Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tranh cãi vốn chủ sở hữu ở Hòa Bình: con số nào là hợp lý?

Nguyễn Việt Dũng - Nguyễn Thảo Phương Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sự khác biệt quan điểm trong việc đánh giá tài sản giữa doanh nghiệp và kiểm toán thường dẫn đến những tình huống tranh cãi về các con số. Ở tình huống của Công ty xây dựng Hòa Bình, đâu là con số hợp lý?

Kiểm toán thận trọng quá mức?

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam có không ít câu chuyện tranh cãi về báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên trường hợp Công ty xây dựng Hòa Bình (mã cổ phiếu HBC) mới đây lại cho thấy góc nhìn thú vị và mới mẻ, khi doanh nghiệp định giá tài sản trong nhiều giả định mà chuẩn mực kế toán chưa cho phép.

Thông tin cũng hỗn loạn vì có quá nhiều con số được nêu ra, trong nhiều loại báo cáo khác nhau. Ngay sau khi kiểm toán thì công bố con số vốn chủ sở hữu chỉ còn 93 tỉ đồng tính đến cuối năm 2023, HBC lập tức phản bác, nhưng lại sử dụng cụm từ “báo cáo quản trị”, trong đó nhấn mạnh đến giá trị 5.538 tỉ đồng trong các giải thích của mình, tức gấp hơn 60 lần so với con số kiểm toán đưa ra.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, báo cáo quản trị này không phải là loại báo cáo công khai đại chúng theo quy định của doanh nghiệp niêm yết. Đây là loại báo cáo định kỳ phải nộp, liên quan đến các hoạt động của hội đồng quản trị hay ban kiểm soát, giao dịch các cổ đông lớn.

Còn trên thực tế, HBC ban đầu xác định vốn chủ sở hữu là 454 tỉ đồng theo báo cáo hợp nhất quí 4-2023. Sau đó, kiểm toán điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế 333 tỉ đồng, kết quả vốn chủ sở hữu giảm theo tương ứng (chi tiết giải trình của HBC có thể xem thêm bên dưới).

Tranh cãi ở chỗ kiểm toán viên của Công ty AASC (cái tên “mới toanh” thay thế cho Công ty kiểm toán EY Việt Nam đã “theo sát” HBC từ năm 2011), đưa ra ý kiến ngoại trừ cho các khoản nợ phải thu khi chưa thu thập đủ bằng chứng.

Trong khi đó, HBC nói rằng việc ghi nhận theo nguyên tắc kế toán là quá thận trọng và không phản ánh thực tế đối với giá trị tài sản, bao gồm bất động sản không được ghi nhận theo giá thị trường, giá trị còn lại của máy móc thiết bị không phản ánh đúng thực tế do khấu hao và trượt giá.

Về dự phòng phải thu, HBC đánh giá dựa trên nguyên nhân chậm thanh toán, chất lượng công trình, hồ sơ thanh quyết toán, năng lực tài chính của khách hàng. Lịch sử thu hồi nợ của HBC cho thấy khả năng thu hồi cao. Ngoài ra, theo phán quyết của tòa, HBC xét đến khả năng thu hồi được khoản phải thu theo phán quyết của tòa có thể cao hơn giá trị ghi nhận trên sổ sách (thu được cả lãi ngoài nợ gốc phải thu).

Đánh giá như thế nào là hợp lý?

Có thể thấy sự chênh lệch giữa báo cáo tài chính tự lập của HBC và báo cáo kiểm toán, cũng như so với báo cáo quản trị tự lập đều do sự khác biệt trong quan điểm, xét đoán của người lập báo cáo. HBC cho rằng kiểm toán viên dựa theo xét đoán chuyên môn, quy định trong các chuẩn mực kế toán nên đưa ra một tỷ lệ lập dự phòng "khá thận trọng” so với những gì HBC đánh giá.

Tuy nhiên, đối tượng sử dụng báo cáo là khác nhau. Báo cáo quản trị theo khái niệm của HBC sẽ phục vụ riêng cho ban lãnh đạo công ty dùng cho việc ra quyết định, đánh giá hiệu quả hoạt động, vạch ra chiến lược phát triển. Còn báo cáo tài chính kiểm toán cung cấp thông tin cho các bên liên quan (nhà đầu tư, chủ nợ,…) về tình hình tài chính công ty, đảm bảo tính minh bạch, khách quan và tuân theo quy định kế toán.

Vậy hai loại báo cáo này có ưu điểm và nhược điểm gì trong việc đánh giá tài sản?

Thực tế cũng có trường hợp nhiều tài sản có giá trị rất lớn nhưng không nằm trên báo cáo tài chính, vì không đủ điều kiện để được ghi nhận là tài sản. Ảnh minh họa: DNCC

Báo cáo tài chính phải tuân theo các quy định ghi nhận theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc thận trọng, nên các tài sản ghi theo giá gốc, không phản ánh theo giá trị thị trường.

