Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM có 32 điểm bờ bao sông, kênh rạch sạt lở nghiêm trọng

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - UBND TPHCM vừa công bố 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2022 trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 1.300 hộ dân.

Trong số này, có 8 điểm ở thành phố Thủ Đức, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ mỗi nơi có 7 điểm, huyện Bình Chánh và quận Bình Thạnh mỗi nơi có 4 điểm, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi mỗi nơi có một điểm...

Còn nhiều khu vực chưa giải tỏa, triển khai dự án xây kè chống sạt lở, khi có nguy cơ sạt lở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân - Ảnh: TL

Theo thông tin từ Văn phòng UBND TPHCM, các lực lượng chức năng cùa thành phố đã kiểm tra toàn bộ hệ thống đê kè, bờ bao và ghi nhận nhiều điểm có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm như: Rạch Giồng Ông Tố có vị trí bờ phải và bờ trái thượng và hạ lưu cầu Giồng Ông Tố 1, phường An Phú và phường Bình Trưng Tây; vị trí bờ trái, cầu Phước Lộc về phía hạ lưu + 1.000m, trên Rạch Ông Lớn 2 – Phước Kiểng – Mương Chuối, xã Phước Kiểng (huyện Nhà Bè); bờ phải từ cầu Long Kiểng về thượng lưu 146m trên sông Phước Kiểng (huyện Nhà Bè).

Thêm vào đó là Rạch Xóm Củi, bờ trái, thượng lưu cầu Xóm Củi +100m, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh); bờ phải sông Chợ Đệm - Bến Lức, xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh); Km00+500, bờ trái tuyến Tắc An Nghĩa (cách hạ lưu cầu An Nghĩa khoảng 400m), ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ)…

Trước tình hình trên, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị là chủ đầu tư đang triển khai các dự án kè chống sạt lở rào chắn, khoanh vùng ngăn không cho người và xe cộ vào các khu vực nguy hiểm.

UBND thành cũng yêu cầu bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi tạm cư an toàn; xây dựng và triển khai phương án ứng phó, xử lý cấp bách khu vực sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Các đơn vị trên cũng được yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở để đưa vào sử dụng nhằm phòng, chống sạt lở bờ bao, bờ kè của các tuyến sông, kênh rạch, đảm bảo an toàn hệ thống công trình phục vụ ngăn triều...

Ngoài ra, UBND thành phố giao lực lượng công an, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn (khu vực huyện Củ Chi), sông Đồng Nai (khu vực thành phố Thủ Đức), sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven biển huyện Cần Giờ.

Việc khai thác trái phép ở những khu vực trên được coi là một trong những nguyên nhân tác động đến dòng chảy làm mất ổn định đáy sông và sạt lở hai bên bờ sông.

Theo Cổng thông tin UBND TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới