Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM thu ngân sách gần 210.000 tỉ đồng trong 5 tháng

Bạch Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sáng 2-6, UBND TPHCM họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách tháng 5 và năm tháng đầu năm 2022. Trong các nội dung của cuộc họp, một trong những thông tin đáng chú ý đó là thu ngân sách đã đạt gần 210.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ của năm trước.

Phiên họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng 2022. Ảnh:BD

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi, từ đó tạo cho người dân và doanh nghiệp sự yên tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6%, trong đó 5 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,6%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 20,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,9%; tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 28,4 tỉ đô la, tăng 11,6%.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà, tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 209.824,523 tỉ đồng, đạt 54,28% dự toán năm, tăng 19,52% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa là 152.614,344 tỉđồng, đạt 56,51% dự toán, tăng 22,75% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 57.200 tỉ đồng, đạt 49,1% dự toán, tăng 11,7% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu du lịch ước đạt 39.509 tỉ đồng, tăng 9,8%. Khách du lịch nội địa đến TPHCM ước đạt 8,97 triệu lượt, tăng 24,9%; khách quốc tế đến TPHCM ước đạt 262.090 lượt.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Điều này tạo điều kiện hỗ trợ cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tình hình dịch bệnh được thành phố tiếp tục kiểm soát tốt, đồng thời từng bước kiểm soát hoạt động y tế cơ sở. Thành phố đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn hiệu quả, an toàn. Việc củng cố chiến lược y tế đã được triển khai thực hiện, gắn chiến lược y tế với các hoạt động chiến lược, kế hoạch khác.

Tuy nhiên, UBND TPHCM cũng nhìn nhận bên cạnh nhiều thuận lợi thì thành phố cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức, những tác động đan xen nhiều mặt. Trong đó, thị trường chứng khoán suy giảm ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư; nguy cơ lạm phát có biểu hiện gia tăng do diễn biến tình hình thế giới.

Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: BD

Một số ngành có chỉ số lao động giảm như sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 36,3%; sản xuất đồ uống giảm 22,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 21,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,6%.

Đáng lưu ý, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TPHCM thấp hơn so với cùng kỳ do nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021. Trong khi đó, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian thành phố thực hiện ứng phó với tình hình dịch Covid-19; chi phí đầu vào tăng cao.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước thành phố cung cấp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố đã giải ngân đến ngày 25-5 là 4.322,653 tỉ đồng, chỉ đạt 13,5% tổng kế hoạch vốn được giao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới