(KTSG Online) – Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI diễn ra ngày 8-7 tập trung dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó thành phố sẽ mời chuyên gia cùng thực hiện cơ chế đặc thù.
- TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng
- Thí điểm cơ chế đặc thù TPHCM: HoREA đề xuất giải pháp về quản lý đất đai, quy hoạch
Cổng thông tin Thành ủy TPHCM đưa tin, tại Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 8-7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 là cơ hội lớn để thành phố tháo gỡ các điểm nghẽn.
Đây cũng nhằm tạo bước chuyển biến đột phá để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững.
Bí thư Thành ủy lưu ý, Hội nghị Thành ủy lần thứ 19 tháng 11-2022 đã dự báo tình hình năm 2023 sẽ đối diện với nhiều khó khăn thách thức tác động trực tiếp từ bên ngoài và vướng mắc khó khăn từ bên trong.
Thách thức đó, tác động trực tiếp đến giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế của cả nước và TPHCM nói riêng. Thực tế, tình hình đã diễn ra gần đúng dự báo nhưng kết quả còn chưa sát, chúng ta không nghĩ quí 1, GRDP giảm sâu 0,7%, buộc phải tìm nguyên nhân và những giải pháp tháo gỡ cho quí 2.
Hội nghị Thành ủy lần thứ 20, TPHCM đã kịp thời đề ra giải pháp cấp bách. Có 12 nhóm giải pháp với những quyết tâm và hành động quyết liệt, và quí 2 có chuyển biến đáng khích lệ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP đạt 3,55%.
Hội nghị lần này, TPHCM tập trung cho dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
TTXVN đưa tin, theo nghị quyết mới, TPHCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) như một số nước phát triển: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã áp dụng, trong đó dùng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. UBND thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án này.
Chính phủ đã đồng ý lập ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội ở cấp trung ương. Tại TPHCM cũng có ban chỉ đạo để triển khai nghị quyết, dưới ban có các tổ thực thi với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn bên ngoài, chuyên viên chuyên trách thuộc các sở ngành.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, khi thực hiện mô hình TOD, cần xây dựng đề án học tập từ các nước, thiết kế khung pháp lý vì đây là phương thức mới đang nghiên cứu. Việc này không thể giao một sở hay tổ chức công tác liên sở vì mất nhiều thời gian và cần kiến thức chuyên môn sâu.
Do đó, TPHCM sẽ huy động nguồn lực bên ngoài, các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực liên quan tham gia. Điều này không chỉ giúp giảm tải công việc của sở, ngành mà còn chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Chủ tịch UBND thành phố thông tin, TPHCM sẽ rà soát, điều chỉnh việc bố trí cán bộ để phù hợp với các phần việc khi triển khai nghị quyết đặc thù. Theo đó, thành phố có thể thành lập các tổ chức dưới hình thức đơn vị sự nghiệp tự chủ như ban quản lý các công trình trọng điểm, dự án thí điểm...
Trước đó, tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ, TPHCM đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98, dự trù trưởng ban chỉ đạo là người đứng đầu thành phố. Tuy nhiên, các điều khoản của nghị quyết khi phát sinh tình huống cần có hướng dẫn, phân cấp, trao đổi với các cơ quan trung ương. Sau khi thống nhất, Thủ tướng đã đồng ý làm trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và TPHCM rà soát những nội dung cần phải ban hành nghị định thì tham mưu Chính phủ ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, đi đôi với phân công bộ, ngành chủ trì và các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo. Các bộ, ngành cũng khẩn trương ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn trong thẩm quyền với thủ tục rút gọn. Các nhiệm vụ trên phấn đấu hoàn thành trong tháng này, chậm nhất là ngày 15-8.