Thứ Ba, 30/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trumponomics 2.0 sẽ như thế nào

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Dựa vào đường lối kinh tế của Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống Mỹ cũng như các tuyên bố gần đây của ông với cử tri, người ta dự báo Trumponomics 2.0 sẽ xoay quanh trục “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again – MAGA), vì thế người ta còn đặt thêm một tên mới cho chính sách kinh tế này – Maganomics.

Trumponomics – ưu tiên cho nước Mỹ

Nói ngắn gọn, đường lối kinh tế của ông Trump tập trung vào những chính sách cắt giảm thuế, tăng cường bảo hộ, giảm bớt các quy định, thu hẹp vai trò chính phủ và duy trì một lập trường ngoại thương cứng rắn. Mục đích là nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người ăn lương, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những người phê phán Trumponomics cho rằng định hướng kinh tế như vậy sẽ có lợi cho người giàu, làm tăng nợ công, tác động xấu lên môi trường và gây căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump cố gắng phục hồi sản xuất trong nước, tăng chi tiêu xây dựng hạ tầng, áp thuế lên hàng nhập khẩu. Mục tiêu là giảm mức thâm hụt thương mại bằng cách thương lượng lại các hiệp định đã ký với các nước, dùng thuế cao để chặn bớt hàng nhập khẩu, khuyến khích sản xuất trong nước để người tiêu dùng chuyển sang mua hàng của Mỹ. Ông cho rằng doanh nghiệp cần được khuyến khích từ đó mới hào hứng bỏ tiền ra đầu tư làm ăn nên đã cắt giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập doanh nghiệp thời ông Donald Trump làm tổng thống đã giảm mạnh từ 35% xuống còn 21%.

Nếu Donald Trump đắc cử làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, rất có khả năng ông sẽ tiếp tục đường lối kinh tế Trumponomics, lần này hướng mạnh vào chuyện bảo hộ sản xuất trong nước và giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế Mỹ giai đoạn này khác giai đoạn trước: các chính sách kích cầu như giảm thuế thu nhập và giảm cung như tăng thuế hàng hóa có nguy cơ làm lạm phát quay trở lại và do đó làm lãi suất buộc phải tăng chứ không giảm.

Từ đó, có nhiều dự báo cho rằng, ông Trump sẽ tăng thuế nhập khẩu, hiện đang ở mức bình quân 2,5% lên chừng 4,3% chứ không đến nỗi tăng vọt lên 10% cho mọi hàng hóa và 60% cho hàng nhập từ Trung Quốc như ông nhiều lần đe dọa. Ở kịch bản lạc quan này, GDP của Mỹ và của thế giới do thuế tăng mà giảm bớt lần lượt 0,5 và 0,2 điểm phần trăm trong năm áp dụng đầu tiên. Còn giả dụ ông Trump tăng thuế mạnh như cam kết lúc tranh cử, lên mức 12% thì cái giá phải trả cho nền kinh tế Mỹ và thế giới lần lượt là -1,4% và -0,6%. Dù sao ông Trump cũng sẽ chỉ nhắm đến các loại hàng hóa nhập khẩu không thiết yếu cho nền kinh tế Mỹ, tức chừng 55% hàng hóa nhập từ Trung Quốc và 70% hàng hóa nhập từ EU. Ngành dệt may và thiết bị vận tải sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Với thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Trump từng tuyên bố sẽ giảm còn 20%, tức dư địa để giảm không còn nhiều. Dù sao để kéo dài việc giảm thuế doanh nghiệp, ngân sách sẽ phải chịu một gánh nặng lên đến 4.500 tỉ đô la trong thập niên tới nên vấn đề của ông Trump là thuyết phục Quốc hội cho tiếp tục giảm thuế. Có thể lá bài của ông Trump trong vấn đề này là khoản thu từ tăng thuế nhập khẩu, có thể đem lại 3.000 tỉ đô la và việc hủy bỏ chuyện miễn trả nợ vay cho sinh viên, cũng có thể thu lại chừng 1.000 tỉ đô la nữa.

Lúc ông Trump làm tổng thống, đã nhiều lần ông bày tỏ sự không hài lòng đối với cách điều hành lãi suất của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed). Lúc đó ông gây áp lực buộc Fed cắt giảm lãi suất mạnh hơn nữa để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump không dễ đề cử một chủ tịch Fed mới để thay ông Jerome Powell. Hội đồng quản lý Fed có đến bảy thống đốc và mọi thống đốc được đề cử phải thông qua Thượng viện Mỹ phê duyệt. Trước đây Thượng viện Mỹ từng bác bỏ 2 trong số 4 đề cử của ông Trump. Ông Trump cũng đã tuyên bố sẽ không thay chủ tịch Fed trước khi nhiệm kỳ của ông Powell kết thúc vào năm 2026.

Một tác động kinh tế rõ nhất và có hiệu ứng sớm nhất nếu ông Trump đắc cử là vấn đề nhập cư. Ông Trump sẽ siết lại chuyện nhập cư như nhiều lần hứa hẹn với cử tri, từ đó chặn dòng cung ứng nhân lực cho thị trường lao động Mỹ. Hàng triệu người nhập cư trong những năm vừa qua dù sao cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời giúp kiềm chế lạm phát. Việc ngưng dòng người nhập cư sẽ là một cú sốc cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên lực cản cho nỗ lực chặn dòng nhập cư vẫn còn lớn, nhất là khi doanh nghiệp sẽ vận động hành lang mạnh để duy trì nguồn nhân lực giá rẻ.