Do đó, khi lập báo cáo quản trị, HBC dùng nhiều giả định, đưa ra đánh giá riêng của công ty vào từng vấn đề. Nhưng thắc mắc mà nhà đầu tư đặt ra ở đây sẽ là liệu những giả định đó có chính xác? Câu hỏi này cũng tương tự với những bản phân tích doanh nghiệp được phát hành từ bộ phận phân tích của công ty chứng khoán hay quỹ đầu tư.

Thực tế cũng có trường hợp nhiều tài sản có giá trị rất lớn nhưng không nằm trên báo cáo tài chính, vì không đủ điều kiện để được ghi nhận là tài sản.

Ví dụ điển hình là chúng ta không thể tìm thấy giá trị thương hiệu Mickey Mouse (chuột Mickey) trên báo cáo tài chính của Disney. Chú chuột mà hàng triệu trẻ em say mê theo dõi này là “tài sản” do Disney tự tạo, nhưng không thỏa các điều kiện kế toán để được ghi thành tài sản.

Tuy nhiên, khi phân tích doanh nghiệp, các nhà phân tích tài chính đều thêm những giả định liên quan đến thương hiệu này để định giá, vì thực tế Disney Mouse là một phần rất quan trọng của Disney.

Vậy nên, người đọc báo cáo cần chú ý hiểu rõ góc nhìn và mục đích của từng loại báo cáo để có cái nhìn toàn cảnh hơn. Tham khảo báo cáo kế toán để xem xét tình hình tài chính như thế nào (nhìn về quá khứ) và có thể so sánh được với các doanh nghiệp khác, còn báo cáo quản trị dùng để tham khảo quan điểm của lãnh đạo doanh nghiệp về việc đánh giá tài sản.

Ngoài ra, khi lập báo cáo tài chính của công ty, kế toán viên cũng nên thêm những thông tin về giá trị hợp lý của tài sản bên cạnh những con số theo giá gốc, để giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn về giá gốc và giá trị hợp lý của tài sản này trên thị trường, giúp báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin hơn cho người đọc.

Một điểm đáng chú ý khác là Việt Nam đang có lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) bắt buộc từ sau năm 2025. Chuẩn mực này cho phép doanh nghiệp được lựa chọn chính sách kế toán theo giá gốc hoặc giá trị hợp lý.

Những công ty niêm yết có nhiều tài sản chịu ảnh hưởng trực tiếp của rủi ro thị trường, như HBC chẳng hạn, sẽ có nhiều cơ hội để được ghi nhận tài sản theo giá trị hợp lý, nhưng cũng có thể gặp nhiều thách thức khi đánh giá tổn thất tài sản. Do đó, người đọc báo cáo tài chính cần tỉnh táo, chú ý sự thay đổi trong quy định để có nhận định hợp lý.

Lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm 333 tỉ sau kiểm toán

Theo giải trình của HBC, lợi nhuận giảm do quan điểm thận trọng của đơn vị kiểm toán đã phản ánh số liệu theo đúng chế độ kiểm toán Việt Nam, còn HBC thì thể hiện kết quả của báo cáo tài chính trên nguyên tắc tuân thủ chế độ kế toán của Việt Nam nhưng “không quá thận trọng” để kết quả báo cáo không chênh lệch quá xa so với thực tế.

HBC nói thêm trong năm 2023, công ty đã ký hợp đồng bán một số khoản nợ phải thu cho một công ty mua bán nợ, thu trong vòng 12 tháng. HBC đã nhận được thanh toán 10% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, AASC chỉ ghi nhận khi được trả tiền.

HBC cho rằng điều này không có quy định cụ thể trong chế độ kế toán Việt Nam. Ngoài ra, vào cuối tháng 3 năm 2024, công ty đã thu được thêm số tiền 42 tỉ đồng. Khoản bán nợ này dự kiến sẽ được ghi nhận toàn bộ trong năm 2024 (hoàn nhập dự phòng).

HBC cũng có ý kiến về việc kiểm toán tăng trích lập dự phòng khoản phải thu khách hàng tính theo tuổi nợ đối với nhóm 3 khách hàng chiến lược của HBC khiến cho lợi nhuận sau kiểm toán giảm 63,3 tỉ đồng.

Ngoài tiềm lực tài chính đã được công ty xác minh (ba chủ đầu tư uy tín, làm việc lâu năm, có giá trị cao nhưng ghi nhận nguyên giá sổ sách thấp), HBC đánh giá không có rủi ro không thu được nợ. Trong năm 2023, nhóm 3 khách hàng trên đã chuyển hơn 1.109 tỉ đồng và 119 tỉ đồng từ đầu tháng 1-2024 đến nay.

Cuối cùng là khoản 10,9 tỉ đồng điều chỉnh một số chi phí nhỏ. Bao gồm chi phí liên quan đến chi phí môi giới đối với các căn hộ khách hàng yêu cầu trả cọc, tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, điều chỉnh tăng chi phí lãi vay ngân hàng, và hoàn nhập dự phòng phải thu của khách hàng và một số điều chỉnh bút toán nhỏ khác.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới