(KTSG Online) - Tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, lãnh đạo các địa phương đã cùng rà soát kết quả nội dung kỳ họp trước, thống nhất nội dung định hướng hợp tác phát triển thời gian tới, trong đó tập trung đẩy mạnh các dự án giao thông kết nối vùng, thống nhất đề nghị TPHCM làm đầu mối dự án Vành đai 4.
- Đề xuất cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành kết nối với đường Vành đai 3 TPHCM
- Lo thiếu kinh nghiệm, Long An xin thôi điều phối dự án Vành đai 4 TPHCM
- Ùn tắc giao thông – thách thức lớn cho phát triển kinh tế Đông Nam bộ
Theo cổng thông tin Thành ủy TPHCM, ngày 7-7, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Đây là hội nghị lần thứ hai của thành phố với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm rà soát kết quả nội dung kỳ họp trước, thống nhất nội dung định hướng nội dung hợp tác phát triển trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc tháng 3-2023, các bên đã bàn về công tác phối hợp triển khai dự án Vành đai 3 TPHCM; các dự án cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, nút giao thông Sóng Thần, kết nối đường An Bình – Đào Trinh Nhất đến đường Phạm Văn Đồng;
Nâng tĩnh không các cầu Bình Triệu 1, Bình Phước 1, kết nối ven sông Sài Gòn; các phương án quy hoạch cầu kết nối TPHCM và tỉnh Đồng Nai, mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; thống nhất hợp tác khai thác, phát triển các tuyến đường thủy nội địa: tuyến Vũng Tàu – Cần Giờ, Vũng Tàu – cảng Bạch Đằng và các tuyến đường thủy nội địa khác.
TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ tại kỳ họp này đã bàn các nội dung: Tập trung quy hoạch phát triển đô thị sinh thái, đô thị cao cấp ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp dọc các tuyến đường liên kết vùng; các dự án cần nghiên cứu xem xét để đồng bộ quy hoạch giữa các địa phương trong vùng.
Nghiên cứu thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng và xây dựng bệnh viện tuyến cuối của vùng; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đề xuất, kiến nghị trung ương một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Các dự án giao thông kết nối vùng; kế hoạch phát triển đường sắt vùng; Tuyến đường sắt đô thị số 1 kéo dài (đoạn nối dài từ Suối Tiên đi Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương); Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành…
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh Đông Nam bộ cho rằng, hiện các tỉnh chưa thống nhất quy mô, phương thức đầu tư, chưa có cơ quan đầu mối phối hợp, trong khi TPHCM có kinh nghiệm làm đầu mối triển khai Vành đai 3 thành công. Vì thế các tỉnh đề nghị TPHCM tiếp tục làm đầu mối để thực hiện dự án Vành đai 4.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng cần có sự chủ động của các địa phương, qua đó đề nghị và xin ý kiến với trung ương để tập trung vào một cơ quan đầu mối. Nếu Bộ Giao thông Vận tải giao về địa phương, TPHCM sẵn sàng đảm nhận.
Chủ tịch TPHCM cũng nhìn nhận, vấn đề nổi lên hiện nay là kết nối giao thông vùng. Ông đề nghị các tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các dự án, trước hết là các dự án đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, trong đó có tuyến metro số 1 kéo dài, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành với tinh thần chủ động làm việc với bộ, ngành, giải quyết quy hoạch.
Về dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, lãnh đạo TPHCM cho biết sẽ cố gắng trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 7, dự kiến sẽ phê duyệt dự án vào cuối năm 2023, giải phóng mặt bằng vào năm 2024 và khởi công vào năm 2025. Ông Mãi nhìn nhận nếu tập trung thi công dự án này thì sẽ đồng bộ với các dự án đường vành đai.
Theo Baochinhphu.vn, Chủ tịch UBND TPHCM cũng thông tin về việc thành lập quỹ phát triển giao thông vùng, ông chịu trách nhiệm liên hệ Bộ Tài chính. Ngoài ra, ông Mãi đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM chủ động phối hợp với Ngân hàng thế giới, Sở Tài chính các địa phương sớm hoàn thiện phương án, đề xuất trong tháng 7-2023, sau đó tổ chức hội thảo, tiếp xúc với các nhà tài trợ và trình lại cho các địa phương cùng thống nhất vào kỳ họp tới.
Cũng theo ông Mãi, vì đây là quỹ phát triển giao thông vùng nên đề nghị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải các tỉnh khi làm công trình giao thông cần tính toán công trình nào, vùng nào, nhu cầu vốn và hình thức huy động vốn.
Đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM và Sở Giao thông Vận tải thành phố nghiên cứu cơ chế của Nghị quyết 98/2023/QH15 để đề xuất. Trước mắt có thể đề xuất cho các địa phương sử dụng ngân sách của mình góp vào quỹ này, cùng với nguồn vay quốc tế, nhận tài trợ quốc tế, ngân sách trung ương, tài trợ của doanh nghiệp.
Đối với mạng lưới tuyến metro, TPHCM vay của Nhật Bản khi thực hiện metro số 1, vay của Đức khi thực hiện tuyến metro số 2 nhưng việc mỗi tuyến vay của một nhà tài trợ sẽ rất phân tán, rất lâu. Do đó, khi tổ chức thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM sẽ đánh giá lại để thực hiện đồng bộ các tuyến còn lại, cần bao nhiêu tiền để đi vay tập trung và triển khai gắn với mô hình TOD.
Về y tế, TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ thống nhất cần có hợp tác về y tế giữa các tỉnh và sản phẩm đầu tiên là việc thành lập CDC vùng. Trong đó, cấp 1 là cấp chuyên sâu, cần phân cấp từng lĩnh vực chuyên sâu cho các tỉnh, chẳng hạn Đồng Nai chuyên tim mạch, TPHCM chuyên ung bướu. Có những bệnh thì TPHCM là tuyến cuối nhưng cũng có những bệnh thì các tỉnh đủ nhân lực sẽ được phân công để thành tuyến cuối.