(KTSG Online) - Tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm do UBND TPHCM tổ chức ngày 15-7, TPHCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm để thành lập Sở An toàn thực phẩm.
- Tiêu hủy hơn 900 kg thịt từ hai cơ sở trong đường dây thịt heo bẩn ở TPHCM
- Mối nguy hại lớn cho sức khỏe khi ăn phải thịt heo “bẩn”
Tại hội nghị, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho biết sau 6 năm triển khai thí điểm, với phương châm "xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn", bước đầu Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra. Đơn vị này đã chú trọng đến công tác phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn.
Theo đó, trong 6 năm, đơn vị này đã ký kết với 2.319 chuỗi thực phẩm an toàn tại 22 tỉnh, thành cung ứng thực phẩm an toàn cho TPHCM. Các chuỗi thực phẩm an toàn đều được đánh giá dựa theo tiêu chí thực phẩm an toàn của ngành nông nghiệp như GlobalGAP, VietGAP, ISO, HACCP…
Bà Lan cho biết, 80-90% thực phẩm người dân tại TPHCM sử dụng là nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, quản lý thực phẩm từ nguồn và cả địa bàn tiêu thụ. Trường hợp có vấn đề từ nguồn thực phẩm, ban này sẽ cảnh báo ngược đến các tỉnh, thành phố còn lại.
Ngoài ra, 6 năm vừa qua, đơn vị đã thanh kiểm tra gần 327.600 cơ sở, phát hiện gần 37.000 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 11,3%). Qua đó xử phạt hơn 7.000 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 153,1 tỉ đồng. Số tiền phạt trong mỗi vụ việc tăng cao hơn, trung bình 20 triệu đồng/vụ việc, cao gấp 4 lần so với trước khi Ban Quản lý an toàn thực phẩm ra đời.
Kể từ khi Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM hoạt động, số vụ ngộ độc phát hiện ít hơn qua từng năm, vấn đề giám sát tốt hơn, thanh tra, kiểm tra cũng nhiều hơn, bà Lan đánh giá.
Về những vướng mắc, hiện nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM chỉ mới thực hiện công tác thanh tra - kiểm tra chuyên ngành, chưa có chức năng thanh tra hành chính.
Theo đó, việc xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trước đây Ban Quản lý áp dụng theo chức danh tương đương. Tuy nhiên, hiện nay do các văn bản quy phạm pháp luật thay đổi không còn chức danh tương đương (Nghị định 124/2021/NĐ-CP) nên công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính gặp khó khăn về cơ sở pháp lý.
Bà Lan cho biết, hiện Ban Quản lý an toàn thực phẩm chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành, còn mọi hoạt động đều phụ thuộc vào kế hoạch và quyết định thanh tra của trưởng ban, không chủ động như thanh tra sở…..
Trước một số bất cập về cơ chế chính sách, mô hình tổ chức, biên chế và vấn đề xử phạt, bà Lan đề xuất chính thức hóa mô hình thí điểm, bằng cách chuyển Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM thành Sở An toàn thực phẩm TPHCM.
“Dù chính sách có hay nhưng khi triển khai nhiệm vụ nếu các lực lượng lẻ tẻ, khó phối hợp với nhau thì rất khó. Hiện đang là chu kỳ thứ hai của thời gian thí điểm, bước sang năm thứ 6. Chúng ta đã có chính sách thử nghiệm, thời gian thí điểm, những kinh nghiệm tích lũy cho thấy đã đến lúc chính thức mô hình này", bà Lan nhấn mạnh.
Theo đại diện của Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, tuy thuộc sự quản lý của các ban ngành về nông nghiệp, y tế và công thương nhưng về bản chất và tác dụng, lĩnh vực an toàn thực phẩm là một nhánh quan trọng của y tế dự phòng.