Sức khỏe của thị trường chứng khoán Mỹ cuối cùng sẽ là phép thử cho chính sách kinh tế của ông Trump. Giả dụ giá cổ phiếu giảm, lợi suất trái phiếu tăng khi ông Trump thực thi các chính sách đã hứa hẹn – cho dù đó là mạnh tay với chuyện nhập cư, cứng rắn với Fed hay không nhượng bộ trước Trung Quốc – ông Trump tự mình sẽ phải điều chỉnh nhằm phù hợp với thực tế. Đó cũng là một nét nữa của Trumponomics.

Trump – Vance chủ trương đô la yếu

Cả ứng cử viên Donald Trump lẫn phó tướng của ông, JD Vance, đều chủ trương cần có một đồng đô la Mỹ yếu hơn so với các ngoại tệ khác nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Lập trường này sẽ có những tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ cũng như của toàn thế giới.

Ngay từ khi còn làm tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã nhiều lần bày tỏ quan điểm đồng đô la mạnh sẽ gây khó cho các nhà sản xuất Mỹ bán sản phẩm ra thế giới vì đồng tiền của các nước mua hàng Mỹ yếu hơn nên họ phải chi trả nhiều hơn. Năm 2019, ông từng giải thích vì sao các công ty Mỹ như Caterpillar hay Boeing phải cạnh tranh vất vả: “Là tổng thống của quý vị, ắt mọi người nghĩ tôi sẽ rất hăm hở với một đồng đô la mạnh. Tôi thì không”. Hiện nay ngân hàng trung ương các nước đang giành khoảng 60% dự trữ ngoại tệ của họ bằng đô la Mỹ nên ai nấy đều mong đô la Mỹ mạnh lên để duy trì giá trị dự trữ.

Nếu chủ trương đô la Mỹ nên yếu bớt để nâng tính cạnh tranh, chính quyền ông Trump có thể ra lệnh cho Bộ Tài chính Mỹ bán đô la Mỹ, mua ngoại tệ khác hay yêu cầu Fed in thêm tiền. Rất có khả năng nếu ông Trump tái đắc cử, ông sẽ phải tính đến chuyện in thêm tiền để bù vào thâm hụt ngân sách bất kể có muốn đô la Mỹ yếu đi hay không.

Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, Mark Sobel, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và bây giờ là chủ tịch Diễn đàn Định chế Tiền tệ và Tài chính nhận định: “Làm đồng tiền mất giá sẽ gây thêm áp lực lạm phát. Tăng thuế cũng có tác dụng tương tự. Hơn nữa, một chính sách tài khóa mở rộng mạnh sẽ tăng thêm áp lực phía cầu”.

Với ứng cử viên phó tổng thống JD Vance, tại một buổi điều trần ở Thượng viện Mỹ, ông này từng nhắc lại mối quan ngại của ông Trump khi chất vấn Chủ tịch Fed, Jerome Powell. Vance nói vị thế đô la Mỹ như một đồng tiền dự trữ của thế giới, mặc dù có lợi cho người tiêu dùng Mỹ nhưng là gánh nặng cho các nhà sản xuất Mỹ. Ông đã vạch ra mâu thuẫn giữa đồng đô la mạnh gián tiếp trợ giá cho người Mỹ mua hàng giá rẻ từ khắp thế giới nhưng mặt khác lại làm suy yếu nền sản xuất của Mỹ vì không thể cạnh tranh ở nước ngoài.

Trong năm qua, do lãi suất của Mỹ không ngừng tăng lên nhằm kiềm chế lạm phát, sức mạnh của đô la Mỹ càng được củng cố. Ngân hàng trung ương các nước lo ngại đô la Mỹ mạnh sẽ buộc họ “nhập khẩu lạm phát” bởi các hàng hóa nhập khẩu thiết yếu như dầu mỏ được thanh toán bằng đồng tiền này. Mặt khác, một khi đô la Mỹ mạnh làm xuất khẩu Mỹ đắt đỏ hơn, nhập khẩu rẻ hơn, cán cân thương mại Mỹ càng thâm hụt lớn hơn. Ông Trump lại rất không thích nước Mỹ chịu thâm hụt thương mại.

Robert E. Lighthizer, người trước đây từng làm cố vấn thương mại cho ông Trump có thể là ứng viên cho chức vụ Bộ trưởng Thương mại nếu Trump – Vance đắc cử. Theo tờ Politico, ông này đang cân nhắc nhiều biện pháp để giảm giá đồng đô la trong nhiệm kỳ hai của ông Trump. Các biện pháp có thể xảy ra gồm phát đi tín hiệu thay đổi chính sách; cử một chủ tịch Fed mới khi nhiệm kỳ của ông Powell kết thúc vào năm 2026 vì ông Powell chủ trương cắt giảm lãi suất; dùng mối đe dọa áp thuế nhập khẩu để buộc các nước phải nâng giá đồng tiền nước họ lên.

Từ đó mới nảy sinh một mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại về mặt kinh tế của chính quyền Trump – Vance. Các đề xuất cắt giảm thuế cho doanh nghiệp Mỹ sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, buộc phải nâng lãi suất – tức làm đồng đô la mạnh lên. Ngược lại, chính sách ngoại thương của ông Trump đi theo hướng khuyến khích các nước làm yếu đồng tiền của nước mình trong tương quan với đô la Mỹ nhằm hóa giải việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Hai lực này co kéo, chưa biết số phận đô la Mỹ trên thực tế sẽ đi về đâu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới