Trào lưu Lomography trong giới trẻ Việt Nam
Phương Mai
(TBKTSG Online) - Trường phái Lomo hay còn gọi là LomoGraphy (dùng máy ảnh dùng phim của Nga để chụp hình) – một trào lưu trong giới sinh viên, học sinh châu Âu từ những năm đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước- gần đây đã xuất hiện ở Việt Nam
Hiện nay trào lưu quay trở lại sử dụng máy phim đang lan nhanh trong cộng đồng người yêu thích nhiếp ảnh. Nhưng không phải ai cũng đủ tiền để mua những chiếc máy ảnh phim chuyên nghiệp hoặc đủ khả năng và kiến thức để sử dụng những tính năng phức tạp trong những chiếc máy ảnh này. Trào lưu Lomography ra đời đã tạo nên một hiện tượng “chụp không cần nghĩ” trong giới trẻ.
Thú vui mới của giới trẻ
Lomo là tên dòng máy ảnh giá bình dân dành cho giới sinh viên, học sinh, được sản xuất tại nhà máy Lomo, thành phố Leningrad, Liên Xô cũ. Với những nguyên vật liệu rẻ tiền, cấu tạo ống kính đơn giản, độ quang học không cao, nên những bức hình chụp bằng máy Lomo có chất lượng không cao, thường bị hiện tượng tối ở bốn góc, độ tương phản cao khiến ảnh bị chói và bị gắt ở một số màu như xanh, vàng, đỏ…Nhưng chính nhược điểm ấy đã tạo nên phong cách cho những chiếc máy ảnh Lomo. Trường phái Lomo hay còn gọi là Lomography đã trở thành trào lưu trong giới sinh viên, học sinh châu Âu từ những năm đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước.
Còn ở Việt Nam, trường phái này chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, nhưng cũng đã thu hút khá đông các bạn trẻ đam mê khám phá điều mới lạ.
Những chiếc máy ảnh Lomo đề cao sự ngẫu hứng, người chụp có thể chụp một cách tự do, không cần suy nghĩ, thoải mái sáng tạo, không cần quan tâm đến những chuẩn mực về kỹ thuật và thẩm mỹ của nhiếp ảnh thông thường như tiêu cự, khẩu độ, góc độ…
Khi được hỏi điều gì ở trường phái này thu hút các bạn trẻ đến vậy, Hoàng Việt, một tín đồ Lomography cho biết: “Với một chiếc máy ảnh Lomo, mình có thể bấm thoải mái mà không cần nghĩ. Từ đó mình tự do sáng tạo nên những bức ảnh sống động, và đặc biệt kết quả sản phẩm là những tấm hình cực độc khiến cho mình nghiện Lomography lúc nào không biết.”
Rẻ đâu phải là vứt đi
Cấu tạo của một chiếc máy ảnh Lomo khá nhỏ, nhẹ và giá cả thì có thể nói là mềm hơn bất cứ loại máy ảnh nào khác trên thị trường. Chỉ từ vài chục đô la Mỹ đến cao nhất là 200 đô la Mỹ là bạn đã cầm trên tay chiếc máy ảnh cực độc, tùy theo từng dòng máy. Thêm vài chục ngàn mua cuộn phim là bạn có thể tung tăng mang chiếc máy ảnh nhỏ xinh đi khắp nơi chụp bất cứ thứ gì. Nhưng theo nhiều bạn trẻ thú vui lớn nhất khi chụp hình bằng máy ảnh Lomo vẫn là công đoạn hồi hộp tráng phim, và cảm nhận những yếu tố đầy bất ngờ khi những bức hình ra đời.
Thời gian gần đây, dù máy ảnh kỹ thuật số đang hầu như chiếm lĩnh thị trường, nhưng máy phim cũng không hẳn là không có chỗ đứng. Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, máy phim vẫn được ưu tiên hơn. Nhưng nhiều bạn trẻ thay vì bỏ hàng đống tiền để mang về những chiếc máy phim phức tạp, cồng kềnh, họ dành tình yêu cho chiếc máy Lomo nhỏ gọn, xinh xắn và độc đáo.
Trên các diễn đàn về nhiếp ảnh trên mạng như vnphoto.net, xomnhiepanh.com, topic về Lomo xuất hiện ngày càng nhiều, các thành viên thường xuyên tổ chức các buổi offline để giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Thậm chí số lượng thành viên trên fan page Lomography (facebook) đã lên đến con số gần 300.000 người hâm mộ, điều đó cho thấy trào lưu “ghiền” Lomo đang lan nhanh trong cộng đồng trẻ.
Cùng chiêm ngưỡng một vài bức hình chụp bằng máy ảnh Lomo.