TQ lại hạ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng
Phúc Minh
![]() |
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) lần thứ 5 từ tháng 2-2015 để thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) – Trong nỗ lực mới nhất nhằm ứng phó với tăng trưởng kinh tế giảm tốc, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) thông báo từ ngày 1-3 sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng từ 17,5% xuống 17%.
Đây là lần giảm RRR thứ năm trong một năm qua khi chính quyền Trung Quốc muốn duy trì tăng trưởng trong bối cảnh chứng khoán lao dốc và đồng nội tệ suy yếu. Lần giảm RRR gần nhất là vào tháng 10-2015.
PBoC cho biết động thái trên nhằm duy trì khả năng thanh khoản và định hướng cho dòng tiền và tín dụng tăng trưởng ổn định.
Vất vả chặn thất thoát vốn
PBoC đang nỗ lực khôi phục niềm tin vào đồng nhân dân tệ sau khi chứng kiến dòng vốn rút ra với tốc độ kỷ lục (gần 1.000 tỉ đô la Mỹ được chuyển ra ngoại quốc trong vòng 1 năm rưỡi qua, điều chưa từng thấy). Giảm RRR sẽ giúp các ngân hàng cho vay nhiều hơn và bù đắp lại lượng vốn thất thoát.
Để chống lại nạn rút vốn khỏi Trung Quốc, giới chức Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp, cả kinh tế lẫn hành chính. Biện pháp thấy rõ là ồ ạt mua nhân dân tệ để giúp nhân dân tệ tăng giá. Biện pháp này có những thành công nhất định nhưng giá phải trả cũng cao: Kho dự trữ ngoại tệ Trung Quốc mất 108 tỉ đô la Mỹ trong tháng 12-2015, rồi mất thêm 99 tỉ vào tháng 1-2016. Từ đỉnh cao 4.000 tỉ đô la Mỹ năm 2014, đến nay, kho ngoại tệ của Trung Quốc chỉ còn hơn 3.200 tỉ đô la Mỹ, mức giảm chưa từng thấy với tốc độ chóng mặt và không thể chịu đựng lâu dài.
Đối với các chuyên gia kinh tế, hiện tượng vốn bốc hơi tất nhiên sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế trong việc cung cấp thanh khoản cho thị trường trong nước nhằm khôi phục đà tăng trưởng, niềm tin trong giới đầu tư. Vấn đề là phải làm sao trấn an các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như nước ngoài về khả năng nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại.
Tái khẳng định giữ ổn định tỷ giá nhân dân tệ
Cũng trong ngày 29-2, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với đô la Mỹ ở mức thấp nhất 4 tuần qua (6,5452 nhân dân tệ đổi1 đô la Mỹ, giảm 0,17% so với ngày trước đó), dù trước đó Thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên khẳng định không có cơ sở để hạ giá nhân dân tệ hơn nữa.
Sự mất giá của nội tệ lập tức tác động tới thị trường chứng khoán, chỉ số Shanghai Composite giảm gần 2,9% lúc đóng cửa ngày hôm qua 29-2.
Tuy nhiên, phát biểu tại buổi tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ở Bắc Kinh ngày 29-2, Thủ tướng Lý Khắc Cường tái khẳng định Trung Quốc sẽ giữ ổn định tỷ giá nhân dân tệ và thúc đẩy cải cách. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi việc thả nổi tỷ giá có kiểm soát dựa trên nguồn cung và nhu cầu của thị trường và với việc tham chiếu giỏ tiền tệ, cũng như sẽ giữ tỷ giá ổn định một cách hợp lý và cân bằng. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục thực hiện cải cách, đặc biệt là mặt cung ứng, và mở rộng việc tiếp cận thị trường thông qua cạnh tranh công bằng.
Hội nghị G20 chất thêm "gánh nặng" lên các ngân hàng trung ương
Động thái trên diễn ra ngay sau Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng nhóm 20 nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Thượng Hải (Trung Quốc) và trước thềm kỳ họp thường niên của “Lưỡng hội” (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc). Tại kỳ họp này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng thấp hơn (từ 6,5-7%). Năm ngoái, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 6,9% – chậm nhất 25 năm qua – do nhu cầu nội địa và quốc tế yếu, sản xuất dư thừa và đầu tư ảm đạm.
Trước đó, hội nghị G20 bế mạc mà không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế toàn cầu đang làm khó các ngân hàng trung ương. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, sau nhiều năm nỗ lực vực dậy nền kinh tế nhưng không thành, các ngân hàng trung ương và quan chức tài chính hàng đầu lo ngại các chính sách tiền tệ đang mất dần hiệu lực. Chưa dừng ở đó, việc tiếp tục thực thi các chính sách này trong tương lai còn có thể mang lại “lợi bất cập hại.” Các công cụ quen thuộc được các ngân hàng trung ương sử dụng như duy trì lãi suất ở mức thấp và thu mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn có thể tạo ra “bong bóng” giá tài sản, trong đó phải kể đến giá bất động sản. Lãi suất thấp còn làm giảm lợi nhuận ngân hàng, kéo theo là giảm khả năng cho vay. Trong khi đó, chương trình thu mua trái phiếu chính phủ làm giảm thanh khoản và “kìm chân” các doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Ông Schaeuble cho biết nếu muốn nền kinh tế thực tăng trưởng phải đẩy mạnh cải cách.