Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trở ngại cũ, đòi hỏi mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trở ngại cũ, đòi hỏi mới

Trở ngại cũ, đòi hỏi mớiHội nghị Phát triển doanh nghiệp dân doanh tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội một lần nữa ghi nhận những khó khăn và trở ngại cần tháo gỡ để doanh nghiệp dân doanh phát triển.

Trước năm 1999, các doanh nghiệp dân doanh hầu như chỉ phát triển cầm chừng. Cho đến khi Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 2000, các doanh nghiệp này mới có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn tồn tại những khó khăn mang tính “truyền thống” như thủ tục hành chính rườm rà, khó tiếp cận nguồn vốn, thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh chưa hoàn thiện… khiến các doanh nghiệp dân doanh khó bứt phá lên được.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, trong bài phát biểu tại hội nghị, đã thừa nhận vai trò của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh hiện nay là rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ông nêu lên một loạt các con số liên quan đến doanh nghiệp dân doanh và nhấn mạnh rằng mục tiêu 500.000 doanh nghiệp dân doanh vào năm 2010 vẫn đang được theo đuổi một cách nghiêm túc. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2000-2006 đã có hơn 200.000 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn đăng ký tương đương 30 tỉ đô la Mỹ. Riêng năm 2007, dự kiến sẽ có thêm 51.000 doanh nghiệp mới với tổng vốn đăng ký khoảng 11,4 tỉ đô la.

Thực tế trên cho thấy, những đòi hỏi về việc cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp dân doanh phát triển là một yêu cầu bức thiết. Trong nhiều năm qua, những nỗ lực của Chính phủ mới chỉ giúp “cải thiện” tình hình chứ chưa tạo được sự thay đổi mang tính căn bản. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận trong năm 2006, các doanh nghiệp vẫn phải mất tới 22,7 ngày để hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh. Bình quân mỗi doanh nghiệp phải vượt qua rào cản 4,14 giấy phép con và phải dành ra 22,9% quỹ thời gian để giải quyết các thủ tục hành chính. Nghiêm trọng hơn, có đến 68,5% số doanh nghiệp thừa nhận đã phải thường xuyên trả các khoản chi phí không chính thức để có thể hoạt động.

Thực tế đó đòi hỏi Chính phủ càng phải hành động một cách quyết liệt, thường xuyên hơn để cải thiện môi trường kinh doanh. Trường hợp giấy phép con là một điển hình. Cuộc chiến đối với giấy phép con đã được phát động từ nhiều năm nay, và trong khi dường như Chính phủ và các bộ ngành đều đã thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề, thì cũng đồng thời không ai có thể khẳng định bao giờ câu chuyện này mới chấm dứt. Một cuộc điều tra của VCCI tiến hành hồi năm ngoái cho thấy trong 37 giấy phép con được rà soát thì tất cả đều đưa ra điều kiện cấp phép không hợp lý và 89% số giấy phép có vấn đề về thủ tục cấp phép. Một lần nữa, vấn đề giấy phép con được đưa vào dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. Đây cũng là nội dung đã liên tục được đưa vào các văn bản chỉ thị trước đây. Tuy nhiên, điều mà cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi nhất là Chính phủ phải thực sự mạnh tay với các giấy phép con. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nói: “Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng ngay quí 4 năm nay, việc bãi bỏ tất cả các loại giấy phép con bất hợp lý sẽ được tiến hành”.

Nhưng chính trong bối cảnh đó, những hiệu ứng tích cực từ việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh việc phân cấp lại đang có điều kiện lan tỏa. Khi các chính sách đủ để đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn địa bàn triển khai hoạt động kinh doanh, việc một số địa phương “tự cải thiện” môi trường đầu tư đã trở thành một điểm sáng đáng ghi nhận. Nhiều tỉnh, thành trước đây là “điểm đen” về đầu tư nay đang đứng trước cơ hội đột phá về thu hút đầu tư như trường hợp của Hà Tây. Một khi được chủ động trong việc cấp phép đầu tư và quản lý doanh nghiệp, địa phương nào có giải pháp phù hợp thì sẽ vượt lên và cộng đồng doanh nghiệp dân doanh sẽ được hưởng lợi.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận Chính phủ cần phải giải quyết một khối lượng công việc vô cùng lớn để có thể đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. “Chính phủ đang quyết tâm cải cách hành chính, phân cấp mạnh và rộng, quy định trách nhiệm rõ ràng; coi trọng cải cách hành chính, minh bạch hóa gắn với thực hiện cơ chế một cửa để giải quyết các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp”- ông nói. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp là phải tự lực vươn lên để tận dụng cơ hội lớn trước mắt.

Chờ đợi cách làm mới

Đối với những người từng tham gia các cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trước đây, Hội nghị Phát triển doanh nghiệp dân doanh năm nay có nhiều điểm mới mà… không mới.

Hội nghị do Văn phòng Chính phủ tổ chức, với sự chủ trì của một phó thủ tướng và hai thứ trưởng, đem lại cảm giác đây là một hội nghị tổng kết hơn là một cuộc đối thoại thực sự. Tuy nhiên, khác với trước đây nhiều đại diện doanh nghiệp thường bày tỏ bức xúc thì nay chỉ là các bài phát biểu và kiến nghị như thường thấy ở các hội nghị ngành.

Một chuyên gia về môi trường kinh doanh của Việt Nam nói rằng việc tổ chức đối thoại theo kiểu hội nghị tổng kết như vậy là không thật sự ý nghĩa và thông điệp được đưa ra không rõ ràng. Cách tốt nhất là cộng đồng doanh nghiệp phải đứng ra tổ chức, rồi mời Thủ tướng cùng các đại diện Chính phủ đến để đối thoại theo hình thức hỏi đáp, hơn là tập trung lại chỉ để nghe báo cáo. Một cách tổ chức hiệu quả là đối thoại như ở Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức trước Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ, ở đó doanh nghiệp hỏi và Chính phủ trả lời theo từng vấn đề, lĩnh vực cụ thể.

Mặt khác, nhiều nội dung trong bản dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về môi trường kinh doanh năm nay có sự trùng lắp với những văn bản chỉ thị trước đây. Và nếu coi các nội dung trong chỉ thị như là lời hứa của Chính phủ thì đến cuộc gặp năm sau, nên để các doanh nghiệp chất vấn về những điều Chính phủ hứa mà chưa làm được. Như thế có lẽ sẽ hiệu quả và nhiều ý nghĩa hơn.

Anh Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới