Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM ưu tiên phát triển các hành lang vận tải đến các bến cảng

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo kế hoạch về phát triển vận tải TPHCM vừa được ban hành, địa phương hướng đến phát triển hợp lý các phương thức vận tải và dịch vụ logistics như ưu tiên các hành lang vận tải đến các bến cảng thuộc cảng biển. Theo đó, thành phố sẽ tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa và quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải; chú trọng đầu tư phương tiện chở container trên đường thủy nội địa…

TPHCM hướng đến phát triển các phương thức vận tải và dịch vụ logistics như ưu tiên các hành lang vận tải đến các bến cảng thuộc cảng biển, trong đó có các đường trục, đường vành đai kết nối với các bến cảng biển, cảng cạn theo quy hoạch. Ảnh minh họa: L.Hoàng

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành kế hoạch về phát triển vận tải theo hướng đảm bảo an toàn giao thông TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TTXVN đưa tin.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ các cơ quan trực thuộc UBND TPHCM thực hiện các giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư; hoàn thiện chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải như cảng cạn, cảng biển, cảng thủy nội địa, trạm dừng nghỉ...

TPHCM hướng đến phát triển hợp lý các phương thức vận tải và dịch vụ logistics như ưu tiên các hành lang vận tải đến các bến cảng thuộc cảng biển, trong đó có các đường trục, đường vành đai kết nối với các bến cảng khu vực Cát Lái, Hiệp Phước và các bến cảng biển, cảng cạn theo quy hoạch. Thành phố cũng phát triển các hành lang kết nối đến các vùng Tây Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên; đồng thời, kết nối TPHCM với các cửa khẩu hàng hóa như cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh, cảng cửa ngõ quốc tế Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nhiều giải pháp được nêu ra như địa phương khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa và quốc tế với giá thành hợp lý; tăng kết nối dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các cảng đầu mối.

Việc đầu tư sàn giao dịch vận tải, logistics là một giải pháp kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng. Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải; tăng số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, ứng dụng công nghệ hiện đại; chú trọng đầu tư phương tiện chở container trên đường thủy nội địa; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hóa, đặc biệt là các khu vực trọng điểm sản xuất nông, thủy, hải sản, khu công nghiệp.

Ngoài ra, trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với giao thông đô thị, giai đoạn 2022-2030, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng ở TPHCM đạt 25% và từ năm 2025 sẽ là 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn 2031-2050, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt ít nhất 40%, từ năm 2030 tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh, đến năm 2050 thì tất cả xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới