CNG thay vì xe điện, nhằm tiết giảm ngân sách trợ giá, cũng như chi phí đầu tư.

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, ông Võ Khánh Hưng cho biết, lượng phương tiện cá nhân tại TPHCM hiện đang rất lớn. Chính vì vậy, thành phố đang từng bước phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để kéo giảm phương tiện cá nhân.

Hiện Sở này đang thực hiện đề án phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân. Đơn cử như việc vận hành tuyến metro số 1 kết hợp với các tuyến xe buýt kết nối trong thời gian tới.

Ngành giao thông thành phố cũng đang thực hiện đề án khí thải. Ở giai đoạn 1, sẽ thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sang giao thông xanh như xe điện, khí CNG,…. Theo ông, hiện thành phố đang thực hiện thí điểm ở phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và làm cơ sở để chuyển đổi ở các phương tiện khác.

Theo kế hoạch, từ năm 2030 trở đi, tất cả phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TPHCM sẽ sử dụng năng lượng điện.

Theo đó, những khó khăn về hỗ trợ lãi suất, hạn mức cho vay với các doanh nghiệp vận tải, đầu tư các trạm sạc, trụ sạc cần có cơ chế chính sách để tháo gỡ. Theo ông Khánh, Sở Giao thông vận tải sẽ trình UBND TPHCM đề án phát triển xe buýt sang năng lượng xanh. Trong đó, sẽ nghiên cứu hỗ trợ vấn đề lãi suất và đầu tư các trạm sạc, trụ sạc.

Cũng theo ông Võ Khánh Hưng, để làm giao thông xanh, sở cũng đang thực hiện đề án kiểm soát khí thải và chọn thí điểm ở huyện Cần Giờ.

Trong tham luận về thực hiện thí điểm chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện tại huyện Cần Giờ, bà Phan Thụy Kiều (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cho biết đối tượng áp dụng là hộ cận nghèo và cá nhân, hộ gia đình là chủ sở hữu phương tiện giao thông theo quy định.

Theo bà Kiều, qua nghiên cứu, tại Cần Giờ xe máy là phương tiện gây ra lượng phát thải gây ô nhiễm không khí cao nhất. Do đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các chương trình, dự án cần triển khai thực hiện gồm ưu đãi hỗ trợ người dân, hộ gia đình chuyển đổi sang xe máy điện. Cùng với đó là phát triển giao thông công cộng xanh; phát triển hạ tầng tại đây để thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên cho hay, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận đến từ các tổ chức và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Các tham luận giúp khai phá và làm rõ khái niệm, nội dung của phát triển giao thông vận tải bền vững và giao thông xanh. Các nội dung phân tích sâu hơn về các nguyên tắc cơ bản và chiến lược phát triển giao thông xanh đã và đang được áp dụng trên toàn cầu. Từ đó, cung cấp thông tin nền tảng để giúp định hình những bước đi cụ thể cho thành phố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới