Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trong Covid, càng cần chú ý cybersquatting!

Thiên kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Theo thống kê gần đây của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO), hành vi “cybersquatting” (chiếm dụng tên miền) đang tăng nhanh, đặc biệt là từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Cybersquatting là hành vi cố tình sử dụng nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ của người khác để đăng ký tên miền trước khi “chính chủ” kịp đăng ký, để có thể bán lại kiếm lời. Đi kèm với hành vi này là “typosquatting” – đăng ký tên miền gần giống với nhãn hiệu của người khác, để trục lợi khi người tiêu dùng phạm lỗi đánh máy trong quá trình tìm kiếm tên nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ trên Internet.

Kể từ đầu những năm 2000 đến nay, những hành vi nói trên trở nên đặc biệt phổ biến, vì không ít doanh nghiệp còn chưa chú trọng tới tên miền cũng như lợi ích của nó, trong khi nguyên tắc căn bản trong lĩnh vực này là “first come, first serve” – ai nộp đơn đăng ký trước thì được cấp bằng sở hữu.

Không hiếm chuyện doanh nghiệp phải bỏ ra những khoản tiền lớn để mua lại tên miền tương tự với nhãn hiệu của doanh nghiệp, để có thể tiếp tục khai thác nhãn hiệu(1).

Gần đây, hành vi này có phần chuyển hướng để đạt một mục đích khác, đó là lợi dụng các công cụ tìm kiếm để “xuất hiện” trước người tiêu dùng nhiều hơn, nhằm tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ một cách thiếu lành mạnh.

Cybersquatting là hành vi cố tình sử dụng nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ của người khác để đăng ký tên miền trước khi “chính chủ” kịp đăng ký, để có thể bán lại kiếm lời. Đi kèm với hành vi này là “typosquatting” – đăng ký tên miền gần giống với nhãn hiệu của người khác, để trục lợi khi người tiêu dùng phạm lỗi đánh máy trong quá trình tìm kiếm tên nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ trên Internet.

Dịch Covid-19 dẫn đến việc người tiêu dùng sử dụng dịch vụ mua bán trên mạng ngày càng nhiều hơn, vì thế cybersquatting và typosquatting cũng được thể “nở rộ” như nấm gặp mưa.

Tính đến cuối năm 2020, Trung tâm trọng tài và hòa giải của WIPO đã tiếp nhận số lượng tranh chấp liên quan tới hành vi cybersquatting vượt quá con số 50.000 tranh chấp, liên quan tới gần 91.000 tên miền, mà các bên tranh chấp đến từ hơn 180 quốc gia. Theo WIPO, dịch Covid-19 trên toàn cầu đã dẫn đến kết quả là số lượng tranh chấp tên miền tại Trung tâm trọng tài và hòa giải của tổ chức này tăng tới 11%, từ năm 2019-2020. Một số ví dụ cybersquatting có thể đưa ra, như những tên miền sau vốn tìm cách “ăn theo” các tên tuổi nổi tiếng: <hmrc-uk.com>, <godrejcareer.com>, <givebackgeico.com>, <tencentweibo.com>, <cvsheath.com>, <plfizer.com>, <facebookloginhelp.net>, <freddofrog.com>, <paypalogin.com>, hay <liomessi.com>…

Ngăn chặn hành vi cybersquatting hay typosquatting là đặc biệt quan trọng, không chỉ để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp chủ sở hữu nhãn hiệu hợp pháp, mà còn bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng khỏi những hoạt động lừa đảo, thiếu trung thực.

Hiện nay, nhìn chung hành vi cybersquatting có thể bị xử phạt nhờ vào hai cơ chế pháp lý chính là cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ, theo luật hiện hành của Việt Nam, hành vi cybersquatting rơi vào phạm vi áp dụng của điều 130 d của Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, khoản 2 điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định những căn cứ để xác định hành vi cybersquatting vi phạm quyền sở hữu công nghiệp hay cạnh tranh không lành mạnh mà doanh nghiệp bị vi phạm có thể khởi kiện tại tòa án. Trên các cơ sở pháp lý nói trên, năm 2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử lý đơn khởi kiện của Công ty Osram của Đức đối với hành vi cybersquatting của ông Nguyễn Văn Tứ (Hà Nội) và đưa ra quyết định thu hồi hai tên miền Osram.com.vn và Osram.vn do ông Tứ đăng ký, vì lý do vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của công ty Osram.

Ngoài biện pháp giải quyết tranh chấp trước tòa, một số phương án khác cũng có thể được sử dụng như thương lượng, hòa giải hay thông qua trọng tài. Tuy biện pháp này không mấy được ưa chuộng ở Việt Nam, nó lại khá hiệu quả ở một số quốc gia khác, hay như ở tầm quốc tế. Ví dụ như ở Pháp, tranh chấp về tên miền có thể được giải quyết khá nhanh nhờ vào AFNIC (Association Française pour le Nommage Internet en Coopération – Tổ chức về tên miền và hợp tác của Pháp) – cơ quan quản lý việc đăng ký tên miền đồng thời giải quyết tranh chấp liên quan đến tên miền.

Ở tầm quốc tế, chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (Domain Name Dispute Resolution Policy – UDRP) của Tổ chức quản lý tên miền và số hiệu mạng thế giới (ICANN) được sử dụng bởi nhiều trung tâm hòa giải quốc tế để giải quyết tranh chấp liên quan tới cybersquatting, như Trung tâm trọng tài và hòa giải của WIPO, Diễn đàn Trọng tài quốc gia (National Arbitration Forum), hay Trung tâm giải quyết tranh chấp tên miền châu Á (Asian Domain Name Dispute Resolution Centre).

Đặc biệt, cần phải nhấn mạnh rằng Trung tâm trọng tài và hòa giải của WIPO là cơ quan ngoài Trung Quốc duy nhất được Chính phủ Trung Quốc cho phép giải quyết các vụ tranh chấp liên quan tới tên miền .CN và .中国. Chỉ sau hai năm, trung tâm này đã xử lý hơn 100 vụ tranh chấp mà người kiện chủ yếu đến từ Pháp, Mỹ, Đức, Trung Quốc, Ý và Anh liên quan đến những tên miền như Bulgari, Facebook, Osram, Siemens, and Tencent. Phần lớn những tranh chấp này là trong lĩnh vực thời trang, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tài chính ngân hàng hay công nghiệp nặng.

Dịch Covid-19 đã dẫn đến nhiều thay đổi, và thương mại điện tử sẽ ngày càng trở thành xu hướng tất yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp càng cần chú trọng tới việc chủ động đăng ký, sử dụng tên miền liên quan đến hoạt động kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm, dịch vụ của mình với cơ quan quản lý tên miền. Không chỉ thế, các doanh nghiệp cũng cần chú ý để có thể phản ứng nhanh trước các hoạt động cybersquatting và typosquatting ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

————–

(1) Ở Việt Nam, một số vụ cybersquatting đã dẫn đến việc doanh nghiệp phải trả tiền để mua lại tên miền, như Viettel.com được rao bán với giá 1,5 triệu đô la Mỹ, hay như Samsung phải bỏ ra 218 triệu đồng để đổi lại quyền sở hữu hai tên miền quốc gia samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn. Một ví dụ khác là Bkav phải bỏ ra 2,3 tỉ đồng để mua lại tên miền bkav.com từ một công ty của Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới