Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM tập trung vào các việc trọng tâm để giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiều ngày 27-11, làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TPHCM về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng thành phố cần tập trung vào những việc trọng tâm, trọng điểm, giải ngân đầu tư công hiệu quả…

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giải ngân đầu tư công các công trình trọng điểm. Ảnh: TTXVN

Theo UBND TPHCM, thành phố đã triển khai các yêu cầu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đến hết ngày 31-10, tổng vốn mà thành phố đã giải ngân là 11.419/37.464 tỉ đồng (đạt 30,5%), các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ theo kế hoạch đầu tư công là 28.754/37.464 tỉ đồng (đạt 76,7%).

Lý giải về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trong năm 2021, trong khi các tháng đầu năm 2022 thành phố phải tập trung đẩy nhanh các thủ tục, khiến tỷ lệ giải ngân thấp, gây áp lực giải ngân cho các tháng cuối năm.

Lạm phát tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu gây đứt gãy nguồn cung, tạo sức ép lên giá cả nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị, cũng tác động lớn đến tiến độ thực hiện các dự án.

Bên cạnh đó, khả năng cân đối ngân sách của thành phố (42.508 tỉ đồng) thấp hơn số được Thủ tướng thông báo (51.789 tỉ đồng). Khi tính tỷ lệ giải ngân, các cơ quan trung ương dựa trên số kế hoạch vốn Thủ tướng giao, dẫn đến tỷ lệ giải ngân của TPHCM tại các báo cáo của Trung ương thấp.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, TPHCM kiến nghị Trung ương được dùng kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước làm căn cứ giao, cho thuê đất thuộc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) trước 1-1-2021. Trung tâm Phát triển quỹ đất được khai thác ngắn hạn và hưởng ít nhất 10% nguồn thu từ khu đất thuộc thẩm quyền quản lý, nhưng chưa có quyết định giao, cho thuê.

TPHCM đề xuất được phép gia hạn sử dụng đất với hai trường hợp: chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng, thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất (theo Điều 73 Luật Đất đai); và các khu đất hết hạn sử dụng trong thời gian chờ kết quả xử lý liên quan tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá, thế chấp xử lý nợ… (theo điểm k, khoản 4, Điều 95 Luật Đất đai).

Về môi trường, thành phố muốn có cơ chế chủ động đặt hàng dịch vụ xử lý rác với nhà đầu tư hiện hữu. Với dự án xử lý rác mới, thành phố xin đấu thầu cung cấp dịch vụ. Trong đó, thành phố giao, cho thuê đất tại khu liên hợp xử lý chất thải đã được quy hoạch (không qua đấu giá, đấu thầu) và đặt yêu cầu về công suất, tiêu chí công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, đơn giá để chọn nhà đầu tư.

Về 3 bệnh viện cửa ngõ là Bệnh viện Đa khoa tại Thủ Đức, Hóc Môn và Củ Chi, TPHCM xin Trung ương bổ sung 4.500 tỉ đồng vốn. Tổng vốn đầu tư 3 dự án là 5.664 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào 2025, tuy nhiên hiện TPHCM hết khả năng bố trí vốn từ ngân sách thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, kinh tế TPHCM đã tăng trưởng trở lại và đóng góp 1/3 ngân sách cả nước. Thủ tướng cho rằng, hiện TPHCM còn rất nhiều việc phải làm, nên cần tập trung vào những việc trọng tâm, trọng điểm, giải ngân đầu tư công mới hiệu quả…

Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận sự chủ động trong đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của TPHCM đối với các dự án trọng điểm, cơ bản đồng thuận và sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp giám sát, tháo gỡ ngay khó khăn để TPHCM tiếp tục thí điểm cơ chế đặc thù, giải ngân hiệu quả, nhanh chóng vốn đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển của đầu tàu kinh tế cả nước.

Thủ tướng kiểm tra dự án mở rông quốc lộ 50. Ảnh: TTXVN

Trước đó sáng 27-11, Thủ tướng đã cùng lãnh đạo TPHCM kiểm tra 2 dự án đầu tư công: nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và mở rộng quốc lộ 50. Thủ tướng yêu cầu thành phố, chủ đầu tư và địa phương chú trọng việc bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi khi mở rộng quốc lộ 50; khi bố trí cần lưu ý đảm bảo các điều kiện y tế, giáo dục, viễn thông, hạ tầng cho người dân phải bằng hoặc hơn mới thuyết phục được người dân đồng thuận, có vậy mới đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng và đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả.

Dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng trong dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 nhằm thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường nước thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11 (diện tích lưu vực 2.150 héc-ta, tổng số dân khoảng 2 triệu người; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé- Đôi- Tẻ). Gói thầu này vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép lùi hoàn thành đến tháng 12-2023. Thủ tướng đề nghị TPHCM đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa dự án vận hành, đảm bảo môi trường sống an toàn, văn minh cho nhân dân thành phố.

Theo Cổng thông tin Văn phòng Thành ủy TPHCM và TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới