(KTSG Online) – Hôm 26-8 vừa qua, Trung Quốc đã hoàn thành việc kiểm tra mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng sang quốc gia này. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có mã số nào của Việt Nam được thị trường tỉ dân này công nhận.
- Sầu riêng sắp được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
- Tại sao Việt Nam chưa thể xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng hợp tác quốc tế thuộc Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác nhận, đến thời điểm hiện tại, chưa có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này. “Tất cả những cái đó (mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói- PV) là do mình đề xuất thôi”, ông nói.
Báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật cho thấy, có 123 mã số vùng trồng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Theo ông Hiếu, trong số các mã số đăng ký được chia ra làm ba nhóm, bao gồm nhóm các đơn vị đã hoàn thành hồ sơ, nhóm đơn vị phải bổ sung và nhóm các đơn vị phải kiểm tra. “Đến lúc kiểm tra, có một số đơn vị chưa chuẩn bị kịp nên xin rút”, ông nói.
Trong khi đó, theo ông Hiếu, có 57 mã số cơ sở đóng gói được đề xuất tham gia chương trình xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Thế nhưng, có 13 đơn vị bị loại. “44 đơn vị còn lại cũng được chia ra thành ba nhóm, gồm nhóm đủ hồ sơ, nhóm bổ sung và nhóm phải kiểm tra”, ông cho biết.
Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký nghị định thư yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo đó, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các yêu cầu trong nghị định thư, không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật được phía Trung Quốc quan tâm.
Đối với điều khoản đăng ký, theo nghị định thư, tất cả các vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư này, thì có thể truy xuất nguồn gốc được chính xác.
Trước khi lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, đến thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc chưa công nhận bất kỳ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nào cho sầu riêng của Việt Nam.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 6-2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 37,2 triệu đô la Mỹ, tăng 102,3% so với tháng trước đó và tăng 67,1% so với cùng kỳ. Tính chung, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sâu riêng đạt 84,38 triệu đô la Mỹ, tăng 90,2% so với cùng kỳ.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng đông lạnh và tươi. Trong đó, với dạng đông lạnh, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đạt 47,1 triệu đô la Mỹ, tăng 169,8% so với cùng kỳ; dạng tươi đạt 35,84 triệu đô la Mỹ, tăng 33,3% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Thị trường xuất khẩu sâu riêng lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan, với kim ngạch đạt 29,399 triệu đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 342,4% so với cùng kỳ; Đài Loan đạt 16,167 triệu đô la Mỹ, tăng 85,7% so với cùng kỳ; Hồng Kông đạt 15,164 triệu đô la Mỹ, giảm 8% so với cùng kỳ; sang Mỹ đạt 11,103 triệu đô la Mỹ, tăng 71,1% so với cùng kỳ.
Riêng thị trường Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sầu riêng sang đây đạt 2,862 triệu đô la Mỹ, tăng 123% so với cùng kỳ năm ngoái.