Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Triển khai thiết bị đeo và công nghệ robot trong quản lý kho hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020, thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 29%, đạt 52 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Thay đổi trên thị trường đã tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, nhưng đồng thời cũng gây áp lực nặng nề lên hoạt động vận hành kho hàng của họ. Hiểu biết thực tế về việc làm thế nào có thể ứng dụng công nghệ mới một cách nhanh chóng để tăng năng suất lao động sẽ giúp duy trì hiệu năng hoạt động của kho hàng ở mức cao nhất, kể cả trong giai đoạn đại dịch. Bài viết dưới đây của bà Tracy Yeo, Giám đốc Zebra Technologies tại Việt Nam.

Bà Tracy Yeo, Giám đốc Zebra Technologies tại thị trường Việt Nam.

Xác định năng lực tự động hóa hiện tại

Một điểm quan trọng trước khi ứng dụng bất kỳ công nghệ mới nào là các đơn vị vận hành kho hàng cần tìm hiểu rõ về mức độ phù hợp của tự động hóa đối với các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp mình. Báo cáo Nghiên cứu về tầm nhìn quản lý kho hàng khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAC) của Zebra chỉ ra rằng trọng tâm của các nhà hoạch định trong lĩnh vực kho hàng hiện đang chú trọng vào kết quả vận hành ở giai đoạn đầu hiện đại hóa kho hàng. Thông thường các kết quả này bao gồm áp dụng các giải pháp di động và mã vạch cơ bản giúp kiểm soát bước đầu các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua nâng cao năng suất của người lao động.

Mục tiêu là xây dựng chiến lược di động “tốt nhất”, trong đó công nghệ được tối ưu hóa cho các tác vụ vận hành và mang lại sự tiện lợi cho nhân viên. Ví dụ, khi các giải pháp di động kết nối đồng bộ với các hệ thống quản lý kho hàng (WMS), nhân viên có thể truy xuất dữ liệu thu thập dữ liệu một cách kịp thời để ra quyết định hiệu quả hơn. Thông tin cụ thể về tài sản và quy trình được thu thập và chia sẻ với đồng nghiệp và các đơn vị trong chuỗi cung ứng thông qua hệ thống WMS. Điều này cho phép nhân viên giao tiếp hiệu quả hơn để cải thiện năng suất của cả nhóm cũng như tuân thủ quy trình làm việc tốt hơn.

Ứng dụng công nghệ thiết bị đeo là một trong những phương pháp phổ biến nhất để khai thác tối đa tính năng di động; đồng thời công nghệ người máy (robotics) cũng đang thu hút được nhiều sự quan tâm bởi công nghệ này đang trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp vận hành kho hàng cần nhận thức được rằng đây là một quá trình dài hạn, và không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua các giai đoạn hiện đại hóa với tốc độ hoặc trình tự thời gian như nhau. Một khung (framework) chiến lược để phân chia quá trình chuyển đổi kinh doanh thành các đầu công việc nhỏ và dễ quản lý là điều kiện cần thiết để các đơn vị vận hành kho hàng có thể dễ dàng đạt được mục tiêu dài hạn thay vì nhanh chóng bị quá tải.

Hướng tới loại bỏ các quy trình giấy tờ

Một trong những bước đi sớm và dễ thực hiện nhất mà các doanh nghiệp vận hành kho hàng nên triển khai trong hành trình hiện đại hóa là loại bỏ các quy trình trên giấy tờ. Đã qua rồi thời phải in danh sách lấy hàng khi ca làm việc bắt đầu. Với khối lượng và tốc độ thực hiện đơn hàng như hiện nay, việc trang bị đội ngũ nhân viên các công cụ điện tử để xử lý đơn đặt hàng, lên danh sách hàng cần chọn, hướng dẫn lấy và vận chuyển hàng sẽ giúp cho việc lựa chọn, đóng gói, chuẩn bị và vận chuyển hàng hóa trở nên hiệu quả và linh hoạt hơn. Phương pháp đơn giản nhất là gửi phiếu giao việc và hướng dẫn từng bước tới thiết bị kiểm kho, máy tính bảng công nghiệp hoặc thiết bị kiểm kho gắn trên xe.  Ngoài ra, nhiều nhân viên được hưởng lợi từ các thiết bị đeo có tính năng cung cấp hướng dẫn bằng hình ảnh hoặc giọng nói kết hợp với tính năng quét rảnh tay được truy cập trực tiếp vào WMS, cho phép họ truy xuất và nhận hướng dẫn nhiệm vụ theo từng phút, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả công việc cá nhân cũng như độ chính xác trong quá trình thu thập dữ liệu và hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các công nghệ đeo cũng mang lại sự tiện lợi cho nhân viên, một trong những sáng kiến về lao động hàng đầu của các nhà lãnh đạo đơn vị khai thác kho hàng trong 5 năm tới, theo báo cáo Tầm nhìn vận hành kho hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Zebra.

Thiết bị đeo đang góp phần tăng hiệu quả quản lý kho hàng cho các doanh nghiệp.

Thiết kế công thái học của máy kiểm kho dạng đeo cho phép đeo máy trên cánh tay, sử dụng màn hình cảm ứng và bàn phím để hỗ trợ quy trình làm việc, nhờ đó người lao động có thể truy cập các hướng dẫn WMS để thao tác đúng. Thiết kế này giúp người dùng được thoải mái và ít bị mệt mỏi hơn khi phải đeo thiết bị trong khoảng thời gian dài. Máy quét mã vạch cũng có thể được gắn kèm vào thiết bị đeo để nhân viên có thể thực hiện các thao tác quét mã vạch 1D và 2D trong phạm vi di chuyển tự nhiên của mình. Các thiết bị này còn bao gồm máy quét mã vạch đeo ngón tay (ring scanner) giúp dễ dàng thu thập dữ liệu và xác minh hàng hóa, hay các loại kính đeo có chức năng hiển thị thông tin (heads-up display) dùng trong doanh nghiệp, hỗ trợ các ứng dụng thực tại ảo để thực hiện các thao tác chọn và cất giữ hàng hóa một cách nhanh chóng và an toàn.

Thiết bị đeo còn cho phép nhân viên điều khiển bằng giọng nói và đồng bộ thông tin với các thiết bị phụ trợ khác được kết nối Bluetooth như máy in di động. Tính năng này giúp người lao động giảm thời gian đi lại giữa các loại thiết bị để truy tìm thông tin trên máy in để lấy các bản in nhãn hàng.

Trợ lý robot

Tự động hóa robot là một giải pháp công nghệ khác đang thu hút được nhiều sự quan tâm chú ý vì có khả năng chuyển đổi hoạt động vận hành kho hàng. Tùy theo mục đích sử dụng, robot thông minh có nhiều hình dạng và kích thước, và ngày càng có nhiều trường hợp robot được cung cấp dưới dạng dịch vụ (RaaS), nhờ đó các doanh nghiệp có thể dễ dàng tăng giảm đầu tư dựa trên nhu cầu của mình. Hình thức sử dụng robot phổ biến nhất trong lĩnh vực kho hàng là robot cộng tác, thường được gọi là cobot hoặc robot tự hành (AMR), giúp vận chuyển hàng hóa trong kho để tiết kiệm thời gian và sức lực của nhân viên. Nhờ sử dụng cobot và robot tự hành, các đơn vị vận hành kho hàng có thể giảm bớt gánh nặng của các công việc thủ công để nhân viên tập trung thực hiện các nhiệm vụ có giá trị cao hơn. Việc sử dụng cobot thay người có thể làm giảm đáng kể quãng đường phải di chuyển hàng ngày của người lao động.

Robot tự hành (AMR) có thể ghi nhớ bố trí mặt bằng trong môi trường kho hàng, sử dụng các dấu mã vạch được bố trí trên toàn diện tích nhà kho làm điểm tham chiếu tương ứng với các vị trí kệ hàng.

Hiện đại hóa kho hàng: các bước đi tiếp theo

Các đơn vị vận hành kho hàng sử dụng hệ thống WMS hiện đại có thể phát huy tương đối nhanh các tính năng di động và công nghệ quét hiện đại mà không cần nhiều hỗ trợ của bộ phận CNTT. Hơn nữa, họ cũng sẽ thấy chỉ cần đào tạo nhân viên ở mức cơ bản là có thể bắt đầu sử dụng các thiết bị này. Trên thực tế, năng suất có thể được cải thiện khá nhanh chóng, đặc biệt nếu giải pháp có các giao diện dạng trò chơi hóa, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong việc phấn đấu đạt các chỉ số hiệu năng chính (KPI). Mặc dù việc nhanh chóng ứng dụng cobot sẽ gặp phải một số khó khăn ban đầu, nhưng việc triển khai và lựa chọn một đối tác đúng đắn sẽ giúp việc áp dụng công nghệ tiên tiến này vào quy trình làm việc hàng ngày trở nên dễ dàng hơn. Các đơn vị vận hành kho hàng đã sẵn sàng bắt đầu hành trình hiện đại hóa của mình sẽ tìm thấy rất nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu và đảm bảo hoàn vốn đầu tư nhanh chóng cho họ.

Để tìm hiểu thêm về các giải pháp công nghệ khác dành cho các đơn vị vận hành kho hàng hiện đại hóa hoạt động của họ, vui lòng truy nhập tại đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới